bn-current-user-online-portlet

Online : 2510
Total visited : 150734141

Trao đổi về bệnh do não mô cầu

30/07/2024 14:05 View Count: 28

Não mô cầu một loại vi khuẩn Gram âm, không có triệu chứng xâm chiếm đường hô hấp trên của khoảng 10% người khỏe mạnh và là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não do vi khuẩn và nhiễm trùng huyết ở trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới.

Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc các giọt khí dung do ho/hắt hơi từ bệnh nhân mắc bệnh do não mô cầu hoặc người mang mầm bệnh không có triệu chứng. Con người là vật chủ duy nhất. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh do não mô cầu là do các huyết thanh nhóm A, B, C, Y và W gây ra. Viêm màng não do não mô cầu vẫn tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe toàn cầu, chiếm 1,2 triệu ca và 135.000 ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm , mặc dù đã có vắc-xin hiệu quả.

Để biết cách phòng chống bệnh do não mô cầu chúng tôi có cuộc phỏng vấn bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng, trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng, trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Bác sĩ cho biết diễn biến của bệnh do não mô cầu khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên?

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng: Bệnh do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis (còn gọi là vi khuẩn não mô cầu) gây ra. Đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp... thậm chí tử vong.

Bệnh có triệu chứng sớm như đau đầu, sốt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa… khá giống với các bệnh nhiễm siêu vi, bệnh cúm thông thường nên khó chẩn đoán chính xác trong giai đoạn sớm. Những triệu chứng không rõ ràng này thường khiến bệnh nhân chủ quan, không thăm khám sớm, dẫn đến các chuyển biến nghiêm trọng như nhiễm trùng màng não, tủy sống và máu, gây phù não; tổn thương thần kinh trung ương...

Khi không được điều trị kịp thời, bệnh nhân nhiễm não mô cầu sẽ bị sốc, rơi vào hôn mê và có thể tử vong chỉ trong vòng 24 giờ kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Trẻ em mắc bệnh do nhiễm não mô cầu không kịp thời chẩn đoán và chữa trị có nguy cơ tử vong cao hoặc chịu những di chứng kéo dài. Theo Quỹ quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (NFID), ngay cả khi được điều trị, cứ 10 người bị nhiễm não mô cầu thì có 1 người sẽ tử vong, đồng thời có đến 1/5 người sống sót bị khuyết tật vĩnh viễn như mất chi, điếc, gặp các vấn đề về hệ thần kinh hoặc tổn thương não. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ ra, tỷ lệ tử vong do nhiễm não mô cầu trong vòng 24 đến 48 giờ chiếm từ 5-10%. Tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50% nếu không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ cho biết nhóm tuổi nào có nguy cơ mắc bệnh cao?

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng: Theo đánh đánh giá của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), vi khuẩn não mô cầu lây lan qua việc trao đổi chất tiết đường hô hấp và họng như nước bọt hoặc khạc nhổ (ho, sống gần nhà, ôm hôn nhau). Mặc dù bệnh ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) và thanh thiếu niên là hai nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất và dễ trở thành nguồn lây cho cộng đồng xung quanh. Nguy cơ lây nhiễm cao hơn ở những nơi tiếp xúc, tụ tập đông người. Chính vì vậy, bối cảnh bình thường mới, khi trẻ bắt đầu trở lại với các hoạt động tập thể, việc trò chuyện nhóm, ôm hôn, chia sẻ thức ăn,… được đánh giá là nguyên nhân chính làm lây nhiễm vi khuẩn não mô cầu.

Thanh thiếu niên có thể trở thành nguồn lây cho các thành viên khác trong gia đình. Trong đó, cứ 1 trên 5 thanh thiếu niên dù không có biểu hiện nào của bệnh nhưng lại đang mang vi khuẩn não mô cầu trong người. Nếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, cơ thể không đủ kháng thể bảo vệ, trẻ có thể dễ mắc các bệnh do nhiễm não mô cầu.

Bác sĩ cho biết cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất?

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng: Để bảo vệ và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, giữ vệ sinh cho trẻ và của chính bản thân mình, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ thoáng mát và tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng và họng bằng dung dịch sát khuẩn. Đồng thời, tiêm vắc xin để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ chuyển biến nặng nếu chẳng may mắc bệnh nhiễm não mô cầu. Tiêm vắc xin cũng chính là chìa khóa quan trọng giúp tạo miễn dịch cộng đồng khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh do nhiễm não mô cầu.

Tại Việt Nam, có 3 loại vắc xin phòng bệnh do nhiễm não mô cầu. Loại thứ nhất là vắc xin VA- Menggoc BC thành phần gồm 2 tuýp huyết thanh B và C, phác đồ tiêm gồm 2 liều tiêm, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều là 6 đến 8 tuần. Loại thứ hai là vắc xin Menactra là vắc xin tứ giá gồm các tuýp huyết thanh A, C, W-135, Y, cần tiêm 1 liều duy nhất cho người từ 2 tuổi đến 55 tuổi và có thể tiêm 1 liều nhắc lại cho người từ 15-55 tuổi tiếp tục có nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu, nếu mũi tiêm trước đây được tiêm ít nhất đã 4 năm. Trẻ từ 9 tháng đến dưới 24 tháng sẽ tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 3 tháng. Loại thứ ba là vắc xin Bexsero chứa tuýp huyết thanh nhóm B bảo vệ sớm cho trẻ em và người lớn từ 2 tháng tuổi với phác đồ. Trẻ từ 2 – 6 tháng tuổi tiêm 02 mũi cách nhau ít nhất 02 tháng và mũi nhắc lại khi trẻ từ 12 tháng tuổi và sau mũi thứ 2 ít nhất 6 tháng; Trẻ từ 6-12 tháng tuổi tiêm 02 mũi cách nhau ít nhất 02 tháng và mũi nhắc lại khi trẻ từ 12 tháng tuổi và sau mũi thứ 2 ít nhất 2 tháng; Trẻ từ 1 – 2 tuổi tiêm 02 mũi cách nhau ít nhất 02 tháng và mũi nhắc lại cách mũi thứ 2 12 tháng; Trẻ từ 2 - 50tuổi tiêm 02 mũi cách nhau ít nhất 01 tháng.

Khắc Thụy