bn-current-user-online-portlet

Online : 5549
Total visited : 150704470

Tăng thuế thuốc lá để giảm tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng khám chữa bệnh do sử dụng sản phẩm này gây ra

19/10/2024 08:27 View Count: 92

Một trong những lý do khiến tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới Việt Nam lên tới trên 40% là do giá thuốc lá rất rẻ. Giảm tỷ lệ hút thuốc sẽ làm giảm chi phí kinh tế đáng kể do sử dụng thuốc lá gây ra. Ước tính mỗi năm thuốc lá gây ra tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh.

Ngày 18/10, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức tọa đàm "Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030".

Toạ đàm có sự tham dự của các Đại biểu Quốc hội, đại diện Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế... nhằm thảo luận và đề xuất giải pháp chính sách thuế hiệu quả để giảm tác hại của thuốc lá.

Tăng thuế thuốc lá để giảm tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng khám chữa bệnh do sử dụng sản phẩm này gây ra- Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm "Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030".

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá

Thông tin tại tọa đàm cho thấy, theo nhiều nghiên cứu và thống kê, thuốc lá gây ra nhiều tác hại với sức khỏe con người và hệ lụy cho xã hội. Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Phát biểu tọa đàm, Nhà báo Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam cho biết: Để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%. Đến năm 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%.

Đồng thời, yêu cầu: "Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)" và giao Bộ Tài chính "Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan xây dựng lộ trình tăng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Chiến lược".

Tại tọa đàm, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã làm rõ tính nguy hại của thuốc lá, thực trạng sử dụng thuốc lá hiện nay, nguy cơ không đạt được mục tiêu của Chiến lược; những thách thức mới đặt ra trong việc phòng chống tác hại thuốc lá và thực thi Chiến lược; tình trạng báo động sử dụng thuốc lá ở trẻ em tại Việt Nam…

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, trong thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, có khoảng 69 chất gây ung thư. Nếu hút thuốc trong thời gian dài sẽ gây ra rất nhiều loại bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Trong đó, gây nên các bệnh về ung thư, các bệnh khá như đột quỵ, viêm phổi, xơ vữa mạch ngoại vi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, tác hại tới sức khỏe sinh sản, sinh dục…

Hút thuốc lá cũng làm giảm khả năng sinh dục, gây bất lực, tăng nguy cơ vô sinh ở cả 2 giới; Thuốc lá còn gây nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc cao gấp 3 lần so với phụ nữ không hút thuốc và có thể khiến thai chết lưu... Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 8 triệu ca tử vong do thuốc lá mỗi năm.

Cũng tại tọa đàm, ThS Tuấn Lâm đã đề cập đến các nhóm sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Hiện có gần 20.000 nhóm sản phẩm theo hương vị khác nhau. Thành phần và khí tỏa thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc giống thuốc lá điếu. Hút thuốc lá mới gây nhiều nguy cơ gây bệnh mãn tính giống như thuốc lá thông thường, như hô hấp, tim mạch, ung thư, tâm thần kinh, bệnh về răng miệng…

Thêm yếu tố đáng lo ngại nữa theo ThS Tuấn Lâm, nguy cơ trộn lẫn ma túy tổng hợp trong thuốc lá điện tử là rất cao. Theo số liệu từ 700 bệnh viện, năm 2023 có tới hơn 1.200 ca cấp cứu vì thuốc lá điện tử.

Tăng thuế và giá thuốc lá chính là biện pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc

Tăng thuế thuốc lá để giảm tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng khám chữa bệnh do sử dụng sản phẩm này gây ra- Ảnh 3.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, tỷ lệ hút thuốc lá cao đang đe dọa khả năng của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bà Hoàng Thị Thu Hương - đại diện Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho hay, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới trong khi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong những năm qua đã giảm đáng kể.

Theo bà Hương, sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới khiến gia tăng người mới bắt đầu sử dụng thuốc lá. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc đạt mục tiêu quốc gia đến năm 2030 giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá xuống 36%.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, khai mạc vào ngày 21/10 tới. Trong đó, ban soạn thảo đề nghị tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế.

Cụ thể, mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với 2 phương án, cụ thể:

  1. Phương án 1 sẽ bổ sung 2.000 đồng/bao thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000 đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030;
  2. Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.

Tham luận tại tọa đàm, ThS Lê Thị Thu - chuyên gia của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam cho hay, 2 phương án này dù được đánh giá là bước đi đúng hướng, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 cần phải có thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Theo ThS Thu, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam đã giảm dần trong hơn thập kỷ qua nhưng tỷ lệ hút thuốc nam giới vẫn ở mức cao và nằm trong 10 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới; Tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở trẻ em có xu hướng giảm, nhưng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử...

"Việt Nam có giá thuốc lá thấp so với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương và đứng thứ 151/161 các quốc gia trên thế giới. Do đó thuế thuốc lá là giải pháp quan trọng trong giảm tiêu dùng thuốc lá, nhưng các lần điều chỉnh/tăng thuế ở Việt Nam chưa đủ mạnh để giảm tiêu dùng theo khuyến nghị của WHO"- ThS Lê Thị Thu cho biết.

Tăng thuế thuốc lá để giảm tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng khám chữa bệnh do sử dụng sản phẩm này gây ra- Ảnh 4.

ThS Lê Thị Thu tham luận tại tọa đàm.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, tỷ lệ hút thuốc lá cao đang đe dọa khả năng của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Một trong những lý do khiến tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới Việt Nam tới trên 40% là do giá thuốc lá rất rẻ, nguyên nhân là do thuế rất thấp. Tăng thuế và giá thuốc lá chính là biện pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc.

Cũng theo bà Angela Pratt, giảm tỷ lệ hút thuốc sẽ làm giảm chi phí kinh tế đáng kể do sử dụng thuốc lá gây ra. Uớc tính mỗi năm thuốc lá gây ra tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Các tổn thất này nếu không được ngăn ngừa sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế và tương lai của Việt Nam.

"Chúng tôi tin rằng các nhà lập pháp Việt Nam đang đứng trước cơ hội quan trọng trong các phiên họp sắp tới của Quốc hội về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, để bảo vệ người dân khỏi những tác hại nguy hiểm của việc sử dụng thuốc lá"- TS Angela Pratt phát biểu và nhấn mạnh thêm: để đạt được điều này, khuyến nghị rất mạnh mẽ của WHO là Việt Nam nên áp dụng mức thuế thuốc lá cao hơn nữa (so với các đề xuất trong dự thảo hiện nay).

"Áp dụng thuế thuốc lá cao hơn sẽ bảo vệ nguồn lực quý giá nhất của Việt Nam, sức khỏe của người dân, qua đó sẽ giúp hiện thực hóa khát vọng của quốc gia về một tương lai khỏe mạnh và thịnh vượng hơn"- TS. Angela Pratt bày tỏ.

Tăng thuế thuốc lá để giảm tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng khám chữa bệnh do sử dụng sản phẩm này gây ra- Ảnh 5.

Giảm tỷ lệ hút thuốc sẽ làm giảm chi phí kinh tế đáng kể do sử dụng thuốc lá gây ra

Source: SKĐS