bn-current-user-online-portlet

Online : 4692
Total visited : 150718184

Tầm soát, phát hiện sớm, điều trị kịp thời bệnh tăng nhãn áp glocom

13/03/2024 14:02 View Count: 56

Bệnh tăng nhãn áp Glocom (hay còn gọi là bệnh thiên đầu thống) là bệnh lý của thần kinh thị giác, đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù loà. Những tổn thương do bệnh glocom là không có khả năng hồi phục, vì vậy việc tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời rất quan trọng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Glocom là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ 2 trên thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể. Căn bệnh này đã ảnh hưởng tới gần 80 triệu người từ 40 – 80 tuổi. Đáng chú ý, trong tổng số bệnh nhân mắc Glocom trên toàn thế giới, Châu Á chiếm tới 47%, trong đó gần 50% người không biết mình có bệnh.

Ông Lưu Ngọc Chiến đến Bệnh viện Mắt Bắc Ninh trong tình trạng bệnh đã diễn biến nặng, nguy cơ mù loà. Ông thấy xuất hiện triệu chứng mờ mắt từ rất lâu, nhưng không đi khám. Khi thị lực gần như mất hẳn, ông mới đến viện và được chẩn đoán glôcôm, thị lực mắt trái chỉ còn 2/10 và mắt phải gần như không nhìn thấy. Mặc dù đã được phẫu thuật, nhưng mắt ông không thể phục hồi như trước, mà chỉ giữ được thị lực hiện có.

Ông Lưu Ngọc Chiến, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du khám mắt tại Bệnh viện Mắt Bắc Ninh

Ông Lưu Ngọc Chiến, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du cho biết: "Mắt tôi cứ mờ dần đi cả một năm nay rồi nhưng lại chủ quan nghĩ rằng do tuổi già. Đến khi mờ quá rồi mới đi khám. Giá như mà tôi đi khám sớm hơn thì sẽ điều trị kịp rồi".

Hiện nay, đa phần bệnh nhân mắc glôcôm đến khám ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã tiến triển nặng, tổn thương thị giác. Với những bệnh nhân này, việc điều trị chỉ có thể duy trì thị lực hiện tại và khắc phục tình trạng đau nhức mắt.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khôi, Bệnh viện Mắt Bắc Ninh: điều trị glocom có nhiều phương pháp như: Dùng thuốc, laser, phẫu thuật. Tuy nhiên, kết quả điều trị và tiên lượng bệnh phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện và sự tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh nhân. Bởi tổn thương thị giác trong bệnh glôcôm là tổn thương vĩnh viễn không hồi phục. Việc điều trị glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác, giữ được thị giác hiện có và khắc phục các triệu chứng của bệnh.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khôi thực hiện khám, phát hiện sớm bệnh glocom qua sinh hiển vi

Để sớm phát hiện bệnh mọi người cần nhận biết các dấu hiệu sau: Mắt đau nhức đột ngột, dữ dội, đau lan lên đỉnh đầu là dấu hiệu mắc Glocom. Với mỗi thể bệnh, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau:

Glocom góc đóng cơn cấp điển hình: các triệu chứng xuất hiện đột ngột, dữ dội: Mắt đau nhức đột ngột, dữ dội, đau lan lên đỉnh đầu. Nhãn cầu căng cứng như hòn bi. Mắt đỏ, mi nề, chảy nước mắt, sợ ánh sáng. Thị lực bệnh nhân giảm nhanh thậm chí mất hẳn, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn vào các vật phát sáng thấy có quầng xanh đỏ. Những dấu hiệu toàn thân có thể có: đau bụng, nôn, buồn nôn, ỉa chảy, vã mồ hôi.... khiến người bệnh lầm t­ưởng là cảm sốt, chủ quan tự chữa trị, khi tới viện thì đã mù hoàn toàn.

Glocom góc đóng bán cấp: Các triệu chứng giống như glocom góc đóng cơn cấp, nhưng ít dữ dội hơn, thỉnh thoảng xuất hiện những cơn đau nhức mắt, nhức đầu thoáng qua kèm nhìn mờ, qua cơn thị lực trở lại bình thường, nhưng tần suất, mức độ các cơn tăng dần, đồng thời thị lực ngày càng giảm.

Glocom góc đóng mạn tính: Rất ít gặp, thường không có triệu chứng, đa số bệnh nhân khi đến khám thị lực đã giảm nặng hoặc mất hoàn toàn.

Glocom góc mở: Bệnh âm thầm tiến triển mạn tính, lần lượt qua từng giai đoạn, người bệnh không nhận thấy sự giảm sút thị lực, do đó thường đến khám ở giai đoạn muộn khi bệnh đã nặng. Đa số bệnh nhân không đau nhức mắt hay đau nhức đầu, một số có cảm giác nặng, căng tức mắt thoáng qua, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn vật phát sáng thấy có quầng xanh đỏ, các biểu hiện xuất hiện thành từng cơn ngắn rồi tự hết, khiến bệnh nhân chủ quan không đi khám.

Các bác sỹ cũng lưu ý, glocom không thể chữa khỏi hoàn toàn. Trong nhiều trường hợp, dù được phát hiện và điều trị kịp thời, nhưng người bệnh cho rằng đã khỏi hẳn nên không tái khám, nên không biết rằng bệnh vẫn âm ỉ và tiếp tục tiến triển, dẫn đến mất dần thị giác. Các bác sỹ khuyến cáo, người mắc glocom cần được theo dõi chặt chẽ từ khi phát hiện bệnh, điều trị cho đến hết quãng đời còn lại, nhằm kiểm soát diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác. Bệnh nhân sau khi được phẫu thuật nên được kiểm tra mắt, đo nhãn áp 3 tháng/lần trong 1 năm đầu, sau đó cứ 6 tháng – 1năm / lần. Đối với bệnh nhân glôcôm góc mở điều trị bằng thuốc tra tại mắt, phải đi khám và kiểm tra nhãn áp 2 tháng/lần, kiểm tra thị trường và khám lại đáy mắt 3-6 tháng/lần. Nếu thấy nhãn áp tăng lên cần điều chỉnh chế độ thuốc để làm hạ nhãn áp xuống mức an toàn.

Bá Phúc