bn-current-user-online-portlet

Online : 4125
Total visited : 150772204

Sở Y tế triển khai Kế hoạch phòng chống thiên tai, thảm họa, cấp cứu ngộ độc năm 2024

17/01/2024 09:03 View Count: 351

Nhằm chủ động triển khai công tác y tế, cấp cứu khi có thiên tai, thảm hoạ, ngộ độc xảy ra, kịp thời triển khai công tác tiếp nhận, cấp cứu, khám chữa bệnh cho nạn nhân, bệnh nhân, Sở Y tế vừa xây dựng và ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai, thảm họa, cấp cứu ngộ độc năm 2024.

Sở Y tế đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai, thảm họa, cấp cứu ngộ độc các đơn vị, phân công nhiệm vụ phụ trách từng lĩnh vực của từng thành viên. Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, thảm họa, cấp cứu ngộ độc năm 2024; phương án tiếp nhận và tổ chức cấp cứu, vận chuyển cấp cứu ở mọi tình huống khẩn cấp như: cấp cứu hàng loạt, ngộ độc hàng loạt; phương án khắc phục môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau thiên tai. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tuyến tỉnh thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến dưới trong công tác dự phòng dịch bệnh, khám, chữa bệnh, vận chuyển và cấp cứu người bệnh khi có thiên tai, thảm họa, ngộ độc xảy ra. Thực hiện nghiêm chế độ thường trực cấp cứu; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong các tình huống. Tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống báo cháy, phương tiện PCCC và những nơi có nguy cơ cháy nổ gây mất an toàn trong đơn vị. Tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường; duy trì quản lý, khám chữa bệnh cho nhân dân khi có thiên tai, thảm họa, ngộ độc xảy ra.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai, thảm họa, cấp cứu ngộ độc; phân công nhiệm vụ và giao trách nhiệm theo dõi, phụ trách từng lĩnh vực cụ thể. Thành lập các đội cấp cứu lưu động, đội phòng chống dịch, chuẩn bị cơ số thuốc, vật tư y tế phòng, chống thiên tai, thảm họa, cấp cứu ngộ độc.

Với các đơn vị khám chữa bệnh chuẩn bị nguồn lực để tiếp nhận, cấp cứu khám chữa bệnh và chi viện cho tuyến dưới khi có yêu cầu điều động của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, thảm họa, cấp cứu ngộ độc ngành Y tế;

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế các huyện, thành phố chuẩn bị đủ các phương tiện, vật tư, hoá chất sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường, nước khi có thiên tai, thảm họa, ngập úng xảy ra.

Ngành y tế thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ (có cán bộ chỉ huy điều phối các lực lượng tìm kiếm, tiếp nhận, cấp cứu và vận chuyển nạn nhân ngay tại nơi xảy ra thiên tai, thảm họa, ngộ độc); lực lượng tại chỗ (có cán bộ y tế luôn sẵn sàng sơ cứu, cấp cứu nạn nhân và hướng dẫn chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh); phương tiện tại chỗ (có đủ thuốc, trang thiết bị, phương tiện và vật tư y tế, hóa chất phục vụ yêu cầu chuyên môn); hậu cần tại chỗ (dự trữ đủ xăng, dầu cho phương tiện, máy phát điện hoạt động khi không có điện, dự trữ lương thực, thực phẩm và các phương tiện phục vụ sinh hoạt khác cho cán bộ y tế và người bệnh khi có thiên tai, thảm họa, ngộ độc xảy ra).

Công tác thông tin, tuyên truyền được Sở Y tế giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm đầu mối, toàn bộ các đơn vị y tế trong và ngoài công lập phối hợp thực hiện, trọng tâm vào các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng, chống dịch bệnh, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh và thân nhân người bệnh.

Các đơn vị trong và ngoài ngành ngay trong quý I sẽ triển khai tập huấn cho cán bộ y tế, các đội cấp cứu về kỹ năng cấp cứu và xử trí một số tai nạn thường gặp như đuối nước, bỏng, chấn thương... tập huấn về giám sát dịch bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các dịch bệnh khác. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt khi có ngập úng, lụt bão.

Duy trì công tác thường trực, cấp cứu, phòng chống thiên tai, thảm họa, cấp cứu ngộ độc 24/24 giờ trong thời gian trọng điểm do Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, thảm họa, cấp cứu ngộ độc của ngành Y tế quy định. Bố trí đủ nhân lực thường trực bảo vệ cơ quan, bảo vệ tài sản tránh thất thoát hư hỏng và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, thảm họa, cấp cứu ngộ độc Ngành Y tế kiểm tra các đơn vị theo nhiệm vụ phân công. Ban Chỉ đạo đơn vị tổ chức kiểm tra các khoa, phòng, bộ phận về phương án đảm bảo và biện pháp khắc phục, các phương tiện nhằm đáp ứng cho công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa, cấp cứu ngộ độc; công tác phòng chống cháy nổ đối với các khu nhà điều trị người bệnh, khu làm việc, hạ bớt cành cây dễ đổ tại đơn vị trong mùa mưa bão... Bổ sung các phương tiện, dụng cụ cho công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa, cấp cứu ngộ độc tại đơn vị. Đảm bảo tất cả các cán bộ y tế biết và có khả năng thực hành đúng các phương án, tình huống phòng, chống thiên tai, thảm hoạ, ngộ độc và phòng cháy chữa cháy. Phối hợp với Ban An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức kiểm tra giám sát khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế đặc biệt lưu ý các đơn vị, ngay khi tiếp nhận thông tin hoặc có tình huống đột xuất xảy ra như: thiên tai, thảm họa, cháy nổ, tai nạn cấp cứu, ngộ độc hoặc các tình huống khẩn cấp khác. Lãnh đạo đơn vị báo cáo ngay về Sở Y tế - Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, thảm họa ngành Y tế theo số điện đường dây nóng: 0965.411.919 và báo cáo Lãnh đạo Sở Y tế tóm tắt tình hình diễn biến tình huống, mức độ thiệt hại; các nhiệm vụ đã triển khai, những khó khăn vướng mắc; đề xuất phương án giải quyết, đề nghị hỗ trợ chi viện…

Kế hoạch phòng chống thiên tai, thảm họa, cấp cứu ngộ độc được xây dựng nhằm chủ động chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện trang thiết bị, thuốc, hóa chất đảm bảo cho các hoạt động công tác y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân khi thiên tai, thảm họa, cấp cứu ngộ độc năm 2024. Đáp ứng kịp thời khi có các tình huống cấp cứu, khám chữa bệnh cũng như xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau thiên tai, thảm họa, ngộ độc.

Đăng Thăng