bn-current-user-online-portlet

Online : 3196
Total visited : 150806152

Quyền lợi người bệnh được cải thiện khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế

20/07/2018 14:52 View Count: 117

Theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT (Thông tư 15) của Bộ Y tế, từ ngày 15-7, có 88 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá. Việc điều chỉnh sẽ giúp cân đối quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT, đồng thời tăng quyền lợi của người tham gia BHYT

Khám cho bệnh nhi tại Trung tâm Y tế huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế)

Cụ thể, Thông tư 15 điều chỉnh giảm giá 70 dịch vụ, gồm: sáu dịch vụ khám bệnh (của năm hạng bệnh viện và trạm y tế xã); 34 dịch vụ ngày giường bệnh, 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm. Điều chỉnh tăng giá chín dịch vụ, gồm: bảy dịch vụ ngày giường (chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu) và hai dịch vụ xét nghiệm. Đồng thời, bổ sung mức giá của chín dịch vụ kỹ thuật, người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán. Thông tư cũng điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu.

Giá khám bệnh của năm hạng bệnh viện và trạm y tế xã giảm bình quân 17%, tiền khám bệnh sẽ giảm từ 4.800 đồng đến 5.900 đồng ở các hạng bệnh viện; giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một giảm từ 39 nghìn đồng xuống còn 33.100 đồng; ở bệnh viện hạng hai giảm từ 35 nghìn đồng xuống còn 29.600 đồng; giá khám tại trạm y tế xã, bệnh viện hạng bốn giảm từ 29 nghìn đồng xuống còn 23.300 đồng.

Giá giường bệnh được ban hành thấp hơn đề xuất ban đầu, tăng tại các bệnh viện hạng đặc biệt và giảm ở các hạng còn lại. Giá ngày giường điều trị giảm từ 2% đến 10% theo từng hạng bệnh viện. Tại bệnh viện hạng một, giá ngày giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc giảm từ 632.200 đồng xuống còn 615.600 đồng; giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng bốn giảm từ 226.000 đồng xuống 221.200 đồng. Giá ngày giường bệnh điều trị nội khoa đối với các chuyên khoa loại một (truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh...) giảm từ 199.100 đồng xuống còn 194.900 đồng; đối với các khoa loại hai (cơ - xương - khớp, da liễu, dị ứng, tai - mũi - họng...) giảm từ 178 nghìn đồng xuống còn 175 nghìn đồng. Riêng giá ngày giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt sẽ tăng từ 677.100 đồng lên 687.100 đồng.

Giá một số dịch vụ chụp X-quang, chụp CT scanner cũng giảm. Chi phí phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày giảm từ hơn bốn triệu đồng xuống còn 2,8 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số dịch vụ kỹ thuật giảm rất lớn như phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ 3,6 triệu đồng xuống còn hai triệu đồng; phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF giảm từ 7,2 triệu đồng xuống còn 3,6 triệu đồng... Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang giảm từ 2,326 triệu đồng xuống còn 2,2 triệu đồng; chụp cộng hưởng từ (MRI) không thuốc cản quang giảm từ 1,754 triệu đồng xuống còn 1,3 triệu đồng...

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT. Các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ bị giảm nguồn thu dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, các dịch vụ điều chỉnh phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cho nên giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết. Về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm dẫn đến phần đồng chi trả của người bệnh giảm, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Việc tăng, giảm giá phụ thuộc chi phí đầu vào như điện, nước, vật tư, hóa chất..., hiện có một số chi phí tăng lên, một số loại lại giảm do đấu thầu. Do đó, mức giá viện phí được xây dựng từ năm 2012, 2015 theo Thông tư 37 không còn phù hợp. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục sắp xếp lại 18 nghìn dịch vụ y tế thành nhóm từ 2.000 đến 3.000 dịch vụ y tế để xây dựng giá cho các dịch vụ này.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh các cơ sở y tế đang phải thực hiện lộ trình tự chủ tài chính thì việc điều chỉnh theo Thông tư 15 này sẽ khiến các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi Chính phủ chưa cho phép thay đổi mệnh giá thu BHYT đến năm 2020 thì Thông tư 15 sẽ giúp cho Quỹ khám chữa bệnh BHYT bền vững hơn. Do đó, các bệnh viện cần cân đối, điều tiết để hài hòa lợi ích giữa các bên, bởi nếu Quỹ khám chữa bệnh BHYT không cân đối được thì sẽ có nhiều khó khăn phát sinh hơn trong chính các bệnh viện.

ĐỂ thực hiện đúng các quy định của Thông tư 15, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện thông báo công khai cho người bệnh, người nhà người bệnh về mức giá của các dịch vụ; thông báo ở địa điểm dễ quan sát, nhận biết. Đối với các cơ sở có số lượt khám bệnh tăng, phải tăng số bàn khám, tăng nhân lực cho phòng khám vào giờ cao điểm để bảo đảm bác sĩ có thời gian khám, tư vấn cho người bệnh. Tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh điều trị nội trú theo quy định; thực hiện chỉ định các dịch vụ kỹ thuật theo đúng quy định về chuyên môn y tế. Bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh; mua sắm bổ sung bàn khám, trang thiết bị và nhân lực để tăng số bàn khám, phòng khám, không để người bệnh chờ lâu...

Minh Hùng (st)
Source: Báo nhân dân