bn-current-user-online-portlet

Online : 3379
Total visited : 150750186

Quan tâm đầu tư nguồn nhân lực làm công tác xã hội một cách hiệu quả

08/03/2023 08:52 View Count: 457

Thời gian qua, công tác xã hội (CTXH) đã được ngành y tế đặc biệt quan tâm và chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh trong ngành triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ tối đa cho người bệnh. Để thực hiện nhiệm vụ này, vấn đề tiên quyết là nhân lực đã được các đơn vị quan tâm cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ tuyển dụng cán bộ mới, phân công cán bộ chuyên trách, nhân rộng mạng lưới mà các cán bộ thực hiện nhiệm vụ CTXH còn được đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn liên quan đến CTXH để triển khai hiệu quả hoạt động này tại đơn vị.

Hoạt động CTXH trong bệnh viện đã được biết đến và triển khai từ khá lâu, tuy nhiên tập trung chủ yếu tại các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tư nhân. Thời gian qua, sau giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, năm 2022 được coi là dấu mốc khi CTXH được ngành y tế Bắc Ninh trọng tâm thực hiện. Sở Y tế đã ban hành văn bản số 610/KH-SYT ngày 03/3/2022 về Kế hoạch phát triển công tác xã hội ngành y tế Bắc Ninh giai đoạn 2022 – 2030. Trong đó quy định rõ cơ cấu tổ chức của Phòng/Tổ CTXH, nhân lực thực hiện nhiệm vụ CTXH cũng như cơ sở vật chất, trang phục trang thiết bị. Đồng thời, Kế hoạch  đề ra lộ trình cụ thể cho 16 đơn vị khám chữa bệnh trong ngành về thời gian thành lập Phòng CTXH và triển khai các nhiệm vụ CTXH trong bệnh viện. Trên cơ sở đó, lãnh đạo các đơn vị đã chú trọng hơn trong công tác quan tâm đầu tư nhân lực và vật lực cho công tác CTXH tại đơn vị. Nhờ đó, người bệnh được hỗ trợ rất nhiều trong quá trình khám chữa bệnh, uy tín của cơ sở khám chữa bệnh cũng được nâng lên rõ rệt.

Trong số 16 đơn vị khám, chữa bệnh trong ngành, hiện có 02/16 đơn vị có Phòng CTXH (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi); 14/16 đơn vị thành lập Tổ CTXH trực thuộc Khoa, Phòng. Nhân sự CTXH được các đơn vị kiện toàn, bổ sung tùy theo từng điều kiện cụ thể để triển khai nhiệm vụ. Toàn ngành đã có 70 cán bộ chuyên trách CTXH, 43 cán bộ kiêm nhiệm và 223 cộng tác viên ở các khoa, phòng. Đội ngũ cộng tác viên là cánh tay nối dài triển khai nhiệm vụ CTXH được các đơn vị thực hiện khá tốt và hiệu quả. Hầu hết các đơn vị đều xây dựng đội ngũ cộng tác viên làm công tác xã hội là thành viên của các khoa/phòng trực thuộc.

Với mục đích nâng cao kiến thức, kỹ năng của đội ngũ nhân viên y tế trong hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người bệnh, trong năm 2022, các đơn vị đã chủ động cử nhiều cán bộ tham gia các khóa đào tạo với nhiều nội dung qua nhiều hình thức khác nhau. Ngành y tế đã phối hợp với Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức nhiều khóa học tập huấn về CTXH cho các cán bộ của các đơn vị trong ngành như tập huấn CTXH trong bảo vệ trẻ em tại cơ sở khám chữa bệnh; tập huấn lớp quản lý trường hợp khó khăn cần sự hỗ trợ tại các cơ sở y tế cho nhân viên công tác xã hội và nhân viên y tế; tập huấn nâng cao năng lực thực hành bảo vệ trẻ em ngành y tế cấp độ 1 và 2A. Ngoài ra, các đơn vị khám chữa bệnh trong ngành cũng chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CTXH để hoạt động tại đơn vị đạt hiệu quả. Có thể kể đến là Bệnh viện Sản Nhi cử 03 cán bộ học tập mô hình CTXH tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cử 04 viên chức Phòng CTXH tham gia đào tạo 05 ngày về “Kỹ năng truyền thông, PR, viết tin bài trong bệnh viện và cơ sở y tế/qua zoom”; cử 04 viên chức Phòng CTXH tham gia đào tạo 04 ngày về “Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe” qua zoom. Trung tâm y tế huyện Tiên Du tổ chức  buổi trao đổi kinh nghiệm và tập huấn kỹ năng CTXH, kỹ năng giao tiếp ứng xử cho 156 viên chức, mời giảng viên là Phòng CTXH Bệnh viện Bạch Mai; cử 01 viên chức tham gia khóa học CTXH cơ bản trong bệnh viện 02 tháng tại Bệnh viện Bạch Mai. Trung tâm y tế Lương Tài cử 4 cán bộ tham gia lớp đào tạo về hoạt động CTXH trong bệnh viện của Trường Đại học Y Hà Nội… Kết quả trong công tác đào tạo, chỉ tính riêng năm 2022, toàn ngành đã có 235 lượt cán bộ được đào tạo về nội dung CTXH.

Song song với việc kiện toàn, bổ sung nhân lực làm CTXH, các đơn vị khám chữa bệnh đã bước đầu quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho phòng/bộ phận CTXH hoạt động. Nơi làm việc được bố trí tại vị trí thuận lợi, dễ tiếp xúc với người bệnh như ở cửa ra vào, trung tâm của Khoa khám bệnh, ở vị trí người dân dễ nhận biết và dễ tiếp xúc. Bệnh viện Sản Nhi có thể được coi là đơn vị điển hình của ngành y tế Bắc Ninh trong thực hiện nhiệm vụ CTXH. Có được kết quả đó là nhờ đội ngũ nhân lực làm nhiệm vụ CTXH được quan tâm. Không chỉ là đơn vị đầu tiên của ngành thành lập Phòng CTXH, đây cũng là đơn vị có số lượng nhân lực phòng CTXH đông nhất toàn ngành với 13 cán bộ và là đơn vị duy nhất đầu tư trang phục riêng cho cán bộ làm CTXH. Xác định được vai trò của hoạt động CTXH tại bệnh viện nên ngay từ khi chưa có chủ trương thành lập Phòng CTXH, đơn vị đã chú trọng đến vấn đề đón tiếp, hỗ trợ người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Đến khi thành lập Phòng CTXH, các nội dung được thực hiện bài bản, khoa học và đầy đủ hơn. Đặc thù tiếp nhận điều trị đối tượng bệnh nhân là phụ nữ có thai và trẻ nhỏ nên bệnh viện đã chỉ đạo phòng CTXH phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các cán bộ trong Phòng CTXH với 4 mảng hoạt động đặc thù. Cụ thể, bộ phận đón tiếp, chỉ dẫn, đăng kí khám chữa bệnh với 7 cán bộ; bộ phận chăm sóc khách hàng 3 cán bộ; bộ phận thiện nguyện và tiếp nhận tài trợ 3 cán bộ và bộ phận truyền thông 3 cán bộ.

BVĐK tỉnh với vai trò là bệnh viện tuyến tỉnh hạng I và tiếp nhận mô hình bệnh tật đa dạng ở tất cả các đối tượng và các mặt bệnh lí. Mặc dù mới thành lập Phòng CTXH được hơn 1 năm nhưng hoạt động thiện nguyện tại đơn vị đã được triển khai từ rất lâu và trở nên chuyên nghiệp, hiệu quả hơn từ khi thành lập Phòng CTXH. Với 7 viên chức chuyên trách của Phòng CTXH nhưng bệnh viện có mạng lưới cộng tác viên tại tất cả các khoa, phòng nên không chỉ hỗ trợ được bệnh nhân đến khám, chữa bệnh trong khâu thủ tục hành chính; hoạt động CTXH còn hỗ trợ được rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về viện phí hay xe đưa đón. Hiện bệnh viện cũng là đơn vị phối hợp với nhiều tổ chức thiện nguyện nhất khi có gần 30 tổ chức, cá nhân thường xuyên phối hợp triển khai hoạt động giúp đỡ người bệnh về xuất ăn miễn phí hoặc viện phí điều trị.

Mặc dù đã có sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư nhất định về chất lượng và số lượng cán bộ làm CTXH, tuy nhiên công tác này vẫn tồn tại khá nhiều khó khăn, bất cập, nhất là với những đơn vị bệnh viện chuyên khoa và vấn đề liên quan đến trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông. Thời gian tới, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục tuyển dụng/điều động, bổ sung thêm cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ công tác xã hội đặc biệt là những đơn vị nhân lực còn mỏng; phát triển thêm đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm và lực lượng cộng tác viên. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, phòng làm việc, trang thiết bị, trang phục nhận diện, điều kiện làm việc,… tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ làm công tác xã hội thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị cũng cần chủ động động tổ chức các lớp tập huấn về công tác xã hội cho viên chức, lao động của đơn vị; cử cán bộ đi tham quan, học hỏi mô hình tổ chức hoạt động công tác xã hội tại các cơ sở y tế có mô hình hoạt động công tác xã hội phát triển; phê duyệt chương trình, tài liệu đào tạo liên tục về công tác xã hội tại các đơn vị.

Văn Cường