bn-current-user-online-portlet

Online : 3319
Total visited : 151113742

Những “người thân” đặc biệt của bệnh nhân

08/11/2017 09:12 View Count: 187

“Người thân đặc biệt” – đó là cái tên không ít bệnh nhân đặt cho những điều dưỡng viên đang làm việc tại BVĐK tỉnh. Không chỉ thực hiện y lệnh, chăm chút, theo dõi quá trình điều trị cho bệnh nhân, điều dưỡng viên còn làm cả những công việc đúng chất của “người nhà”, từ chăm lo ăn uống, vệ sinh cá nhân đến trò chuyện, chia sẻ với người bệnh.

Có mặt tại khoa hồi sức tích cực – BVĐK tỉnh chúng tôi mới hiểu hết được thế nào là sinh – lão – bệnh – tử. Tiếng “tít tít” của các loại máy móc, tiếng thở nặng nhọc của những bệnh nhân nặng, tiếng gọi bác sĩ của người nhà khi chứng kiến người bệnh kêu rên bởi những cơn đau đang hành hạ thể xác… Cùng với đó là sự khẩn trương, tích cực hết giường bệnh này đến giường bệnh khác hỗ trợ người nhà chăm sóc bệnh nhân của các y, bác sĩ.

Đo huyết áp, nhiệt độ, theo dõi các chỉ số, hút đờm, tiêm truyền cho người bệnh…là những công việc chuyên môn mà điều dưỡng viên thực hiện hàng ngày

Tiếp xúc với trường hợp ông Thái Bá Miễn ở phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh – người vừa trải qua một cơn nhồi máu cơ tim, may mắn được cứu sống nhờ đưa đến bệnh viện và được can thiệp tim mạch kịp thời. Sau can thiệp, ông được chuyển về nằm chăm sóc tại khoa hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh. Bởi là bệnh nhân nặng, lại phải thở máy và chăm sóc đặc biệt nên cùng với sự theo dõi sát sao diễn biến bệnh của bác sĩ, thì đội ngũ điều dưỡng viên tại đây là những người trực tiếp nhất chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân. Cô Thái Thị Phương Liên là con gái đi chăm bố nằm viện xúc động chia sẻ: các cô điều dưỡng viên ở đây chăm sóc bệnh nhân tận tình, chu đáo lắm! Không có các cô ấy hướng dẫn thì chúng tôi nói thật cũng không biết phải chăm như nào cho đúng. Mà nhiều trường hợp, các cô cũng không quản ngại khó khăn, bẩn thỉu, dọn dẹp, lau rửa cho người bệnh không khác gì người thân luôn ấy! Nhiều khi bệnh nhân mệt mỏi, đau đớn, các cô cũng động viên ngay rất kịp thời để bệnh nhân được thoải mái hơn nữa.

Cùng với bác sĩ, các điều dưỡng viên cũng có khi phải “nhịn” ăn, “nhịn” nghỉ để phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân

Ông Đỗ Khoan Bình ở xã Đông Phong, huyện Yên Phong cũng đi chăm vợ bị suy tim nặng cho biết, trước vợ ông có đến 5-7 loại máy móc để điều trị, các cô điều dưỡng cùng với bác sĩ liên tục đến kiểm tra máy móc, thuốc thang các loại, có vấn đề gì hay thuốc, nước truyền hết là các cô thay ngay! Điều này khiến ông và gia đình cảm giác như được chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ rất nhiều trong hoàn cảnh bệnh tật.

Cùng với công việc chuyên môn, các điều dưỡng cũng hỗ trợ và hướng dẫn người nhà chăm sóc, lau rửa, thay quần áo cho người bệnh

Cẩn thận bón từng thìa sữa, miếng cơm; nhẹ nhàng lau rửa mặt mũi, chân tay; hỗ trợ và thậm chí trực tiếp thay bỉm, thay quần áo cho người bệnh…là công việc thường thấy được các điều dưỡng viên tại đây thực hiện cả ngày lẫn đêm. Tiếp nhận và điều trị cho hầu hết những bệnh nhân nặng, thậm chí cả những bệnh nhân vô danh, không người thân thích nên các điều dưỡng phải làm thay công việc cho cả người nhà bệnh nhân. Khoa có chỉ tiêu 35 giường nhưng bệnh nhân có khi lên tới 44 người, có những đêm tiếp đón 11 bệnh nhân hồi sức; thế nhưng mỗi ca trực chỉ có 5 điều dưỡng viên, vì vậy áp lực, vất vả, làm việc luôn chân tay không kể ngày đêm là điều thường thấy đối với điều dưỡng. Tuy nhiên, xuất phát từ cái tâm, từ sự yêu nghề nên dù có mệt, có khó khăn nhưng hầu hết họ đều chỉ phàn nàn một chút thoáng qua, sau đó lại tập trung, miệt mài với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân – chị Nguyễn Thị Mai Hòa, điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực chia sẻ.

Thậm chí, với những bệnh nhân vô danh hoặc hoàn cảnh khó khăn không có người chăm sóc, điều dưỡng viên còn trực tiếp cho bệnh nhân ăn từng bữa

11h30 trưa là thời gian mà mọi người được ăn uống, nghỉ ngơi. Thế nhưng trong bệnh viện, đặc biệt là trong phòng phẫu thuật thì ngày cũng như đêm, cứ có ca bệnh, nhất là ca bệnh cần phẫu thuật cấp cứu thì bác sĩ và điều dưỡng đều “nhịn” ăn, “nhịn” nghỉ để cứu sống người bệnh. Có những ca mổ diễn ra bất ngờ nhưng lại kéo dài tới 5-7 tiếng đồng hồ, đồng nghĩa với cảnh bất kể ngày đêm, cán bộ y tế phải đồng hành với người bệnh đến khi nào tình hình người bệnh ổn định. Cùng với đó, sau phẫu thuật, vấn đề chăm sóc bệnh nhân toàn diện như thế nào để đảm bảo hiệu quả điều trị là nhiệm vụ đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và cả kiên nhẫn của đội ngũ điều dưỡng viên.

Những lúc đi buồng thăm khám cho người bệnh là thời gian điều dưỡng viên có thể kết hợp hỏi han, động viên, chia sẻ để người bệnh có thêm tinh thần chiến đấu với bệnh tật

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo – điều dưỡng trưởng khoa ngoại thần kinh – lồng ngực, BVĐK tỉnh cho biết, tại khoa tiếp nhận cả những trường hợp bệnh nhân say rượu, dùng chất kích thích về thần kinh, sọ não, thậm chí cả dùng ma túy nên việc người bệnh quát tháo, gây rối, mất trật tự là không thể tránh khỏi. Lúc này, mặc dù là áp lực thật nhưng chúng tôi vẫn phải bình tĩnh giải thích, phối hợp với người nhà bệnh nhân giúp họ kiềm chế lại. Mặt khác, với đặc thù là các bệnh nhân sau phẫu thuật thần kinh, lồng ngực đòi hỏi sự chăm sóc toàn diện nhất. Sau mổ, người bệnh có thể đau đớn, có thể cáu gắt vì thời gian nằm viện dài ngày, vì thuốc thang có khi không đáp ứng…nhưng chúng tôi vẫn phải vừa giải thích, vừa tư vấn và động viên để họ vượt qua bệnh tật.

Ung thư đã và đang trở thành một trong những căn bệnh nan y phổ biến hiện nay. Người bệnh khi phát hiện ung thư hầu hết đều suy sụp tinh thần dẫn đến chất lượng điều trị không cao. Trong lúc này, những điều dưỡng viên tại trung tâm ung bướu không những cần chăm sóc về mặt thể chất mà còn cần là “người thân” để động viên, khích lệ tinh thần, chia sẻ nỗi đau bệnh tật với người bệnh. Chính vì vậy, không khó để bắt gặp những tiếng cười, tiếng hát, tiếng trò chuyện rôm rả giữa những bệnh nhân ung thư với nhau và đặc biệt là lúc họ “tán chuyện” với các điều dưỡng viên. Nhờ sự gần gũi, thân thiện của cán bộ y tế đã kéo gần khoảng cách, giúp bệnh nhân ung thư có thêm động lực để vui sống và  tích cực hợp tác điều trị.

Vì bản chất bệnh nhân ung thư có thời gian điều trị rất dài, họ sống ở viện gần tương đương với thời gian sống tại nhà, nhiều người bệnh coi bệnh viện là nhà và cán bộ y tế là người thân. Đặc biệt, với ung thư thì liệu pháp tinh thần góp phần tác động rất lớn đến hiệu quả điều trị. Vì vậy mà những điều dưỡng cũng phải tâm huyết với nghề và phải có sự trao đổi thật tâm để người bệnh tin tưởng, để họ có nằm viện điều trị cũng yên tâm và có cảm giác thoải mái như ở nhà mình vậy – chị Nguyễn Thị Mơ, điều dưỡng trưởng khoa ngoại – xạ trị - y học hạt nhân, Trung tâm ung bướu, BVĐK tỉnh cho biết.

Trên đây chỉ là một số khoa điển hình thể hiện công việc của những người điều dưỡng viên. Tại bệnh viện, ở tất cả các khoa, phòng, các vị trí đều không thể thiếu người điều dưỡng bởi có đến 80% công việc nơi này đều do điều dưỡng đảm nhiệm. BVĐK tỉnh hiện có 431 điều dưỡng, hộ sinh, kĩ thuật viên – chiếm gần 50% nhân lực bệnh viện. Họ là những “người thân đặc biệt” của bệnh nhân, nhưng dường như sự cống hiến của họ khá thầm lặng bởi hầu hết người bệnh chỉ quan tâm và biết đến bác sĩ. Mặc dù vậy, vượt lên tất cả, những người điều dưỡng mang trên mình chiếc áo blue trắng vẫn ngày đêm cống hiến tâm sức, trí lực và nhiệt huyết, đồng hành cùng người bệnh vượt qua sóng gió bệnh tật.

Nguyễn Oanh
Source: Trung tâm TT-GDSK tỉnh