bn-current-user-online-portlet

Online : 3271
Total visited : 151038714

Một số yếu tố liên quan đến nhiễm khuẩn đường sinh sản của nữ công nhân tại các khu công nghiệp

07/11/2018 08:11 View Count: 232

Nhiễm khuẩn đường sinh sản (NKĐSS) luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu với sức khỏe người phụ nữ, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Nếu mắc bệnh lâu ngày có thể gây nhiễm khuẩn vùng tiểu khung, viêm tử cung, viêm phần phụ mạn tính…thậm chí là ung thư cổ tử cung. 

NKĐSS còn tạo điều kiện thuận lợi lây truyền các bệnh như HIV, viêm gan B. Do đó, nếu không được điều trị triệt để, bệnh dễ tái phát và có thể trở thành mạn tính, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe phụ nữ. Vì thế, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho phụ nữ nói chung, đặc biệt là đối tượng nữ công nhân làm việc trong các khu công nghiệp cần được quan tâm hàng đầu.

Ảnh: Nghiên cứu đánh giá dựa trên phỏng vấn sâu 1300 nữ công nhân thuộc 2 công ty thuộc KCN Quế Võ về tình hình sức khỏe sinh sản

Tính đến năm 2017, Bắc Ninh có 20 khu/cụm công nghiệp tập trung với phần lớn là lao động nữ (chiếm 68%). Thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 153.000 lao động nữ và hầu hết số này đều nằm trong độ tuổi sinh đẻ (18 – 49 tuổi). Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng cho lao động nữ là việc làm hết sức quan trọng và có ý nghĩa thiết thực. Trước thực tế đó, ngành y tế đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Xây dựng mô hình can thiệp, nâng cao chất lượng CSSKSS cho nữ công nhân tại khu công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”; trong đó triển khai nghiên cứu trên 1600 nữ công nhân của 2 công ty TNHH Bujeon Electronic và Goertexk Vina tại Khu công nghiệp Quế Võ.

Bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp và khám phụ khoa cho 1600 nữ công nhân từ 18 – 49 tuổi của 2 công ty, kết quả cho thấy có đến 928 nữ công nhân (58%) bị nhiễm khuẩn đường sinh sản tại thời điểm nghiên cứu vào tháng 7 – tháng 10/2017. Các bệnh lí phụ khoa thường gặp là viêm cổ tử cung (chiếm 31.4%), viêm tử cung (19.9%), nang napot, nấm, viêm âm đạo và một số ít là polip, viêm âm hộ…

Ảnh: Khám phụ khoa phát hiện các bệnh lí thường gặp như viêm cổ tử cung, viêm tử cung, nang napot…

Qua kết quả điều tra của nghiên cứu cho thấy, những yếu tố chính liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn đường sinh sản của các nữ công nhân tại 2 công ty này là độ tuổi, trình độ học vấn, nguồn nước sinh hoạt, tình trạng quan hệ tình dục, nhận thức, thái độ về vấn đề CSSKSS. Cụ thể, nữ công nhân dưới 25 tuổi có nguy cơ mắc NKĐSS chỉ bằng 0.6 lần so với nhóm trên 25 tuổi. Phần lớn các nữ công nhân có trình độ học vấn không cao (THPT), những đối tượng này cũng có nguy cơ mắc NKĐSS cao gấp 1.24 lần so với nhóm có trình độ học vấn cao hơn.

Vấn đề NKĐSS của nữ công nhân trong 2 công ty được nghiên cứu có mối liên quan mật thiết với tình trạng hôn nhân, tình trạng quan hệ tình dục. Có tới 91.4% nữ công nhân mắc NKĐSS đã kết hôn; những nữ công nhân có QHTD cũng có nguy cơ mắc NKĐSS cao gấp 2.9 lần nữ công nhân chưa quan hệ tình dục. Điều này có nghĩa là việc quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng, khiến họ có thể mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tình dục như HIV/AIDS, lậu, giang mai, sùi mào gà, mụn rộp sinh dục, hạ cam, trùng roi âm đạo, nhiễm nấm sinh dục, chlamydia… Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy hơn một nửa nữ công nhân mắc NKĐSS sử dụng nước giếng khoan làm nước sinh hoạt chính, nguy cơ mắc NKĐSS cao gấp 1.3 lần so với những nữ công nhân sử dụng nước máy. Như vậy có thể thấy, điều kiện vệ sinh, môi trường sống có liên quan rất nhiều đến tình trạng NKĐSS. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy kiến thức và thái độ về SKSS có mối liên quan đến NKĐSS. Những nữ công nhân có kiến thức không đạt thì nguy cơ mắc NKĐSS cao gấp 1.45 lần so với những người có kiến thức đạt; những nữ công nhân có thái độ không đúng về CSSKSS cũng có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 1.3 lần so với người có kiến thức đúng.

Ảnh: Ngoài khám phụ khoa, các nữ công nhân còn được tư vấn, hướng dẫn cách phòng bệnh

Xuất phát từ những kết quả trên, nghiên cứu này cũng đề xuất một số giải pháp để cải thiện tình trạng NKĐSS dựa trên những yếu tố liên quan. Trong đó, tư vấn, tuyên truyền cho nữ công nhân lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp nhằm hạn chế mang thai ngoài ý muốn, bỏ thai và mắc NKĐSS; tăng cường tuyên truyền/tư vấn dinh dưỡng, khám thai, chăm sóc thai sản để hạn chế tình trạng sảy thai trong quá trình mang thai của nữ công nhân; tuyên truyền chăm sóc, vệ sinh tốt trong quá trình bỏ thai, sảy thai; sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường nâng cao kiến thức, thái độ về NKĐSS nói riêng và CSSKSS nói chung cho nữ công nhân, đặc biệt là trong các nhóm trên 25 tuổi, đã kết hôn và có trình độ học vấn thấp. Mặt khác, cũng cần tham mưu để xây dựng các mô hình nâng cao sức khỏe liên quan đến SKSS trong những năm tới tại các khu công nghiệp, các nhà máy như: mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, tư vấn/chăm sóc SKSS, câu lạc bộ những bà mẹ trẻ…để chia sẻ thông tin liên quan đến CSSKSS nói chung và NKĐSS nói riêng.

Minh Cường