bn-current-user-online-portlet

Online : 2818
Total visited : 150790867

Mối đe dọa tới sức khỏe khi lựa chọn thực phẩm mua bán online

20/04/2023 08:39 View Count: 134

Phát triển trên nền tảng internet, các trang mạng xã hội đang tham gia ngày càng rộng rãi kinh doanh online nói chung, kinh doanh thực phẩm nói riêng. Sự bận rộn của người nội trợ cùng tiện ích đã dần tạo thói quen mua và sử dụng thực phẩm trên “chợ online” một cách phổ biến. Tuy nhiên, xu hướng này cũng tồn tại nhiều rủi ro, bất cập khi sức khoẻ người tiêu dùng bị đe doạ bởi nguy cơ ngộ độc, trong khi công tác quản lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Đội Thanh tra - Quản lý An toàn thực phẩm huyện Yên Phong kiểm tra hậu kiểm một cơ sở kinh doanh tại chỗ và online bánh ngọt, đồ uống trên địa bàn xã Yên Trung.

Vì thường xuyên phải làm việc ngoài giờ, mấy năm nay chị Nguyễn Thị Thu Huyền ở phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh trở thành khách quen của một cửa hàng thực phẩm vừa bán online, vừa bán trực tiếp. Với hoá đơn từ 100 nghìn đồng, cửa hàng này miễn phí vận chuyển trong vòng 2km, do vậy, để cân bằng việc nội trợ trong khoảng thời gian hạn hẹp, chị Huyền hay chọn thực phẩm đã được sơ chế hoặc chế biến sẵn để mỗi bữa ăn không còn là áp lực: “Ngày nào cửa hàng cũng nhắn tin vào Zalo thực đơn mới, tôi đặt món và họ chuyển đến nhà, sau đó tôi chỉ cần chuyển khoản là xong. Ban đầu cũng ít nhiều băn khoăn về chất lượng an toàn thực phẩm, tuy nhiên sau nhiều năm dùng dịch vụ, đặc biệt thời điểm dịch bệnh phức tạp phải giãn cách xã hội, hiện tôi tạm thấy yên tâm vì gia đình chưa gặp phải sự cố nào về sức khoẻ”. Tự nhận mình là người kỹ tính, chị Huyền cho biết thêm “Mở Facebook, Zalo lên là thấy nổi hàng loạt những trang fanpage, rồi cả trang cá nhân bán đủ các loại thực phẩm, từ gạo, thịt cá, hải sản, nhưng tôi chỉ chọn cơ sở có địa chỉ kinh doanh rõ ràng, bởi nếu thực phẩm có vấn đề việc truy xuất nguồn gốc cũng thuận lợi hơn, chưa kể tôi có thể xem cơ sở vật chất tại đó có đạt yêu cầu cơ bản không”.

Cũng vì bận rộn, và còn ủng hộ một vài người quen bán hàng trên mạng, thi thoảng chị Trần Thị Hiên ở phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh order một số loại hoa quả tươi trẻ con thích ăn. Tuy nhiên, niềm tin với thực phẩm bán online giảm sút sau hai lần liên tiếp chị mua phải hộp dâu tây dập nát và mẻ cam chua, kém xa chất lượng được giới thiệu: “Mỗi khi gặp hàng hoá như vậy, tôi lại nhủ thôi không mua nữa, tự tay chọn lựa thực phẩm vẫn hơn. Giờ thì tôi cố gắng dậy sớm, đi chợ từ sáng, bận quá thì lựa ngày nghỉ đi chợ, mua nhiều đồ dùng dần”. Còn với chị Nguyễn Thị Lan ở phường Võ Cường, sau lần cả gia đình bị rối loạn tiêu hoá vì ăn món ốc biển mua online cũng đã “nói không” với hàng online vì “nguy cơ ngộ độc thì thực phẩm được mua với hình thức nào cũng tiềm ẩn nếu không bảo đảm các điều kiện cần thiết”.

Hàng bán online là một kênh phân phối sản phẩm khác với bán trực tiếp theo phương thức truyền thống mà mục tiêu cuối cùng là tiêu thụ được số lượng sản phẩm nhiều hơn. Tuy nhiên, dù được bán với hình thức nào thì nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn của mỗi người dân, gia đình là hoàn toàn chính đáng. Pháp luật cũng có quy định rất rõ về các điều kiện sản xuất, trang thiết bị dụng cụ, con người… đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Theo ông Trần Danh Phượng, Phó Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm được bán trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok… là hết sức khó khăn bởi người bán hàng sử dụng quá nhiều nền tảng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm. Trong khi đó, phần lớn là bán cho khách lẻ và như vậy thì bản chất không khác gì một quầy hàng nhỏ, lẻ. “Để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh duy trì Đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh về thực phẩm không an toàn, tiến hành kiểm tra đột xuất khi có kiến nghị của người dân. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc với các thực phẩm này chỉ thực hiện được khi cơ sở sản xuất có địa chỉ trên địa bàn tỉnh, trường hợp người cung cấp thực phẩm ở ngoại tỉnh, chúng tôi sẽ gửi công văn đề nghị cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm tại địa phương đó phối hợp” - ông Phượng cho biết.

Rõ ràng, việc mua thực phẩm được bán trên các trang mạng xã hội luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bởi nhiều nguyên nhân. Nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy trình sản xuất thủ công… và có thể không bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm thường được người bán hàng tự cam kết bằng lời, việc đăng tải và gỡ bỏ trên trang cá nhân rất dễ dàng, không có sự ràng buộc cụ thể nào ngoài niềm tin giữa người mua với người bán. Chưa kể trong phân phối sản phẩm, nếu không đáp ứng yêu cầu về bảo quản, quá trình vận chuyển càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Các chuyên gia về an toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không nên tùy tiện mua hàng khi không biết nguồn gốc, xuất xứ và cần trang bị những kiến thức, hiểu biết về: Dấu hiệu nhận biết thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố; thành phần các chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định, không nằm trong giới hạn cho phép; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm… Nếu phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm mất an toàn hãy thông báo ngay đến cơ quan quản lý để cùng bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

Văn Chương