bn-current-user-online-portlet

Online : 2477
Total visited : 151101127

Lồng ghép thực hiện chương trình mục tiêu Y tế- Dân số với chương trình Sức khỏe Việt Nam

11/04/2019 10:31 View Count: 128

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sau 3 năm triển khai chương trình mục tiêu Y tế- Dân số, chúng ta đạt được nhiều thành quả từ y tế thôn bản, tỉ lệ tử vong của mẹ và bé dưới 1 tuổi giảm đáng kể. Chưa nói đến các vấn đề suy dinh dưỡng, chăm sóc người cao tuổi đều rất được quan tâm...

98% phụ nữ đi sinh được nhân viên y tế qua đào tạo đỡ

Sau 3 năm (2016-2018) tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu Y tế- Dân số đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, với mạng lưới y tế nước ta được phát triển rộng khắp, kiểm soát được các bệnh, dịch mới nổi, không có dịch lớn xảy ra; Tiếp tục giảm số mắc, số chết của nhiều bệnh dịch nguy hiểm; Bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ  trên 95% cho trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ…

long-ghep-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-y-te-dan-so-voi-chuong-trinh-suc-khoe-viet-nam-1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

Đây là những thông tin được đưa ra tại hội nghị Sơ kết 3 năm (2016-2018) và kế hoạch 2 năm (2019-2020) của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế tổ chức ngày 11/4 tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị

Báo cáo kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện chương trình, ông Nguyễn Công Sinh- Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, ngoài các kết quả kể trên, việc thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu Y tế- Dân số trong 3 năm qua đã làm cho tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân giảm từ 17,5% năm 2010 xuống còn 15,3% năm 2013 và giảm xuống còn 13% năm 2018. Tuổi thọ người dân được nâng cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin sởi, vắc xin phối hợp Sởi – Rubella đạt tiêu chuẩn GMP, là quốc gia thứ 11 loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết. Tiếp tục giảm số mắc, số chết của nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uống ván sơ sinh, duy trì tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ trên 95% cho trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ…

Riêng ở lĩnh vực sinh sản, nhờ triển khai các giải pháp hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong cho bà mẹ và trẻ em, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giảm dần qua các năm từ 2016 đến nay. Tỉ lệ phụ nữ có thai được khám ít nhất 3 lần trong 3 thai kỳ đạt 91%, tỉ lệ phụ nữ đẻ do nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đạt 98%.

Ngoài ra, chương trình mục tiêu Y tế -Dân số 3 năm qua cũng đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Đảm bảo an toàn phòng chống một số bệnh lý về huyết học…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Sinh, mặc dù đạt được nhiều kết quả như mong muốn, thế nhưng chương trình mục tiêu Y tế- Dân số vẫn đang gặp phải 1 số khó khăn trong vấn đề tài chính. Các đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối quản lý nhà nước của các dự án chưa phát huy được hết vai trò trong việc chỉ đạo điều hành

long-ghep-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-y-te-dan-so-voi-chuong-trinh-suc-khoe-viet-nam-2

Bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường... đang chiếm  73% số ca tử vong hằng năm

Gánh nặng bệnh không lây nhiễm gia tăng
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. guyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận những kết quả đạt được của chương trình Y tế- Dân số; Đồng thời Bộ trưởng nhấn mạnh, với sự đóng góp của chương trình có thể nói ngành y tế những năm qua đã có nhiều thay đổi.
“Chúng ta đạt được nhiều thành quả từ  y tế thôn bản, tỉ lệ tử vong của mẹ và bé dưới 1 tuổi giảm đáng kể. Chưa nói đến các vấn đề suy dinh dưỡng, chăm sóc người cao tuổi đều rất được quan tâm” – Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bên cạnh những thành tựu, Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới về sức khỏe của người dân trong quá trình phát triển như những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu,... đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đó là ô nhiễm môi trường sống.
Các yếu tố về hành vi lối sống đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp… Những căn bệnh này là những “sát thủ” hàng đầu, đang chiếm 73% số ca tử vong hằng năm. Trong khi tỷ lệ quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng còn thấp.
Bên cạnh đó, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn còn ở mức cao; An toàn thực phẩm vẫn là vấn đề bức xúc cần phải tập trung giải quyết, ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học khó kiểm soát. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao, tỷ suất sinh vẫn còn nguy cơ tăng ở một số vùng…
long-ghep-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-y-te-dan-so-voi-chuong-trinh-suc-khoe-viet-nam-3

Toàn cảnh hội nghị Sơ kết 3 năm (2016-2018) và kế hoạch 2 năm (2019-2020) của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020

 
Nhằm hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn còn lại của chương trình (2019-2020), Bộ trưởng Bộ Y tế giao các đơn vị hoàn thành các mục tiêu trong việc lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân đối với các trạm y tế xã. Yêu cầu đến năm 2020 mỗi người dân phải có một hồ sơ sức khỏe điện tử tại trạm y tế xã theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong 2 năm (2019-2020), Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 cần phải tiếp tục triển khai có hiệu quả và đạt được các mục tiêu của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lồng ghép với Chương trình sức khỏe Việt Nam và đề án tăng cường y tế cơ sở.
Thanh Thương