bn-current-user-online-portlet

Online : 3342
Total visited : 151113923

Lãnh đạo cam kết vì một Việt Nam không còn bệnh lao

20/03/2018 09:09 View Count: 203

Hàng năm, ngày 24/3 được chọn là 'Ngày Thế giới phòng chống lao' để cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm với nhiều thách thức đối với sức khỏe con người trên thế giới. “ Lãnh đạo cam kết vì một Việt Nam không còn bệnh lao” là chủ đề ngày Thế giới phòng chống lao năm 2018. Chủ đề này hướng đến cam kết chính trị, kêu gọi sự tham gia hệ thống chính trị và  toàn xã hội  vào cuộc chiến phòng chống Lao còn nhiều thách thức hiện nay.

Lao là bệnh nhiễm một loại vi khuẩn tấn công và hủy hoại mô cơ thể.  Bệnh lây truyền qua không khí. Sau một khoảng thời gian ủ bệnh tùy vào sức khỏe người bệnh, có thể trong vài tuần cho tới vài năm, vi khuẩn lao bắt đầu hoạt động và gây các triệu chứng bệnh. Sau đó, bệnh lao xuất hiện. Đặc biệt nếu bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu đi, chẳng hạn như khi bệnh HIV, ung thư hoặc hóa trị liệu, bệnh lao sẽ phát triển nhanh hơn. Bệnh thường ảnh hưởng đến phổi nhưng có thể lan ra  đến xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác

Từ năm 1998, Ngày Chống lao thế giới (24/3) được xem là ngày chính thức của Liên Hợp quốc và đã trở thành một sự kiện sức khỏe quan trọng trên toàn cầu. Ngày Thế giới chống lao (24/3) là dịp để truyền thông nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao. Qua đó, huy động chính phủ các nước, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng cam kết tăng cường hoạt động phòng chống lao trong phạm vi mỗi quốc gia và trên toàn cầu

Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Phổi

Hiện nay, Việt Nam đang là nước đi đầu thế giới trong công tác phòng chống lao vì những chiến lược mới và phù hợp. Thế giới có 54% số ca mắc Lao kháng thuốc được chữa khỏi nhưng tại Việt Nam đã đạt hơn 70%. Nếu điều trị theo phác đồ 9 tháng, tỷ lệ thành công lên tới 85%. 98% gia đình có người mắc lao sẽ không phải đối diện với “ thảm họa” như trước nữa.

Hàng năm cả nước phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới. Chương trình chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố. Hiện nay, có 46/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập  Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi. Chương trình cũng xây dựng một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi bao gồm các đơn vị, cá nhân trong nước và quốc tế để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong chuyên ngành lao tại các tuyến y tế trên cả nước.

Tại Bắc Ninh năm 2017 có tổng số 678 bệnh nhân mới phát hiện và thu dung điều trị. Mạng lưới phòng chống lao tập trung cơ bản tại tuyến tỉnh tại bệnh viện Phổi Bắc Ninh với 200 giường bệnh, trong đó có 100 giường bệnh lao. Tại tuyến huyện, 100% các Trung tâm Y tế thành lập Tổ chống lao. Đối với công tác điều trị, bằng sự nỗ lực của toàn hệ thống đã điều trị khỏi và hoàn thành điều trị bệnh lao đạt 94,7% .

Dù đạt nhiều thành tựu nhưng công tác phòng chống lao tại Việt Nam nói chung, Bắc Ninh nói riêng vẫn  gặp nhiều khó khăn và thách thức. Dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Với khoảng 20% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm trong cộng đồng. Nguyên nhân là do hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bệnh thường giấu bệnh. Bên cạnh đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.

Riêng tại Bắc Ninh, khó khăn  gặp phải đó là việc đa số người dân đi khám bệnh tại tuyến trên vì họ có bảo hiểm y tế và bỏ qua trạm Y tế. Tình trạng lao/HIV, lao kháng thuốc đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhân thức của người dân về bệnh lao còn hạn chế, còn mặc cảm với bệnh, chữa lao không đúng nguyên tắc, không đủ thời gian… Đồng thời kinh phí cho chương trình còn hạn chế nên hiệu quả chống lao chưa thực sự như mong muốn.

Nhằm hướng tới  mục tiêu Việt Nam cũng như tỉnh Bắc Ninh không còn bệnh lao cần sự trách nhiệm  hơn nữa của  toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn thể xã hội.  Cụ thể là việc quan tâm, chỉ đạo, đầu tư nhân lực, tài chính, xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ chống lao của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, sự quan tâm hỗ trợ và hợp tác của các ban, ngành, đoàn thể cũng như trách nhiệm mỗi cá nhân trong cộng đồng. Đây cũng là chủ đề của ngày Thế giới chống lao năm 2018: Lãnh đạo cam kết vì một Việt Nam không còn bệnh lao ./.

Lê Hồng
Source: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật