bn-current-user-online-portlet

Online : 4173
Total visited : 150717839

Kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo phòng chống hậu quả bão Yagi tại các cơ sở y tế

12/09/2024 09:08 View Count: 57

Trước những hậu quả của bão YAGI và hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ xảy ra ngập lụt trên địa bàn tỉnh, thực hiện chỉ đạo khẩn của Giám đốc Sở Y tế, 03 đoàn kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo phòng, chống hậu quả bão YAGI tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã được thành lập. Đoàn kiểm tra số 03 do đồng chí Đào Khắc Hùng – Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tại 5 đơn vị: Bệnh viện Da Liễu, TTYT Thành phố Bắc Ninh, TTYT huyện Tiên Du, Bệnh viện Sản Nhi và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Phó Giám đốc Sở Y tế Đào Khắc Hùng yêu cầu Bệnh viện Da liễu nhanh chóng khắc phục các vấn đề hư hỏng do bão YAGI gây ra, trong đó có khu vực nhà để xe bị đổ

Tại các đơn vị, Đoàn kiểm tra đã nghe báo cáo về việc thực hiện phòng chống thiên tai, thảm họa nói chung và kế hoạch phòng chống bão YAGI nói riêng. Sau bão, hầu hết các đơn vị đều bị ảnh hưởng như gẫy đổ cây xanh, tốc mái, bung hỏng bảng, biển, thấm dột một số vị trí khoa, phòng. Hiện nay, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ ngập lụt không chỉ tại các cơ sở y tế mà còn trên địa bàn toàn tỉnh. Vì vậy, Đoàn làm việc tập trung tìm hiểu các nội dung về kế hoạch ứng phó với ngập lụt tại các đơn vị, các phương án xử trí với các tình huống nếu xảy ra ngập úng tại các cơ sở y tế: về bố trí, sắp xếp, di rời bệnh nhân ra sao; về đảm bảo tài sản, đặc biệt là các trang thiết bị y tế; về việc xử lí các vấn đề liên quan đến xử lí môi trường, phòng chống dịch bệnh sau khi nước rút; về việc phân công cán bộ trực cũng như cán bộ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ngoại viện…

TTYT TP Bắc Ninh có kế hoạch di rời các máy móc phục vụ khám chữa bệnh như siêu âm, bộ phận đọc kết quả của máy X-quang…để đảm bảo tài sản nếu xảy ra ngập úng

Tại Bệnh viện Da liễu, trước hết đơn vị đang nỗ lực phối hợp với UBND Thành phố và Điện lực Thành phố để khắc phục vấn đề mất điện nhằm đảm bảo hoạt động chuyên môn và hậu cần cho các cán bộ cũng như các gia đình bệnh nhân phong sinh sống tại viện. Mặc dù nằm trong địa bàn phường Hòa Long có nguy cơ ngập úng do nước từ sông Cầu có thể dâng cao, nhưng Bệnh viện Da liễu ở vị trí địa lí khá cao nên cơ bản ít có nguy cơ ngập. Hiện tại, Bệnh viện đã tiếp nhận 2 hộ dân trong khu vực lòng sông (khu Quả Cảm) đến ở để tránh ngập lụt. Đơn vị cũng chuẩn bị sẵn hậu cần, phòng ốc để sẵn sàng tiếp nhận được khoảng 30 người dân đến ở tránh lụt tại viện.

Đoàn công tác yêu cầu TTYT huyện Tiên Du có thể xem xét phương án giảm tải lượng bệnh nhân điều trị nội trú trong thời gian mưa lũ

Ngoài việc đảm bảo công tác chuyên môn trước tình hình lụt bão, TTYT Thành phố Bắc Ninh đã dự trù sẵn sàng cơ số thuốc men cũng như vật tư phòng chống dịch để sẵn sàng dự phòng, xử lí các vấn đề về môi trường, dịch bệnh nếu xảy ra ngập úng. Trung tâm cũng ban hành riêng kế hoạch số 140/KH-TTYT về đảm bảo công tác y tế ứng phó với mưa lũ sau bão. Kế hoạch nêu rõ cụ thể các tình huống: trước khi có lũ lụt xảy ra; khi có dự báo lũ lụt, thiên tai và khi bão lụt, thiên tai xảy ra; khắc phục hậu quả sau thảm họa, thiên tai. Với mỗi tình huống, Trung tâm đều có các nội dung hoạt động, các vật tư, nhu yếu phẩm cần chuẩn bị và có sự phân công nhân lực cho từng khoa phòng, từng bộ phận để sẵn sàng triển khai nhiệm vụ. Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện địa bàn Thành phố đang ghi nhận 2 ca nghi mắc sốt xuất huyết tại phường Hạp Lĩnh. Tuy nhiên trước thực trạng mưa lớn diễn ra như hiện nay, công tác điều tra, giám sát véc tơ truyền bệnh rất khó khăn. Trước mắt, qua điều tra ca bệnh thì nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết không cao. Các ca bệnh đang được chăm sóc, điều trị ổn định.

Tại TTYT huyện Tiên Du, đơn vị cũng lên các phương án và đã tính đến trường hợp xấu nhất là xảy ra lũ lụt trên diện rộng gây ngập úng tại đơn vị. Từ đó lập phương án di rời bệnh nhân toàn bộ từ tầng 1 lên tầng 2 các tòa nhà. Để đảm bảo hậu cần liên quan đến điện, nước, TTYT đã dự trù mua sẵn số lượng dầu để chạy máy phát điện phục vụ hoạt động chuyên môn nếu xảy ra mất điện kéo dài. Đơn vị cũng phối hợp chỉ đạo bộ phận bếp đảm bảo công tác hậu cần, ăn uống cho bệnh nhân nội trú và cán bộ y tế nếu xảy ra ngập úng tại Trung tâm. Ngoài ra, để đảm bảo công tác y tế ngoại viện, các đội trực cấp cứu ngoại viện của Trung tâm cũng được thành lập và sẵn sàng lên đường hỗ trợ khi người dân tại các vùng ngập úng có vấn đề về sức khỏe. Đơn vị cũng chỉ đạo các Trạm Y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, huy động nhân lực tối đa thường trực để đảm bảo công tác chuyên môn trong những ngày này. Đặc biệt, vừa qua, đê Phú Lâm xảy ra sự cố rạn nứt sau bão YAGI nên TTYT huyện đã cử cán bộ trực tiếp phối hợp, hỗ trợ các lực lượng chức năng xử lí sự cố để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều của địa phương.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống dịch và vệ sinh môi trường trong và sau bão

Với đặc thù bệnh nhân là nhi khoa và sản khoa nên Bệnh viện Sản Nhi luôn có lượng bệnh nhân nội trú khá cao. Ngay sau bão, ngoài đội ngũ ICT (công ty đảm bảo môi trường) Bệnh viện đã huy động lực lượng cán bộ đến viện ngay ngày chủ nhật để dọn dẹp vệ sinh, khắc phục các vấn đề hư hỏng do bão gây ra để đảm bảo hoạt động tiếp đón bệnh nhân diễn ra bình thường vào ngày thứ 2. Cùng với các trang thiết bị y tế khác, Bệnh viện Sản Nhi có hệ thống khí oxy phục vụ vấn đề thở máy cho bệnh nhân nặng tại tầng 1, vì vậy đơn vị cũng có phương án sẽ vận chuyển bệnh nhân nặng phải thở máy lên tuyến trên nếu xảy ra ngập úng.

Đồng chí Đào Khắc Hùng – Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao sự chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lũ của các đơn vị. Trên tinh thần phải tính đến phương án xấu nhất là lũ lụt xảy ra trên diện rộng, đồng chí yêu cầu các đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng tất cả các vấn đề từ nhân lực, vật lực và phương án đối với bệnh nhân cũng như tài sản để hạn chế tối đa thiệt hại. Với những đơn vị có lượng bệnh nhân nội trú đông, yêu cầu xem xét cho ra viện với những trường hợp có thể tiếp tục điều trị tại nhà để giảm tải lượng bệnh nhân cho cơ sở y tế nếu xảy ra ngập úng. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến trong vấn đề hỗ trợ khám, chữa bệnh cũng như vận chuyển, điều phối bệnh nhân để đảm bảo hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cả trong và ngoài cơ sở y tế.

Khắc Thụy