bn-current-user-online-portlet

Online : 3318
Total visited : 151113795

Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, bền vững"

21/08/2022 14:11 View Count: 376

Sáng 21-8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, bền vững”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì và phát biểu chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Bắc Ninh.

Báo cáo của Bộ Y tế tại hội nghị nêu rõ: Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch COVID-19 để thực hiện kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đạt được những kết quả tích cực và quan trọng. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều kết quả cơ bản, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021. Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sỹ trên 10.000 dân và số giường bệnh trên 10.000 dân. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để trong giai đoạn trước; sau hơn 2 năm chống dịch COVID-19 đã nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn “hậu COVID” ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến khó lường, khó dự đoán; xuất hiện các biến thể mới có khả năng lây lan mạnh hơn làm số ca nhiễm có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Cùng với đó là sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại khu vực phía Nam, Tây Nguyên; thường trực nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... dẫn đến nguy cơ “dịch chồng dịch”, nguy cơ quá tải hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở vốn đã gồng mình chống dịch trong giai đoạn vừa qua.

Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hệ thống thể chế còn nhiều bất cập, quy định cho phép việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư còn nhiều hạn chế; các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập như mệnh giá bảo hiểm y tế, tự chủ bệnh viện, thanh toán bảo hiểm y tế...

Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập; chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc; đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng chưa bảo đảm theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội; tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối…

Các đại biểu tập trung thảo luận những khó khăn, thách thức, bất cập liên quan đến các lĩnh vực hoạt động y tế, đồng thời nêu các kiến nghị, đề xuất giải pháp để từng bước tháo gỡ.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh: Để chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững ngành Y tế, đề nghị Ban Giám đốc Sở Y tế đoàn kết, thống nhất, bám sát nội dung chỉ đạo của Bộ Y tế, của tỉnh, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo ngành Y tế triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2022 đã đề ra, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4, nhất là các đối tượng nguy cơ cao, người lao động trong các KCN, tuyệt đối không để tái bùng phát dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch khác, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.

Các đơn vị trong ngành rà soát cơ số thuốc, vật tư hóa chất, áp dụng ngay các hình thức mua sắm phù hợp để kịp thời cung ứng thuốc, vật tư hóa chất, sinh phẩm, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế trên địa bàn. Tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế. Phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường quản lý hành nghề y dược tư nhân ở tất cả các khâu: Cấp phép, thông báo công khai, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý vi phạm, tập trung quản lý việc bán thuốc kê đơn, các cơ sở hành nghề không phép, các cơ sở có ý kiến phản ánh không tốt của dư luận xã hội hoặc báo chí. Tăng cường, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành Y tế kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế kịp thời tham mưu với cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giai đoạn hiện nay để các đơn vị ngành Y tế yên tâm khi thực hiện nhiệm vụ. 

Thanh Thương