bn-current-user-online-portlet

Online : 4091
Total visited : 150744133

Hội nghị triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

07/07/2022 08:24 View Count: 404

Ngày 6/7, Sở Y tế tổ chức Hội nghị triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tham dự hội nghị có hơn 70 đại biểu đại diện lãnh đạo Sở Y tế, các bệnh viện, TTYT huyện, thành phố, các đơn vị y tế ngoài công lập. Đồng chí Nguyễn Bá Quý, PGĐ Sở Y tế dự và chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo, tính đến ngày 31/5/2022 Bắc Ninh có tích lũy 2123 bệnh nhân HIV, tích lũy bệnh nhân AIDS là 1275; số bệnh nhân HIV còn sống 1009 trong đó số bệnh nhân HIV còn sống, quản lý tại địa phương là 884, mất dấu 125 người. Số nhiễm HIV/AIDS  mới năm 2020, 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 là 138 người, trong đó năm 2020 là 53 người, năm 2021 là 57 người và 5 tháng đầu năm 2022 là 28 người.Hiện tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố và 123/126 (chiếm 97,6%) xã, phường, thị trấn đã phát hiện có người nhiễm HIV. Trong đó, thành phố Bắc Ninh có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất (chiếm 43,5% số nhiễm toàn tỉnh).Toàn tỉnh có 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS; 01 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện (tại Bệnh viện Sản – Nhi). Hoạt động phòng chống HIV tập trung tăng cường công tác TTGDSK, giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV…Từ năm 2020 đến 31/5/2022 toàn tỉnh đã tư vấn, xét nghiệm HIV cho 171646 người, phát hiện và quản lý mới 138 trường hợp HIV dương tính.

Tham luận tại hội nghị,  các đại biểu đại diện BVĐK tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi các TTYT huyện, thành phố tập trung đề cập những thuận lợi, khó khăn và các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại các đơn vị, địa phương.

Giai đoạn 2022-2025, với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS và tiến tới chấm dứt dịch AIDS trên địa bàn tỉnh trước năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.Theo đó, các hoạt động cần tập trung là mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% trước năm 2030; Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, xét nghiệm bạn tình, bạn chích; tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của mình đạt 95% trước năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao; theo dõi, giám sát, đánh giá các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 95%, tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con trước năm 2030. Đồng thời, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS; đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Bá Quý- Phó Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tập trung một số hoạt động sau: Rà soát chính xác số người nhiễm HIV, số bệnh nhân HIV còn sống… Tăng cường công tác truyền thông , đẩy nhanh tiến độ mở mới cơ sở điều trị Methadone tại TTYT huyện Gia Bình. Các hoạt động xét nghiệm, điều trị, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS cũng như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, giám sát đều cần chú trọng…

Lê Hồng - Thanh Xuân