bn-current-user-online-portlet

Online : 3105
Total visited : 150793143

Hiệu quả mô hình can thiệp chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân tại khu công nghiệp

15/11/2018 08:29 View Count: 350

Công nhân lao động tại các khu công nghiệp phần lớn đều là người ngoại tỉnh, phải đi thuê nhà trọ để ở. Điều kiện sống chật hẹp, không hợp vệ sinh, thiếu nơi sinh hoạt văn hóa; thêm nữa, thời gian và cường độ lao động căng thẳng khiến họ khó có thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS). Vì thế, xây dựng mô hình can thiệp nhằm nâng cao chất lượng CSSKSS cho nữ công nhân tại khu công nghiệp là điều hết sức cần thiết.

Trong 2 năm 2017 – 2018, Sở Y tế đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Xây dựng mô hình can thiệp nâng cao chất lượng CSSKSS cho nữ công nhân tại khu công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”. Sau khi thực hiện điều tra, phỏng vấn và khám phụ khoa cho 1600 nữ công nhân thuộc 2 công ty TNHH Goerteck và công ty TNHH Bujeon trong khu công nghiệp Quế Võ, kết quả có đến 58% nữ công nhân bị nhiễm khuẩn đường sinh sản. Các bệnh lí thường gặp là viêm cổ tử cung, viêm tử cung, nang napot, nấm, viêm âm đạo và một số ít là polip, viêm âm hộ… Toàn bộ 1600 nữ công nhân này đều được cung cấp dung dịch rửa phụ khoa và cấp thuốc đặt cho những nữ công nhân bị viêm nhiễm phụ khoa.

Mô hình triển khai khám, tư vấn, hướng dẫn các nữ công nhân cách phòng, chống một số bệnh liên quan đến đường sinh sản

Đa số công nhân, đặc biệt là nữ công nhân đều trẻ, ở độ tuổi thanh niên và vị thành niên nên phải đối mặt với nhiều vấn đề như thiếu thông tin, kiến thức về CSSK, khó tiếp cận các dịch vụ CSSK. Vì vậy, nhiều nguy cơ mang thai và sinh đẻ ngoài ý muốn, tỉ lệ nạo phá thai, đặc biệt là nạo phá thai không an toàn, có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền qua đường tình dục, nhất là HIV/AIDS. Trước thực tế đó, mô hình can thiệp nâng cao kĩ năng, thực hành của cán bộ y tế và nữ công nhân trong CSSKSS đã được triển khai. Các nội dung chính bao gồm: tập huấn truyền thông cho cán bộ y tế và các nữ công nhân; tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức, kĩ năng thực hiện các dịch vụ CSSKSS cho cán bộ y tế của doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp và gián tiếp cho nữ công nhân về CSSKSS.

Truyền thông trực tiếp cho các nữ công nhân công ty TNHH Goerteck về CSSKSS, chăm sóc thai nghén, bà mẹ, trẻ sơ sinh

Đề tài triển khai áp dụng mô hình can thiệp tại Công ty TNHH Goerteck với 800 nữ công nhân tham gia trong thời gian 6 tháng. Nhóm nghiên cứu đã tổ chức 1 lớp tập huấn cho cán bộ y tế doanh nghiệp nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kĩ thuật thuộc lĩnh vực CSSKSS; tổ chức 27 buổi truyền thông trực tiếp cho gần 2000 nữ công nhân của công ty Goerteck về 3 chủ đề chính: CSSKSS, chăm sóc thai nghén, bà mẹ, trẻ sơ sinh; phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng lây nhiễm HIV; các biện pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, 3 nội dung trên cũng được thực hiện truyền thông gián tiếp thông qua 9000 tờ rơi được cấp phát cho các nữ công nhân; qua 90 tờ tranh, áp phích được treo, dán tại các vị trí trong doanh nghiệp. Nhờ đó đã tác động đến tất cả các công nhân, người lao động và quản lí tại khu công nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về vấn đề CSSKSS.

Sau 6 tháng can thiệp, qua phỏng vấn điều tra lại cho thấy kiến thức, thái độ thực hành về CSSKSS của các nữ công nhân trong công ty TNHH Goerteck tăng lên đáng kể

Sau 6 tháng áp dụng mô hình can thiệp với nhiều hình thức, kết quả cho thấy phần lớn các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản ở nữ công nhân của công ty Goertek đều giảm, cụ thể viêm cổ tử cung giảm 14,4%; viêm lộ tuyến cổ tử cung giảm 3,7%. Tỉ lệ biết về các biện pháp tránh thai (thuốc tiêm tránh thai, xuất tinh ngoài/tính vòng kinh, viên uống trái thai khẩn cấp, que cấy dưới da, triệt sản) của nữ công nhân tăng lên rất nhiều so với trước khi can thiệp. Cũng sau thời gian can thiệp, kiến thức của nữ công nhân tại công ty Goertek được nâng lên, đặc biệt là kiến thức về việc phòng tránh lây truyền HIV/AIDS và một số bệnh lây qua đường tình dục khác. Cách xử trí khi có dấu hiệu về nhiễm khuẩn đường sinh sản của các nữ công nhân sau can thiệp cũng có sự thay đổi đáng kể, số nữ công nhân không xử trí gì khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn đường sinh sản giảm từ 14% xuống còn 1,5%; số công nhân biết đến cơ sở y tế để khám tăng lên sau can thiệp 30,5%. Kiến thức chung về CSSKSS đạt của các nữ công nhân sau can thiệp cũng tăng lên 22,5% so với trước khi can thiệp.

Đánh giá các chỉ tiêu của công ty được áp dụng mô hình can thiệp Goertek so với công ty không được áp dụng can thiệp Bujeon thì kiến thức, kĩ năng cũng như tỉ lệ mắc bệnh phụ khoa của các nữ công nhân công ty Goertek cải thiện hơn rất nhiều so với công ty Bujeon. Có thể thấy, nhờ phương tiện thông tin đại chúng ngày càng phổ biến, việc tiếp cận thông tin về CSSKSS cho người dân nói chung và nữ công nhân nói riêng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, số lượng nữ công nhân còn thiếu hụt kiến thức về SKSS còn khá lớn do thời gian làm việc kéo dài, ít có cơ hội tham gia hoạt động xã hội.

Xây dựng mô hình can thiệp nâng cao chất lượng CSSKSS cho nữ công nhân tại Khu công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thông qua các hoạt động nói chuyện chuyên đề, phát tờ rơi, áp phích, tập huấn nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho cán bộ y tế của doanh nghiệp đã cho những hiệu quả tích cực rõ rệt, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản của nữ công nhân đã được tăng lên, tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa giảm đi đáng kể. Các hoạt động can thiệp đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo công ty và sự tham gia của nữ công nhân.

Tuy nhiên, để nhân rộng hơn nữa mô hình này giúp lao động nữ có sức khỏe sinh sản tốt hơn cần có sự tham gia, hưởng ứng của trước hết là các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhân lực để đẩy mạnh hoạt động truyền thông tại chỗ. Tiếp đó là các tổ chức công đoàn, các ban, ngành, đoàn thể cũng cần quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa để nữ công nhân được tiếp cận các dịch vụ, thông tin nhằm có được sức khỏe tốt nhất.

Minh Long