bn-current-user-online-portlet

Online : 3565
Total visited : 150755538

Gia tăng số ca mắc các bệnh truyền nhiễm

11/04/2024 08:25 View Count: 192

Giao mùa là giai đoạn thời tiết có sự chuyển biến thất thường, cũng là thời điểm các loại vi rút, vi khuẩn gia tăng, phát triển và dễ xâm nhập gây bệnh. Thời gian gần đây, số lượng trẻ nhỏ đến khám và nhập viện do mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao hơn rất nhiều, chủ yếu tập trung vào các bệnh lí như cúm, tay chân miệng, thủy đậu, tiêu chảy…

Theo báo cáo bệnh truyền nhiễm tháng 3/2024 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh do vi rút Adeno, cúm, quai bị, thủy đậu, tiêu chảy…đều ghi nhận số ca mắc cao. Cụ thể, trong tháng ghi nhận 12 trẻ mắc bệnh do vi rút Adeno, 257 ca cúm, 15 ca quai bị, 121 ca thủy đậu, 94 ca tiêu chảy.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương – phường Võ Cường, TP Bắc Ninh cho biết, vừa qua cả nhà chị cùng bị cúm B. Bé lớn 7 tuổi đi học bị lây ở lớp, về nhà lây cho em và sau đó là lây cho cả bố lẫn mẹ. Các bé sốt cao liên tục, lên đến hơn 40 độ kèm theo đau đầu, nôn, mệt mỏi. Các cơn sốt liên tục khoảng 4 tiếng/lần, sau đó giãn dần khoảng 6 tiếng/lần. Ban đầu chỉ nghĩ sốt vi rút như mọi khi nên không đi khám. Nhưng uống thuốc hạ sốt chỉ đỡ mệt được một lúc, lại kèm đau đầu nên ai cũng vô cùng mệt mỏi. May mắn đi khám, được test xác định cúm A nên bác sĩ cho thuốc điều trị, cũng nhanh khỏi hơn.

Bác sĩ CKII Phạm Thị Thanh Hương, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới - Tiêu hoá Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh cho biết, số lượng trẻ bị viêm phổi do vi rút RSV (vi rút hợp bào hô hấp) và tay - chân - miệng đang chiếm nhiều nhất tại khoa. Các ca tay chân miệng được ghi nhận rải rác từ đầu tháng 3 và bắt đầu tăng cao khoảng 1 tuần nay. Ngay tại khoa, mỗi ngày có trung bình 5 – 10 trẻ phải nhập viện điều trị nội trú do mắc chân miệng, đây hầu hết đều là những trẻ có mức độ bệnh nặng, hoặc kết hợp các biểu hiện bệnh lí khác không thể điều trị tại nhà. Bên cạnh số lượng lớn bệnh nhân khám tại khoa khám bệnh, tại khoa Bệnh Nhiệt đới – Tiêu hóa Nhi cũng có phòng khám và trung bình mỗi ngày cũng thực hiện khám khoảng 40 ca bệnh truyền nhiễm, trong đó khoảng 60 – 70% chẩn đoán mắc tay chân miệng.

Theo báo cáo bệnh truyền nhiễm tuần 14 (từ ngày 28-3 đến ngày 3-4/2024) của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, bên cạnh cúm có số ca mắc tăng cao thì tay chân miệng cũng là bệnh ghi nhận số ca mắc tăng đột biến. Trong tuần ghi nhận 24 ca mắc, cao gấp 2,4 lần so với tuần trước đó, luỹ tích năm 2024 cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ tuần 14 năm 2023. Tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh cũng ghi nhận số trẻ phải nhập viện điều trị nội trú viêm phổi do vi rút RSV cũng gia tăng. Bệnh diễn biến nhanh nên ghi nhận những cao viêm phổi nặng, phải thở máy và thở oxy.

Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Khắc Từ - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, nếu như viêm phổi do vi rút RSV lây truyền qua đường hô hấp với độ tuổi mắc thường là dưới 2 tuổi, các ca viêm phổi nặng thường gặp hơn ở trẻ dưới 6 tháng, thì Tay - chân - miệng lây qua đường tiêu hoá và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Cả hai bệnh đều chưa có vắc-xin phòng bệnh nên bác sĩ khuyến cáo gia đình có trẻ nhỏ chú ý vấn đề vệ sinh ăn uống, vệ sinh nơi ở, môi trường xung quanh, cả trẻ và người trông trẻ cần vệ sinh tay thường xuyên, khi trẻ có dấu hiệu nghi mắc cần đưa khám sớm, đồng thời cho trẻ nghỉ học nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh, tránh lây lan thành ổ dịch…

Các chuyên gia y tế cũng đặc biệt nhấn mạnh, vắc xin là biện pháp dự phòng hữu hiệu nhất đối với các bệnh truyền nhiễm. Vắc xin sẽ giúp cơ thể trẻ có miễn dịch để không bị mắc bệnh, hoặc nếu có mắc thì các triệu chứng, biểu hiện cũng sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Vì vậy, khuyến cáo các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm phòng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hoặc nếu có điều kiện đưa trẻ đi tiêm một số vắc xin dịch vụ như thủy đậu, cúm, viêm màng não mô cầu, viêm màng não mủ…đúng lịch, đủ liều để chủ động phòng bệnh cho trẻ.

Nguyễn Lương