bn-current-user-online-portlet

Online : 4122
Total visited : 150807302

Dịch tay chân miệng gia tăng và diễn biến phức tạp

15/08/2023 09:51 View Count: 445

Thời điểm tháng 9 – tháng 10 hàng năm là giai đoạn cao điểm của dịch tay chân miệng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng đã tăng nhanh trong khoảng 3 tuần gần đây. Đáng chú ý, đã ghi nhận bệnh nhi dưới 6 tháng tuổi mắc tay chân miệng và nhiều bệnh nhi có biểu hiện nặng.

Hiện đã ghi nhận trường hợp trẻ mới 2 tháng tuổi đã mắc tay chân miệng khả năng do bị lây bệnh từ người lớn

Bệnh nhi Đặng Đức N. (xã Liên Bão, huyện Tiên Du) mới được 53 ngày tuổi nhưng đã mắc tay chân miệng và phải nhập viện điều trị. Chị Nguyễn Thị Thu H. mẹ bé cho biết, do bé mới sinh nên gần như 2 mẹ con vẫn chỉ ở nhà, không đi đâu tiếp xúc với ai. Ở nhà thấy bé khó chịu, nổi nốt đỏ ở cổ, sau đó lan xuống ngực, bụng và tay, chân nên gia đình đưa bé đến viện khám thì kết luận bé bị tay chân miệng. Bác sĩ cho biết trường hợp bé N. khá hiếm gặp bởi trẻ còn quá nhỏ. Mặc dù không sốt và các triệu chứng không quá nặng nhưng bé vẫn được chỉ định nhập viện điều trị để theo dõi sát các diễn biến bất thường. Bác sĩ cũng giải thích thêm, trường hợp này có thể bị lây bệnh do chính người lớn trong nhà tiếp xúc với trẻ bệnh ở bên ngoài, có mầm bệnh trên người nhưng về nhà không vệ sinh sạch sẽ đã tiếp xúc với bé khiến bé bị lây bệnh.

Nhiều trẻ mắc tay chân miệng nặng và diễn biến rất nhanh phải nhập viện điều trị để được theo dõi sát sao

Còn bệnh nhi Nguyễn Đức B. (xã Yên Giả, huyện Quế Võ) 2.5 tuổi, mắc tay chân miệng với diễn biến bệnh rất nhanh. Bà nội bé cho biết, buổi sáng ở nhà cháu vẫn bình thường, đến chiều thấy nốt đỏ mọc nhiều ở chân, tay, đầu gối, mông thì tưởng là cháu bị côn trùng cắn. Nhưng thấy cháu có dấu hiệu đi đứng không vững, hay giật mình, chỉ trong 10 – 15 phút nhưng giật mình đến 3 – 4 lần. Gia đình đưa bé đi khám thì được bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị ngay vì cháu đã có những biểu hiện nặng của bệnh và cần được theo dõi chặt chẽ.

Hiện phòng khám của Khoa Bệnh nhiệt đới – Tiêu hóa, Bệnh viện Sản Nhi tiếp nhận trung bình 13 – 17 trẻ khám bệnh tay chân miệng/ngày, khoảng 20 trẻ mắc tay chân miệng đang được điều trị nội trú. Đây là bệnh do virus gây nên và có thể theo dõi, điều trị tại nhà. Chỉ những trẻ có biểu hiện nặng mới phải nhập viện điều trị.

Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra những biến chứng nặng như viêm não - viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Đã có nhiều trẻ phải thở máy, lọc máu liên tục, thậm chí tử vong do tay chân miệng. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ bị tay chân miệng đều gặp biến chứng nặng, hầu hết các trẻ đều tự khỏi và hồi phục hoàn toàn sau 7 – 10 ngày bị bệnh.

Để chủ động phát hiện và kịp thời xử trí các biến chứng, các gia đình cần theo dõi sát các biểu hiện bất thường của trẻ như: giật mình chới với (thường bắt đầu khi mới ngủ), ngủ nhiều, li bì, run tứ chi, đi đứng loạng choạng, yếu tay chân, cầm nắm đồ vật không chắc, mạch nhanh, huyết áp cao… Khi trẻ có những biểu hiện này, cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế, tuyệt đối không được tự ý điều trị, tránh các hậu quả không mong muốn cho sức khỏe của trẻ - bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương, trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Tiêu hóa, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh nhấn mạnh.

Phenobarbital là thuốc điều trị quan trọng có trong phác đồ điều trị tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30/03/2012. Theo phác đồ này, thuốc phenobarbital có thể dùng bằng đường uống hay đường tiêm, ưu tiên dạng tiêm khi bệnh nhân nặng. Phenobarbital sử dụng cho trẻ em với nhiều ưu điểm và ít tác dụng phụ, đã được các bác sĩ sử dụng cho bệnh nhi từ rất lâu.

Trong bệnh tay chân miệng, phenobarbital có vai trò cắt các cơn co giật kéo dài và dự phòng các tái phát co giật. Bên cạnh đó, phenobarbital còn có tác dụng an thần, làm giảm các biểu hiện thần kinh, giật mình ở trẻ. Ngoài ra khi có phù não (trong trường hợp nặng) thuốc góp phần làm giảm phù não, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy của não.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, khoảng 3 tuần trở lại đây, dịch tay chân miệng bắt đầu có dấu hiệu gia tăng với trung bình 25 – 30 ca/tuần. Thực tế, con số này còn có thể lớn hơn nhiều bởi nhiều trẻ bị bệnh nhưng chỉ khám tại các phòng khám tư và điều trị tại nhà, nên không có số liệu thống kê.

Ông Nguyễn Văn Chiêu – Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, KST, CT, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Ninh cho biết, tay chân miệng là bệnh do virus gây ra và có tốc độ lây lan nhanh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi với các biểu hiện sốt, đau họng, nổi nốt có bọng nước. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, công tác xử trí chủ yếu là giải quyết triệu chứng. Mặt khác, tay chân miệng là bệnh rất dễ lây truyền, phát tán virus cho những người xung quanh (ngay cả trong giai đoạn ủ bệnh), vì vậy việc chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp vệ sinh và cách ly là điều vô cùng cần thiết. Trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh đang có xu hướng tăng nhanh và nguy cơ bùng phát, các gia đình cần đặc biệt chú ý đến vấn đề rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; ăn chín, uống chín; thường xuyên vệ sinh nơi ở, dụng cụ thường dùng bằng chất tẩy thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh khoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và đưa trẻ đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế uy tín khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.

Nguyễn Hạnh