bn-current-user-online-portlet

Online : 3132
Total visited : 150730507

Cứu sống bệnh nhi bị vỡ lách do ngã xe bằng kĩ thuật nút mạch

26/05/2023 13:57 View Count: 267

BVĐK tỉnh vừa cứu sống một bệnh nhi 11 tuổi bị vỡ lách do tai nạn xe đạp điện bằng phương pháp điện quang can thiệp. Sau khi ngã xe, bệnh nhi hoàn toàn tỉnh táo, chỉ xây xước tay chân nhẹ ở phần mềm. Tuy nhiên, các bác sĩ của tuyến huyện đã đánh giá, tiên lượng nghi ngờ bệnh nhi bị vỡ lách do chấn thương bụng kín nên đã chuyển tuyến trên. Tại BVĐK tỉnh, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, đặc biệt là ưu điểm vượt trội của kĩ thuật điện quang can thiệp nên bệnh nhi đã được cứu sống thành công.

Bác sĩ tư vấn, hướng dẫn gia đình bệnh nhi cách chăm sóc khi ra viện và hẹn lịch tái khám

Bệnh nhi Trần H.H (xã Liên Bão, huyện Tiên Du) được chuyển từ TTYT huyện Tiên Du đến Trung tâm Cấp cứu và Vận chuyển 115, BVĐK tỉnh ngày 17/5 trong tình trạng tỉnh, niêm mạc môi hồng, không sưng nề tụ máu, chỉ có vết xây xát vùng khuỷu trái, gối trái, đau bụng mạng sườn trái. Khai thác tiền sử bệnh nhi bị ngã xe đạp điện, nghi vỡ lách do chẩn thương bụng kín, các bác sĩ chỉ định bệnh nhi chụp cắt lớp vi tính và phát hiện vỡ lách độ 4 -5 (mức độ rất nghiêm trọng), có chảy máu tiến triển vào trong ổ bụng, phát hiện nhiều dịch ở ổ bụng. Sau khi vào viện chỉ 30 phút, bệnh nhi diễn biến nặng lên, có biểu hiện giảm thể tích tuần hoàn, mạch nhanh, huyết áp từ 90/60 giảm còn 80/50, da niêm mạc từ hồng chuyển sang nhợt, biểu hiện tiền sốc.

Bác sĩ Trần Văn Sơn – Trung tâm Vận chuyển và Cấp cứu 115, BVĐK tỉnh Bắc Ninh cho biết, trước khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, TTYT huyện Tiên Du đã liên hệ trước nên đơn vị cũng chủ động chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tiếp nhận ca bệnh. Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhi được cấp cứu hồi sức bằng các phương pháp truyền máu, giảm đau, hỗ trợ hô hấp tuần hoàn. Ngay sau khi có kết quả chụp cắt lớp vi tính, xác định mức độ vỡ lách nặng nên Trung tâm đã xin hội chẩn viện với các chuyên khoa Ngoại tổng hợp, Điện quang can thiệp, Gây mê hồi sức. Tiên lượng với tình trạng vỡ lách gây chảy máu vào ổ bụng, bệnh nhân sẽ diễn biến nặng và nhanh, cần xử trí khẩn cấp, bệnh nhi được chỉ định thực hiện phương pháp can thiệp nút mạch lách cầm máu.

Kíp điện quang can thiệp đánh giá lại tình trạng bệnh nhi sau khi can thiệp nút mạch

Tại phòng can thiệp, bệnh nhân có dấu hiệu kích thích, buồn nôn và nôn, mạch tăng lên 110 lần/phút, huyết áp giảm còn 50/30, biểu hiện của sốc giảm thể tích tuần hoàn. Quá trình can thiệp, kết quả chụp cho thấy nhu mô lách vỡ phức tạp, có động mạch tổn thương gây chảy máu liên tục lưu lượng cao vào trong ổ bụng. Vì vậy, kíp can thiệp mạch đã phối hợp chặt chẽ với kíp cấp cứu, gây mê, hồi sức tiến hành truyền 2 đơn vị khối hồng cầu và 2 đơn vị khối huyết tương để cải thiện tình trạng sốc và đảm bảo quá trình can thiệp diễn ra suôn sẻ. Ngay sau khi được can thiệp cấp cứu kịp thời, các biểu hiện sức khoẻ bệnh nhi tốt lên, huyết áp lên 90/60 mmHg.

Sau can thiệp ngày thứ 8, các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhi hoàn toàn ổn định

Bác sĩ Đào Mạnh Sơn – Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK tỉnh Bắc Ninh cho biết, thông thường trẻ nhỏ có lưu lượng tuần hoàn thấp hơn người lớn, ở bệnh nhi này thời gian chảy máu trong ổ bụng chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ, nhưng đã có ảnh hưởng rất lớn đến lưu lượng tuần hoàn. Nhận định tình hình nên khi tiếp nhận bệnh nhân, tất cả các kíp từ cấp cứu, gây mê, can thiệp đã phối hợp và dự tính trước cháu sẽ rơi vào tình trạng sốc do thiếu hụt tuần hoàn. Nhờ vậy nên đã chủ động triển khai các phương án đảm bảo. Bác sĩ Sơn cũng cho biết thêm, trước đây những trường hợp đa chấn thương có chảy máu tiến triển, các bác sĩ sẽ phải lựa chọn phương pháp phẫu thuật mổ mở để cầm máu các tạng tổn thương. Tuy nhiên, nếu phẫu thuật thì nguy cơ phải cắt lách là rất cao. Mà với trẻ nhỏ, cơ quan lách có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong việc tạo máu và miễn dịch. Vì vậy, với trường hợp bệnh nhi này, can thiệp nút mạch cầm máu sẽ giúp bảo tồn được tạng lách, lại giúp cho quá trình hồi phục sau can thiệp nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.

Chị Phạm Thị Lan Anh - xã Liên Bão, huyện Tiên Du là mẹ của bệnh nhi cho biết, cháu kể đi xe đạp điện bị vấp vào cục đá trên đường và tự ngã. Mặc dù bên ngoài cháu không có biểu hiện gì nhưng các bác sĩ cho biết cháu bị chảy máu lách trong bụng, tình trạng rất nguy kịch nên gia đình vô cùng lo lắng. Trước khi vào can thiệp, mặt cháu tái, chân tay lạnh ngắt, môi trắng bệnh nhưng được các bác sĩ giải thích nên gia đình cũng yên tâm hơn. Sau khi can thiệp, thấy cháu hồng hào và tỉnh táo hơn, mới còn đầy bụng, khó thở và phải hỗ trợ hô hấp. Nhưng đến ngày thứ 3, thứ 4 tình hình cải thiện dần, đến nay ngày thứ 8 cháu đã ổn định hẳn và các bác sĩ cho biết sắp được xuất viện nên gia đình thấy rất vui. “May mắn con đến bệnh viện kịp thời, lại gặp các bác sĩ giỏi, can thiệp lớn như vậy nhưng hầu như không để lại dấu vết gì trên cơ thể, không hề có sẹo hay đau đớn gì. Lại được điều trị tại tỉnh, không phải đi trung ương vừa đông đúc, chật chội, đi lại thì bất tiện nên gia đình vô cùng yên tâm và tin tưởng.”

Các bác sĩ cũng khuyến cáo thêm, đối với những trường hợp sau tai nạn có chấn thương vùng bụng, ngực nhưng không có vết thương hở, cần phải theo dõi sát và kĩ càng. Ngay khi có biểu hiện đau và các dấu hiệu bất thường, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được khám và phát hiện kịp thời, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng.

Lê Hồng