bn-current-user-online-portlet

Online : 3649
Total visited : 151075498

Chuyện của các nữ cán bộ y tế tại cơ sở điều trị Methadone

09/03/2018 07:59 View Count: 164

Công tác trong ngành y tế, thực hiện trọng trách chăm sóc sức khỏe nhân dân nên công việc của các cán bộ y tế có những đặc thù riêng, đặc biệt đối với cán bộ y tế là nữ. Trong không khí chào mừng kỉ niệm 108 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, chúng tôi đã có dịp đến cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để tìm hiểu phần nào về công việc thầm lặng, đầy phức tạp của những nữ cán bộ ở đây.

Ngay từ đầu giờ sáng, khu vực bệnh viện Bắc Ninh cũ đã tập trung khá đông bệnh nhân. Họ là những người nghiện thuốc phiện, nghiện ma túy đến cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone để uống thuốc. Chính vì bệnh nhân phải uống thuốc đủ cả 365 ngày/năm nên ngày thường cũng như ngày lễ, ngày Tết, đều đặn tất cả 365 ngày, các cán bộ y tế tại đây nói chung và những nữ cán bộ nói riêng đều có mặt đầy đủ để tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân nghiện ở nhiều độ tuổi, trong đó có khá nhiều người sử dụng ma túy nhiều năm. Vì thế các cán bộ ở đây thường xuyên gặp phải những tình huống phức tạp, đặc biệt là các cán bộ nữ ở vị trí hành chính, cấp phát thuốc cho người bệnh.

Điều dưỡng Phạm Thị Hạnh cho biết, bệnh nhân ở cơ sở Methadone này khác hoàn toàn so với bệnh nhân trong bệnh viện. Là những người nghiện, sống va chạm ngoài xã hội nhiều, nên nhiều khi mình hướng dẫn họ rất rõ ràng, cụ thể nhưng họ vẫn cứ không hiểu và thể hiện thái độ luôn, có thể là cáu gắt, quát tháo, thậm chí là chửi bới. Hoặc có thể bệnh nhân đến uống thuốc, qua giao tiếp với nhau có xảy ra xích mích, cãi cọ, xô xát với nhau, mà họ lại là những người nghiện nên có thể sẵn sàng gây hấn ngay tại chỗ. Những ngày đầu đảm nhiệm công tác, mặc dù đã có chuẩn bị tâm lí nhưng không chỉ bản thân chị Hạnh mà hầu hết các cán bộ tại đây, đặc biệt là cán bộ nữ đều cảm thấy khá sốc. Tuy nhiên lâu dần cũng thành quen, các cán bộ y tế ở đây không coi họ là những người nghiện mà kì thị, vẫn coi họ giống những bệnh nhân ở các cơ sở điều trị khác để chăm sóc và phục vụ.

Cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone hoạt động từ tháng 12/2014, đến nay lũy tích đã điều trị cho hơn 700 người. Hiện nay, cơ sở đang duy trì điều trị cho hơn 400 bệnh nhân, chủ yếu đều là những đối tượng có xuất thân phức tạp, những tầng lớp rất khó khăn, thậm chí được coi là “cặn bã của xã hội” nên không tránh được những phức tạp. Với bác sĩ là nam giới, việc tiếp xúc với những bệnh nhân này đã khó khăn, bác sĩ nữ thực hiện công tác khám, đánh giá, chỉ định điều trị lại càng vất vả hơn nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Trang cho biết, tiếp xúc với bệnh nhân ở đây có rất nhiều đối tượng, nhiều thành phần. Trong số đó, không phải tất cả đều xấu, đều vướng vào tệ nạn xã hội. Có rất nhiều người tốt, vì lí do bất khả kháng vướng phải ma túy, nhưng vẫn muốn có công việc và cuộc sống bình thường nên họ rất chấp hành và tuân thủ điều trị . Đều đặn đến cơ sở từ sáng sớm để uống thuốc và sau đó đi làm như bao người bình thường khác. Nhưng cũng có khá nhiều thành phần do quen với môi trường nghiện ngập, có cuộc sống và công việc không ổn định nên với họ hay xảy ra vấn đề. Ví dụ có một số bệnh nhân muốn xin giảm liều nhưng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và các chỉ số xét nghiệm chưa đủ điều kiện, bác sĩ không đồng ý thì họ tỏ thái độ ngay, đứng lên đập bàn, quát tháo và thậm chí nói những lời xúc phạm ngay trước mặt bác sĩ. Với những trường hợp đó, bác sĩ đặc biệt là bác sĩ nữ nếu không có thái độ kiên nghị thì rất dễ từ bỏ công việc. Tuy nhiên, với tâm niệm hết lòng vì người bệnh, bác sĩ Trang và các cán bộ tại đây vẫn xử lí ổn thỏa các tình huống, cứng lúc nào cần cứng và mềm lúc nào cần mềm, vì vậy bệnh nhân cũng dần dần tôn trọng và có thái độ tuân thủ, phối hợp thực hiện điều trị.

Bệnh nhân có thái độ bất hợp tác với cán bộ y tế có thể xảy ra tại đây bất cứ lúc nào. Nhưng ngược lại, không khí tại đây vẫn khá vui vẻ, cởi mở, hòa đồng. Có được điều đó là nhờ hiểu được tâm lí tự kì thị, tự ti về bản thân của những người nghiện, các cán bộ y tế, đặc biệt là những nữ cán bộ càng ân cần, hòa đồng hơn để người bệnh cảm thấy nhận được sự đồng cảm, từ đó họ sẵn sang hợp tác trong quá trình điều trị.

Anh Đ.T.G ở Thị trấn Chờ, huyện Yên Phong điều trị tại cơ sở Methadone được hơn 2 năm chia sẻ, bản thân anh thấy sự hi sinh của các nữ cán bộ tại đây cho người bệnh rất lớn, các chị phải đi làm, phải tiếp xúc với những bệnh nhân nghiện ngập hàng ngày, gặp phải đủ tình huống phức tạp… Nhưng kể cả trong những lúc đó, các chị ở đây vẫn biết xử lí khôn khéo để vừa lòng bệnh nhân. Hay như anh H.K.D ở phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh chia sẻ về các nữ cán bộ ở Trung tâm điều trị này rất nhiệt tình kể cả thăm khám, tư vấn rất đúng lúc, đúng chỗ, kịp thời cho bệnh nhân. Bản thân anh cũng chứng kiến rất nhiều các chị và các bác sĩ ở đây xử lí đều rất đúng mực và đúng quy trách, trách nhiệm, không để xảy ra điều qua, tiếng lại với bệnh nhân, tìm mọi cách để xử lí một cách êm dịu nhất, không gây ra sự phân rẽ cộng đồng và đặc biệt là “các nữ cán bộ y tế ở đây không coi chúng em là người nghiện mà luôn coi bọn em như một gia đình!”

“Nói cảm ơn sau khi uống thuốc” không chỉ là nguyên tắc mà cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đặt ra, mà câu “Cảm ơn” đã trở thành câu nói xuất phát từ thực tâm những người đến điều trị tại đây. Chiếm 1 nửa nhân lực tại đơn vị, các nữ cán bộ y tế tại đây, cho dù ở bộ phận khám, hỗ trợ điều trị, bộ phận kế toán hay bộ phận hành chính, cấp phát thuốc cho người bệnh, vẫn hàng ngày, hàng giờ vượt qua những áp lực, căng thẳng, những vất vả, khó nhọc, thậm chí là tủi nhục khi bị người bệnh không tôn trọng; để hoàn thành nhiệm vụ, giúp những người nghiện giảm sử dụng các chất dạng thuốc phiện, cải thiện sức khỏe và tái hòa nhập với cộng đồng. 

Minh Cường