bn-current-user-online-portlet

Online : 3828
Total visited : 151114221

Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

29/05/2018 10:55 View Count: 121

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh dịch truyền nhiễm được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2017. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong. Trước thực tế trên, ngành y tế đã và đang chủ động triển khai nhiều biện pháp để phòng chống loại bệnh dịch này.

Nhìn lại dịch sốt xuất huyết năm 2017 trên cả nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng có thể thấy, dịch diễn biến bất thường với số ca tăng đột biến, số người chịu hậu quả nặng nề cũng theo đó gia tăng. Theo thống kê, tại Bắc Ninh, năm 2017, dịch bệnh sốt xuất huyết đã xảy ra tại cả 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh với 1413 ca mắc, trong đó 605 ca xác định dương tính, toàn tỉnh ghi nhận 56 ổ dịch. Tại các bệnh viện, đặc biệt là BVĐK tỉnh, bệnh nhân sốt xuất huyết được bố trí nằm rải rác tại khắp các phòng của 4 tầng nhà khoa truyền nhiễm. Hầu hết đây đều là những bệnh nhân tiến triển nặng hoặc bệnh nhân cao tuổi, nguy cơ diễn biến bệnh phức tạp được các bệnh viện tuyến huyện chuyển lên điều trị.

Ảnh: Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại BVĐK tỉnh

Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Dũng – Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh cho biết, với sốt xuất huyết, sau khi bị muỗi đốt, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao 3 – 4 ngày đầu kèm đau mỏi khắp người, đau nhức 2 hốc mắt, sau đó bệnh nhân lui sốt. Nhưng chính trong giai đoạn lui sốt, khả năng lại xuất hiện các biến chứng hạ tiểu cầu hoặc cô đặc máu, thiếu thể tích tuần hoàn gây tụt huyết áp, sốc… Vì vậy kể cả khi đã cắt sốt, người dân không những không được chủ quan mà cần đặc biệt lưu ý giai đoạn nguy hiểm này bằng cách đi khám và xét nghiệm máu hàng ngày để xác định nguy cơ hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Nếu bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện đe dọa như li bì, mệt mỏi, buồn nôn hoặc xuất hiện chảy máu cam, chảy máu chân răng, kinh nguyệt kéo dài cần đến ngay bệnh viện để kịp thời điều trị vì bệnh có thể diễn tiến nặng chỉ trong 1 vài giờ. Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết là sốc do giảm thể tích máu lưu hành hoặc xuất huyết do giảm tiểu cầu, đặc biệt là xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, nguy cơ gây tử vong rất cao.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã có 71 trường hợp được điều tra, giám sát bệnh sốt xuất huyết, trong đó 68 ca được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả có 8 ca dương tính, toàn tỉnh không ghi nhận ổ dịch nào. Mặc dù các ca bệnh ngay khi phát hiện đã được điều tra, xử lí để khống chế, không để lây lan thành dịch, nhưng những trường hợp dương tính này đều là các ca mắc tại địa phương, không có mối liên quan dịch tễ với các vùng khác. Vì thế, điều này cũng báo động việc dịch sốt xuất huyết có thể phức tạp, bùng phát thành dịch trong năm 2018. Nhất là trong thời gian này, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Ảnh: Công tác kiểm tra, giám sát dịch thường xuyên được thực hiện nhằm phát hiện sớm, xử lí kịp thời, không để ca bệnh lây lan thành dịch lớn

Rút kinh nghiệm về nguy cơ tình hình dịch sốt xuất huyết năm trước, năm nay các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch ngay từ đầu năm. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hằng – Phó giám đốc Trung tâm y tế thành phố Bắc Ninh cho biết, năm 2017, Thành phố có 43 ca dương tính trên tổng số 56 ca mắc. Vì vậy, ngoài việc chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch ngay từ đầu năm, thành phố cũng trọng tâm vào công tác tuyên truyền sâu rộng trên các đài phát thanh 19 xã, phường. Mặt khác, tăng cường phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở trong việc phổ biến các dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân, để làm sao họ chủ động trong công tác này.

Ảnh: Hệ thống báo cáo, giám sát bệnh truyền nhiễm được trang bị từ tuyến xã đến tuyến tỉnh, liên thông giữa đơn vị y tế dự phòng và cơ sở khám chữa bệnh, thuận tiện cho việc theo dõi, cập nhật, báo cáo, thống kê…

Công tác kiểm tra giám sát cũng thường xuyên được thực hiện tại các tuyến, các đơn vị dự phòng tích cực phối hợp với cơ sở điều trị trong điều tra, giám sát ca bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm được trang bị từ tuyến xã đến tuyến tỉnh đã hỗ trợ rất lớn cho công tác báo cáo, thống kê và giám sát. Với hệ thống này, các trường hợp nghi mắc/mắc bệnh truyền nhiễm nói chung và sốt xuất huyết nói riêng sẽ được các cơ sở điều trị cập nhật kịp thời vào hệ thống. Từ đó, các địa phương nơi bệnh nhân sinh sống sẽ ghi nhận, cập nhật ca bệnh, đồng thời điều tra dịch tễ tại địa phương. Điều này giúp cho công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, từ đó triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời theo quy định.

Cùng với những biện pháp trên, ý thức chủ động của người dân đóng vai trò tiên quyết trong phòng, chống bệnh sốt xuất. Đó chính là những biện pháp rất đơn giản như: nằm màn khi ngủ, phun thuốc diệt muỗi, lật úp các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường nhà cửa...

Nguyễn Oanh
Source: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh