bn-current-user-online-portlet

Online : 5865
Total visited : 150704615

Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Dại

18/10/2024 08:39 View Count: 64

Bệnh Dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hàng đầu do không có biện pháp điều trị đặc hiệu, nếu không may nhiễm phải virus Dại, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 100%. Tuy nhiên, bệnh có các biện pháp dự phòng chủ động và điều trị dự phòng bệnh Dại bằng vắc xin và huyết thanh kháng Dại. Tại Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung, tình hình bệnh Dại đang có xu hướng gia tăng cả về số ca mắc và số người chết. Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật với vai trò là cơ quan đầu mối của ngành y tế trong phòng chống dịch, đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Dại. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào việc phối hợp với ngành thú y để kiểm soát dịch bệnh Dại hiệu quả ngay từ sớm.

Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước nhưng dân số đông lại thuộc tốp đông (thứ 22 toàn quốc). Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tỉ lệ đô thị hoá của tỉnh năm 2023 đạt 60% - nằm trong top đầu các tỉnh phía Bắc. Tại khu vực miền Bắc, nhiều năm qua đều ghi nhận các ca tử vong do bệnh Dại, đặc biệt là các tỉnh xung quanh Bắc Ninh như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh Dại nên trong 13 năm liên tiếp từ 2008 đến 2021, Bắc Ninh không ghi nhận ca tử vong nào do bệnh Dại. Tuy nhiên, đến tháng 10 năm 2022, Bắc Ninh có 01 trường hợp tử vong tại thôn Lai Tê, xã Trung Chính, huyện Lương Tài. Trường hợp bệnh nhân nữ bị chó mua ở chợ về nuôi cắn; tử vong do không tiêm dự phòng vắc xin và huyết thanh Dại sau khi bị chó cắn.

Ông Nguyễn Văn Chiêu – Trưởng khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm, Kí sinh trùng, Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, virus Dại sẽ gây viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương gồm não và tủy sống của người bệnh. Đường lây truyền của bệnh phổ biến nhất là thông qua các vết thương hở hoặc vết cắn do động vật bị Dại (chủ yếu là chó) gây ra. Dự phòng và điều trị dự phòng bệnh Dại là phương pháp duy nhất giúp giảm thiểu số lượng người chết do mắc Dại. Cụ thể, tiêm vắc xin Dại trước và sau phơi nhiễm giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại virus Dại. Lưu ý rằng cần nhớ tiêm đủ số mũi theo đúng quy định để tạo được đáp ứng miễn dịch hoàn chỉnh.

Tiêm vắc xin phòng bệnh Dại/huyết thanh kháng Dại khi bị chó/mèo cắn là biện pháp hữu hiệu nhất để chủ động phòng bệnh Dại

Là tỉnh công nghiệp phát triển nên các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Bắc Ninh cũng được mở rộng đa dạng. Địa bàn tỉnh hiện có hơn 60 điểm tiêm vắc xin dịch vụ (trong đó có tiêm vắc xin phòng Dại) gồm 9 điểm tiêm chủng công lập (tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và TTYT 8 huyện, thị xã, thành phố) và các điểm tiêm vắc xin dịch vụ tư nhân tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, mỗi năm Bắc Ninh đều có trên 4000 người tiêm vắc xin phòng bệnh Dại. Đặc biệt năm 2023, số lượng người người bị chó/mèo cắn tăng cao, toàn tỉnh có hơn 7000 người tiêm phòng Dại. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2024 đến nay cũng đã có khoảng 6300 người phải đi tiêm vắc xin phòng Dại. Bà Nguyễn Thị An (phường Kim Chân, TP Bắc Ninh) đến phòng tiêm dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để tiêm vắc xin phòng bệnh Dại sau khi bị chó nhà hàng xóm cắn vào bắp chân. “Trước đây nghe mọi người bảo tiêm vắc xin Dại về sức khỏe và trí não sẽ bị ảnh hưởng nên cũng lăn tăn, lo lắng. Nhưng nghe người quen kể về trường hợp ở Lương Tài, cùng bị 1 con chó cắn nhưng người đi tiêm vắc xin thì không sao, người không tiêm thì chết. Thế nên ngay khi bị chó cắn, tôi đã ngay lập tức đi tiêm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Thực tế đã tiêm được 2 mũi nhưng tôi thấy sức khỏe hoàn toàn bình thường, tâm lí lại ổn định và yên tâm hơn rất nhiều!”

Bên cạnh việc triển khai các hoạt động chuyên môn trong dự phòng và phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trong giám sát, theo dõi, điều trị các trường hợp bị động vật cắn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn chủ động phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản trong việc phối hợp phòng chống bệnh Dại. Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã kí ban hành kế hoạch liên ngành số 15/KHLN/TTKSBT-CCCNTYTS về phối hợp triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường sự liên kết, đảm bảo sự thống nhất trong các hoạt động; nâng cao chất lượng, hiệu quả, kết nối, chia sẻ thông tin, hỗ trợ tốt nhất trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh giữa 2 đơn vị. Trong đó, chú trọng công tác trao đổi thông tin về ca bệnh, ổ dịch trên động vật hoặc trên người. Ngày phát hiện trường hợp bệnh, ổ dịch đầu tiên nghi ngờ mắc bệnh hoặc đã xác định mắc bệnh có thể lây sang người; Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh sẽ cung cấp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các thông tin: tên động vật mắc bệnh, địa điểm ghi nhận, kết quả xét nghiệm, đặc điểm chăn nuôi của động vật, các biện pháp phòng, chống đã triển khai… Tương tự, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng sẽ là đầu mối cung cấp cho Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản ngay ngày khởi phát, ghi nhận trường hợp bệnh, ổ dịch trên người đầu tiên bị nghi ngờ hoặc đã xác định mắc bệnh các thông tin gồm: địa điểm, số trường hợp mắc, chết; triệu chứng chính của các trường hợp mắc/chết; kết quả xét nghiệm; các yếu tố nguy cơ; các biện pháp phòng, chống đã triển khai… 2 bên sẽ thực hiện chia sẻ mẫu bệnh phẩm của động vật/của người nghi ngờ hoặc đã xác định mắc bệnh trong vòng 48 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của bên còn lại. Đặc biệt, 2 cơ quan sẽ phối hợp tổ chức điều tra, xử lí ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và báo cáo kết quả cho các cơ quan chức năng. Công tác truyền thông cũng được chú trọng thực hiện xuyên suốt cả trước, trong và sau khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ/mắc bệnh để người dân biết, nhận thức và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh – Bác sĩ Nguyễn Khắc Từ - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong phòng chống bệnh Dại, nhưng thực tế công tác này còn một số khó khăn, nhất là việc quản lí đàn chó gặp nhiều khó khăn, người dân nuôi chó chủ yếu là thả rông. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa có nhận thức đúng về bệnh Dại (không tiêm phòng vắc xin khi bị chó cắn, đến thầy lang để sử dụng thuốc nam…). Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẽ tiếp tục rà soát, củng cố các điểm tiêm phòng Dại tại các huyện/thị xã/thành phố; đảm bảo mỗi huyện/TX/TP có tối thiểu 01 điểm tiêm phòng Dại thường xuyên, liên tục hoạt động và đảm bảo có đủ vắc xin/huyết thanh phòng Dại để sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho người dân. Trong công tác giám sát, xử lí ổ dịch Dại, đơn vị sẽ tăng cường, chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi Dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt tăng cường công tác giám sát thường xuyên tại các xã có ca tử vong, các xã có nguy cơ cao về bệnh Dại (t lệ tiêm phòng Dại trên đàn chó mèo thấp, ổ dịch dại cũ,…). Các TTYT huyện/thị xã/thành phố hướng dẫn xử lí bệnh nhân tử vong do bệnh Dại, mai táng theo quy định của bệnh truyền nhiễm gây dịch nhóm B. Người trong gia đình, cán bộ y tế có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân cần được điều trị dự phòng.

Để công tác phòng chống bệnh Dại đạt hiệu quả cao thì bên cạnh các hoạt động của cơ quan chức năng, yếu tố then chốt là ý thức của người dân trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi và ý thức chủ động dự phòng khi bị động vật cắn. Vì vậy, công tác truyền thông sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng, tập trung nhấn mạnh vào sự nguy hiểm của bệnh Dại; kịp thời chia sẻ thông tin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và vận động người dân kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng Dại, huyết thanh kháng Dại, nhất là tại các địa phương có trường hợp tử vong do Dại và có t lệ tiêm phòng trên chó, mèo thấp. Đặc biệt, thời gian tới, hoạt động truyền thông sẽ được tăng cường thực hiện trong trường học cho trẻ em, học sinh với mong muốn hiệu quả tuyên truyền được xuyên suốt, hệ thống từ cán bộ giáo viên, học sinh và đặc biệt là phụ huynh học sinh. Công tác truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông qua hệ thống tuyên truyền cơ sở, đặc biệt lưu ý việc không chữa bệnh Dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Với vấn đề quản lí vật nuôi, đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tiêm phòng Dại đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm để đảm bảo an toàn tối đa cho người dân.

Phương Nhiên