bn-current-user-online-portlet

Online : 3940
Total visited : 151114450

Chủ động phòng bệnh dại bằng tiêm huyết thanh và vắc xin kháng dại

07/01/2019 15:39 View Count: 698

Chó là động vật nuôi trong nhà nhưng có không ít trường hợp đã bị chính loại vật nuôi này cắn và gây bệnh. Bệnh dại do virus dại truyền từ động vật sang người qua vết cắn. Tuy nhiên, ngay khi bị cắn, cả người và động vật đều không có biểu hiện bệnh ngay mà phải sau 7-15 ngày các triệu chứng mới xuất hiện. Nhưng đợi đến lúc này thì đã quá muộn, thậm chí có trường hợp đã tử vong ngay sau đó. Vì vậy, chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm huyết thanh hoặc vắc xin kháng dại ngay khi bị động vật cắn là biện pháp hữu hiệu nhất.

Cháu Chu Bá Anh bị chó nhà cắn với vết thương nghiêm trọng tại vùng đầu

Cháu Nguyễn Bá Anh sinh năm 2011, quê ở thôn Thọ Đức, xã Tam Đa, huyện Yên Phong bị chó nhà nuôi cắn trong tình trạng chấn thương nặng vùng vai và vùng đầu. Bà nội cháu cho biết, sáng sớm ngày 23/12, theo thói quen ngủ dậy là bà thả con chó lai nhà nuôi đã được 3 năm nay ra để đi vệ sinh. Cháu Bá Anh dậy theo, đứng ở hiên nhà đợi bà. Bà chỉ tranh thủ quay ra xúc ít thóc cho con gà ăn, quay vào đã thấy cháu đang bị chó cắn. Đáng nói là con chó nặng đến hơn 20kg, to hơn cả người cháu, lực cắn quá mạnh khiến vai cháu bị thương, hơn một nửa mảng da đầu bị cắn nát và bong hẳn ra.

Ngay lập tức, cháu được đưa đến BVĐK tỉnh cấp cứu, sát khuẩn và khâu lại vết thương. May mắn là vết thương chỉ ở phần mềm chưa phạm vào vùng sọ não. Tuy nhiên, cháu bị nhiều vết cắn nguy hiểm và mất nhiều máu nên ngay sau khi được xử trí và cầm máu vết thương, gia đình được các bác sĩ tư vấn đưa cháu ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đồng thời tiêm huyết thanh kháng  dại SAR và vắc xin phòng bệnh dại Abhayrab. Sau đó, cháu Bá Anh được chuyển về tuyến tỉnh, đến phòng tiêm dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục thực hiện tiêm tiếp tục các mũi vắc xin trong phác đồ tiêm 05 mũi trong vòng 28 ngày. Trước, trong và sau tiêm, gia đình cháu được các bác sĩ tại Trung tâm tư vấn kĩ về nguy cơ mắc dại, lợi ích của việc tiêm vắc xin và một số phản ứng sau khi tiêm có thể gặp như sốt, chóng mặt, đau đầu, đau tại chỗ tiêm, ngứa… Ngoài ra, việc quan trọng là các bác sĩ yêu cầu gia đình phải theo dõi tình trạng của con chó đã cắn cháu trong 7 – 15 ngày để phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ bệnh dại. Nếu chó có những triệu chứng như thay đổi tính tình, dễ bị kích động hoặc bị liệt, chết thì phải báo ngay cho bác sĩ  để có hướng xử lí và tư vấn thêm – anh Nguyễn Bá Phương, bố của cháu Bá Anh cho biết.

Nói về thực tế tình hình nhân dân đến tiêm phòng bệnh dại tại phòng tiêm dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng – Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, côn trùng, kí sinh trùng, cho biết, trung bình mỗi tháng phòng tiêm đều triển khai tiêm khoảng 300 – 500 mũi vắc xin phòng bệnh dại cho người dân. Những trường hợp bị động vật cắn/cào mức độ nặng như cháu Bá Anh không phải hiếm gặp, có thể bị nhiều vết cắn gây chảy máu nhiều, ở nhiều vị trí gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ hay ở các vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục. Với những tình trạng vết thương nặng như vậy thì cần phải tiêm kết hợp cả huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại ngay. Còn với những bệnh nhân bị cắn vết thương nhẹ, vết xước, vết cào, liếm trên da bị tổn thương, niêm mạc thì cần tiêm vắc xin phòng dại đúng và đủ liều. Qua thực tế tiêm chủng nhiều năm tại trung tâm cũng như ghi nhận trên địa bàn tỉnh, hầu hết các trường hợp đến tiêm, được tư vấn tiêm phòng sớm, đầy đủ và đúng lịch sẽ phòng ngừa được tối đa nguy cơ mắc bệnh dại của người bệnh.

Sau khi tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cháu đến phòng tiêm dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để được tư vấn và tiếp tục hoàn thành phác đồ điều trị dự phòng bệnh dại

Các bác sĩ cũng khuyến cáo thêm, ngay sau khi bị động vật như chó, mèo, khỉ, chuột…cắn thì điều quan trọng trước tiên là phải xử trí sau cắn, rửa sạch vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, sát khuẩn vết thương bằng cồn và đến cơ sở y tế để được tiêm phòng càng sớm càng tốt. Người dân tuyệt đối không nên đi khám thầy lang, nghe theo các phương pháp truyền miệng, dân gian để bôi, đắp bất cứ vật gì vào vết cắn bởi điều đó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị trí vết thương cũng như tính mạng người bệnh. Việc tiêm phòng dại cho động vật nuôi trong nhà cũng rất cần thiết giúp hạn chế tối đa việc nhiễm vi rút dại nếu vật nuôi không may cắn người. Ngay sau khi bị cắn, theo dõi tình trạng của động vật là điều cần thiết, nhưng tuyệt đối không được chờ con vật chết mới đi tiêm vì lúc đó vi rút dại cũng đã hoạt động trên cơ thể người bị cắn, xuất hiện triệu chứng và nguy cơ tử vong rất cao, tiêm phòng lúc này không còn tác dụng nữa.

Để đảm bảo phòng bệnh dại hiệu quả, cháu Bá Anh cần được tiêm đủ 1 mũi huyết thanh và 5 mũi vắc xin phòng bệnh dại trong 28 ngày

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức của người dân đã được nâng lên rất nhiều trong việc chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh khi bị động vật cắn. Trong nhiều năm trở lại đây, Bắc Ninh không ghi nhận ca bệnh dại nào gây tử vong ở người trên địa bàn. Mặc dù vậy, công tác tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi, chú ý nuôi nhốt động vật nuôi cẩn thận để tránh trường hợp vật nuôi thả rông cắn người gây hậu quả nghiêm trọng vẫn là việc làm hết sức cần thiết được thực hiện tại mỗi gia đình và toàn cộng đồng.

Nguyễn Huệ