bn-current-user-online-portlet

Online : 3293
Total visited : 151113789

Cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch

07/10/2018 15:46 View Count: 67
Trong khi bệnh tay - chân - miệng (TCM) tại các tỉnh phía Nam chưa có dấu hiệu chững lại thì mới đây, số ca mắc sởi và sốt xuất huyết đang tăng nhanh. Tại phía Bắc, số ca bệnh mắc TCM, sởi cũng liên tục tăng. Bác sĩ, điều dưỡng di chuyển liên tục giữa các buồng bệnh, những đứa trẻ thở máy, thở ôxy. Các chuyên gia y tế cho rằng, nếu không có các biện pháp phòng ngừa và xử lý triệt để, nguy cơ dịch chồng dịch là rất cao.

Nhiều trẻ bị biến chứng nặng

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 53.500 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó gần một nửa số bệnh nhân phải nhập viện và đã có 6 ca tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Ngoài TCM, sởi và sốt xuất huyết cũng đang có dấu hiệu “vào mùa”.

ThS.BS. Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, số trẻ nhập viện do bệnh TCM và sởi đều tăng gấp vài lần. Đáng chú ý, bệnh TCM có nhiều ca biến chứng nặng vào tim, phổi, não do năm nay chủng virut EV71 gây bệnh nặng quay trở lại và tấn công những trẻ nhỏ sức đề kháng yếu.

Ngoài bệnh nhân TCM, khu vực điều trị bệnh sởi của Khoa Truyền nhiễm thường xuyên có bệnh nhi nằm điều trị. TS. Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, từ đầu năm đến nay đã có gần 500 trường hợp trẻ mắc sởi nhập viện. Khoảng 2 tháng qua, mỗi tháng trung bình gần 100 ca, ngày cao điểm tiếp nhận 10-12 trẻ. Trong số này có tới 85% trẻ mắc sởi nhập viện đều không được tiêm vắc-xin đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng.

Ở phía Nam, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, số ca mắc TCM đã lên đến 3.568 trường hợp. Chỉ tính trong tuần vừa qua đã có 347 bệnh nhân nhập viện. Khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho gần 190 bệnh nhi TCM, trong đó có 28 ca nặng nằm cấp cứu. Tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay có hơn 4.000 ca mắc bệnh TCM, 90% là trẻ dưới 3 tuổi. Có những tuần, tỉnh ghi nhận đến 500 ca bệnh, nhiều trường hợp bệnh trở nặng nguy hiểm. Tại Bình Dương, chỉ trong tháng 8/2018, toàn tỉnh phát hiện 478 ca mắc bệnh TCM, tăng 202 ca so với tháng trước.

 

canh-bao-nguy-co-dich-chong-dich-1Điều trị cho bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.           

Về dịch bệnh sởi, theo thống kê của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 8 và tháng 9, số ca mắc bệnh sởi tăng mạnh so với cùng kỳ các năm gần đây. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, địa phương có số ca mắc bệnh sởi cao nhất khu vực là tỉnh Đồng Nai với 136 ca, tiếp theo là Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh. Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm 2018 đến nay, tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận khoảng 6.000 ca nhập viện. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, do TP. Hồ Chí Minh đang bắt đầu mùa mưa nên tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn có diễn biến phức tạp.

Đặc biệt chú ý phòng tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng dự báo, dịch TCM có xu hướng gia tăng và phức tạp trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền và hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 15,3%, số trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa  Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, một số bệnh đã có vắc-xin tiêm chủng như sởi vẫn có thể gia tăng số ca mắc bệnh. Nguyên nhân là sau nhiều năm đến nay, các trường hợp không có miễn dịch do không tiêm chủng đã tích tụ lại, nếu không tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao, những người này dễ dàng mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết, để phòng chống dịch lây lan, bùng phát, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh TCM. Giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện... Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong. Thực hiện phòng tránh lây nhiễm chéo các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị, đặc biệt giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Mai Phương
Source: Tổng hợp