bn-current-user-online-portlet

Online : 3838
Total visited : 151108792

Cẩn trọng trước tình trạng bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp

04/11/2022 15:25 View Count: 489

Năm 2022 và đặc biệt là thời điểm những tháng cuối năm hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến hết sức phức tạp, cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch. Bên cạnh bệnh truyền nhiễm mới nổi như COVID-19 thì bệnh tái nổi như Adeno, Cúm A, Cúm B, Tay chân miệng, Sốt xuất huyết…cũng có xu hướng gia tăng với mức độ nặng hơn mọi năm.

Bệnh nhân Nguyễn Tâm Anh ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang vào Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh điều trị nội trú trong tình trạng li bì, mệt lả kèm theo nôn, đi ngoài phân lỏng trên 10 lần/ngày, toan chuyển hóa nặng do tiêu chảy cấp gây ra. Nếu như trẻ tiêu chảy thông thường, các bác sĩ chỉ thực hiện truyền điện giải khoảng 300ml/lần thì với bé M. phải truyền 1000ml/lần, kết hợp truyền bù toàn chuyển hóa 3 lần. Chị Nguyễn Thị Mão mẹ của bé cho biết, ở nhà thấy cháu bị đi ngoài cũng có mua thuốc ở phòng khám ngoài cho bé uống nhưng tình trạng không tiến triển, tần suất đi ngoài phân lỏng của bé ngày càng tăng lên. Đến khi bé mệt lả, ăn gì nôn đấy gia đình mới đưa bé vào viện. Bé được các bác sĩ truyền thuốc liên tục trong 2 ngày. Đến nay là ngày thứ 4 cháu đã đỡ hơn nhiều, ăn uống đỡ nôn trớ hơn, đi ngoài cũng cải thiện dần.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng vào điều trị tại khoa rải rác, đáng chú ý nhiều trường hợp nặng

Mặc dù không phải thời gian đỉnh dịch nhưng hiện nay, khoa Bệnh Nhiệt đới – Tiêu hóa, Bệnh viện Sản Nhi vẫn ghi nhận rải rác các ca tay chân miệng, đặc biệt là những trường hợp nặng. Khoa hiện đang điều trị cho một bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 2B nhóm 1. Sau khi sốt 5 ngày tự điều trị tại nhà không ngắt, bé mới được gia đình đưa vào viện với các dấu hiệu nặng như sốt cao kéo dài, giật mình nhiều, mạch nhanh, viêm loét miệng. Những trường hợp tiêu chảy cấp hay tay chân miệng nặng như thế này, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nặng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Bệnh nhi mắc tiêu chảy cấp nặng phải nhập viện điều trị tích cực, truyền nước, điện giải vì mất nước...

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Tiêu hóa cho biết, hiện các rất nhiều bệnh truyền nhiễm nhóm A và bệnh lây qua đường tiêu hóa đang cùng xuất hiện và có nguy cơ gây ra tình trạng dịch chồng dịch. Không những ghi nhận số ca mắc tăng ở các mặt bệnh, mà lượng bệnh nhân nặng vào viện cũng tăng hơn so với mọi năm. Hiện Adeno đang là mặt bệnh tái nổi được ghi nhận tăng mạnh trở lại, virus sẽ khiến trẻ sốt kéo dài liên tục trong 1 tuần, kèm theo các dấu hiệu như viêm kết mạc, viêm tai, viêm phổi. Thực tế điều trị tại bệnh viện cũng thấy các bệnh nhân Adeno bị tổn thương phổi nhiều hơn, diễn biến phức tạp hơn và thời gian điều trị cũng kéo dài hơn so với viêm phổi do các nguyên nhân khác. Với tay chân miệng, đây là bệnh rải rác quanh năm nhưng cũng thường xuất hiện đỉnh dịch vào một số tháng nhất định. Hiện tuy không phải đỉnh dịch nhưng khoa cũng ghi nhận khá nhiều bệnh nhân tay chân miệng, nhất là bệnh nhân nặng độ 2B nhóm 1, nhóm 2 và thậm chí độ 3 cũng gặp nhiều hơn các năm trước. Đặc biệt với sốt xuất huyết, mọi năm chỉ gặp cá biệt một vài trường hợp nặng nhưng năm nay đã gặp khá nhiều bệnh nhân nhi có các dấu hiệu cảnh báo cần phải theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

Không chỉ đa dạng các mặt bệnh truyền nhiễm phải điều trị, số trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, phải nằm viện trong thời gian dài cũng nhiều hơn. Nếu như trước đây khoa Bệnh Nhiệt đới – Tiêu hóa chỉ điều trị trung bình 95 – 100 trẻ/ngày thì hiện nay lên đến 120 – 140 bệnh nhân. Khoa đã phải huy động thêm giường bệnh của các khoa khác, bố trí riêng từng mặt bệnh theo các phân khu và huy động tối đa nhân lực cán bộ y tế làm việc. Mặt khác linh hoạt thực hiện chỉ định điều trị, cho trẻ chuyển về tuyến dưới hoặc ra viện tiếp tục về nhà điều trị ngoại trú khi tình trạng bệnh đã ổn định để tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân mới, cũng hạn chế tối đa trẻ bị lây nhiễm chéo khi ở viện.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Liên – Khoa Bệnh Nhiệt đới – Tiêu hóa, Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh cho biết, thời gian trẻ sốt kéo dài khiến các gia đình rất lo lắng. Cùng với việc thực hiện y lệnh của bác sĩ, các điều dưỡng trong khoa cũng phải phối hợp giải thích cho gia đình trẻ biết về tình trạng bệnh của con. Riêng với Cúm hoặc Adeno, có những trẻ sốt lên đến 7 ngày liền, có khi 1-2 tiếng sau khi uống thuốc đã lại sốt tiếp để gia đình yên tâm hơn. Đồng thời cũng hướng dẫn gia đình cách chườm ấm, theo dõi nhiệt độ và cơn sốt của trẻ để hỗ trợ cán bộ y tế trong việc điều trị, tránh cho trẻ bị co giật. 

Chủ động bảo vệ trẻ bằng cách tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và một số loại vắc xin dịch vụ là biện pháp hữu hiệu. Thực hiện vệ sinh, nhất là vệ sinh tay cũng là khuyến cáo quan trọng để phòng bệnh hô hấp và bệnh đường tiêu hóa. Khi trẻ có các dấu hiệu bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, không tự ý mua thuốc điều trị, tránh để trẻ trong tình trạng nặng mới đi khám gây khó khăn trong điều trị và nguy hiểm cho trẻ.

Văn Cường