bn-current-user-online-portlet

Online : 3026
Total visited : 150734391

Bước chuyển nhờ ứng dụng Đề án 06 trong khám chữa bệnh

23/10/2023 15:14 View Count: 196

Công nghệ thông tin đã và đang có sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến mọi mặt của cuộc sống. Lĩnh vực y tế cũng không ngoại lệ, chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mà còn giúp người dân đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giúp cơ sở khám chữa bệnh quản lý y tế dễ dàng hơn.

Chị Lê Thanh Hoa (xã Văn Môn, huyện Yên Phong) không may bị tai nạn giao thông phải vào BVĐK tỉnh Bắc Ninh điều trị. Do trường hợp cấp cứu, chị không mang theo thẻ BHYT, người nhà cũng không mang đủ tiền mặt để tạm ứng viện phí. Nhưng nhờ thông tuyến khám chữa bệnh và chuyển đổi số mà chị có thể dùng CCCD để lấy thông tin thẻ BHYT, được thanh toán BHYT tiền viện nội trú và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản khi không mang theo đủ tiền mặt. “Tôi không nghĩ rằng đi viện giờ lại đơn giản, nhanh gọn và thuận tiện như vậy. Không bàn về chất lượng điều trị, chỉ riêng khâu thủ tục hành chính, lần đi viện này không phải chuẩn bị đủ các thủ tục, giấy tờ nhưng vẫn được giải quyết ổn thỏa. Giờ gần như chỉ cần mỗi chiếc điện thoại thông minh, là mọi thứ đã được thực hiện xong mà không cần phiền đến người nhà đi lại nhiều!”

Đó là những ưu thế vượt trội của việc triển khai Đề án 06 nói riêng và chuyển đổi số trong ngành y tế nói chung tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tiến sĩ, bác sĩ Đào Khắc Hùng – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Đề án 06 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nội dung cải cách hành chính mà ngành y tế đang chỉ đạo triển khai thực hiện tại tất cả các cơ sở y tế cả công lập và tư nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện 16/16 cơ sở khám chữa bệnh trong ngành đã trang bị máy quét QR code thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD. Quét bằng CCCD, người bệnh không phải mang nhiều giấy tờ đi, cán bộ y tế cũng khắc phục được vấn đề phải thao tác nhiều lần với nhiều loại giấy tờ, so sánh, đối chiếu nếu có sai lệch thông tin…Tại một số địa phương, TTYT còn trang bị máy quét đến tận tuyến trạm y tế xã để việc triển khai được rộng khắp và đồng bộ hơn. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đề nghị các Bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện hoạt động này. Hiện tỉ lệ của toàn ngành đã đạt 90.13% người bệnh đến khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh điều trị nội trú tiếp tục quản lý, thực hiện thông báo lưu trú đối với bệnh người bệnh điều trị nội trú theo đúng quy định của Luật cư trú năm 2020 và đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trong Đề án 06 đề ra. Ngoài ra, để góp phần đẩy mạnh tỉ lệ người dân thực hiện định danh công dân mức 2, hướng tới chuyển đổi số quốc gia, các cơ sở khám chữa bệnh có giường bệnh nội trú cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID và khai báo lưu trú trực tuyến nếu đã có định danh mức 2.

Hiện 100% các cơ sở đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe lái xe thực liên thông Giấy khám sức khỏe lái xe lên Cổng giám định BHYT phục vụ công tác liên thông cấp lại giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phát sinh Giấy chứng sinh, chứng tử đã thực hiện liên thông Giấy chứng sinh, Giấy chứng tử đẩy lên Cổng giám định BHYT để triển khai quy trình liên thông điện tử đối với 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng”.

Đặc biệt, hiện nay 100% cơ sở Y tế công lập và tư nhân đều đã triển khai dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Có thể nói, đây là một trong những nỗ lực rất lớn của các đơn vị y tế. Bởi chuẩn bị tiền mặt và sử dụng tiền mặt để tạm ứng, thanh toán viện phí đã trở thành thói quen của hầu hết người dân khi đến bệnh viện. Mặc dù các hình thức quyển khoản qua số tài khoản, mã quét QR-code đã được các bệnh viện dán ngay tại khu vực thanh toán, nhưng số lượng người sử dụng còn rất hạn chế, chỉ một bộ phận rất nhỏ người trẻ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Nguyên nhân của tình trạng này có thể kể đến là do bệnh nhân đến viện khám chữa bệnh phần lớn là người cao tuổi, mắc các bệnh mạn tính; do thói quen sử dụng tiền mặt khi đến viện; do một số vướng mắc khi kết nối, quản lý tài chính… Vì vậy, trước khi đẩy mạnh triển khai Đề án 06, tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các đơn vị hầu hết chỉ ở mức dưới 5% tổng số bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tước – Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Y tế cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nội dung trọng tâm mà ngành y tế phải thực hiện của Đề án 06. Vì vậy, Sở Y tế đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị phải tìm mọi cách tháo gỡ, giải quyết các tồn tại, vướng mắc để nâng tỉ lệ này lên. Bên cạnh truyền thông gián tiếp qua các kênh thông tin đại chúng như báo, đài, website, fanpage của các đơn vị y tế, lãnh đạo các đơn vị đã cử các cán bộ của phòng công tác xã hội, phòng điều dưỡng và phòng kế toán trực tiếp xuống khu vực thanh toán viện phí giới thiệu, hướng dẫn và đề nghị những bệnh nhân trẻ tuổi, có tài khoản ngân hàng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân đến viện vẫn là người cao tuổi. Và để giải quyết lượng lớn bệnh nhân này, các đơn vị y tế đã phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, cử cán bộ trực tiếp đến viện mở tài khoản và phát hành thẻ thanh toán miễn phí cho người bệnh chưa có thẻ ngân hàng. Khi bệnh nhân đã được cấp thẻ, ngân hàng và bệnh viện sẽ tiếp tục hướng dẫn người bệnh cách quẹt thẻ qua máy POST. Người nhà sẽ nạp tiền vào tài khoản, bệnh nhân đến viện chỉ cần mang thẻ, nhớ 6 số mật khẩu là có thể thao tác thanh toán viện phí dễ dàng.

Hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đã được nâng lên đáng kể, toàn ngành hiện đạt 30.29%. Trong đó, có một số đơn vị đạt trên 50% có thể kể đến là TTYT huyện Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ… Tuy nhiên, để tỉ lệ toàn ngành đạt trên 50% và duy trì ở mức bền vững sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng người bệnh cao tuổi chuẩn bị được phát hành thẻ và sử dụng thẻ ngân hàng. Để triển khai đạt hiệu quả hoạt động này, các đơn vị y tế sẽ phải tăng cường truyền thông và trực tiếp cử cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn, yêu cầu người bệnh sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các khu vực từ khu vực đón tiếp, phòng khám đến khu vực thanh toán.

Sỹ Tường