bn-current-user-online-portlet

Online : 3755
Total visited : 151081037

Bài viết "Gương sáng ngành y": Sát cánh cùng ngành Y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân

12/01/2015 03:29 View Count: 109
   Ra đời từ năm 1958 với tên gọi Phân hội Đông y Bắc Ninh, rồi Hội Đông y Hà Bắc và sau khi tách tỉnh năm 1997, Hội Đông y Bắc Ninh chính thức hoạt động trở lại. Bằng sự nỗ lực, vượt mọi khó khăn, đến nay hội đã và đang dần khẳng định vai trò, vị trí của mình trong việc gìn giữ và phát huy tinh hoa y học cổ truyền, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
 
  Ngược dòng thời gian, Hội Đông y Bắc Ninh đã tham gia phòng chống nhiều vụ dịch lớn thành công. Theo tài liệu 65 năm truyền thống của Hội Đông y, vào năm 1971, xảy ra lụt vỡ đê dẫn tới dịch bệnh kiết lị và sốt suất huyết, hội cùng với ngành Y tế dập dịch bằng các bài thuốc nam dập viên: Xuyên tâm liên, Mộc hoa trắng, Tô mộc, Bạch địa căn, rượu lô hội… Chống 3 vụ dịch ở Thuận Thành, hội chữa trị tổng số 395 bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi trùng, ho gà, sởi. Năm 1980, xảy ra dịch sốt xuất huyết ở Phù Chẩn (Từ Sơn), sau xã này liên tiếp 8 huyện, thị xã gồm 25 điểm có dịch với hơn 1 vạn người mắc đã được dùng thuốc nam tại chỗ. Năm 1988, Hội phối hợp dập dịch quai bị ở xã Cách Bi (Quế Võ) cho 125 cháu, năm 1989 ở xã Ngọc Xá tiếp tục có dịch quai bị, Hội chữa trị cho 95 bệnh nhi từ 4-15 tuổi, tỷ lệ khỏi là 95%...
   Hội động viên các lương y cống hiến những kinh nghiệm hay, bài thuốc quý, thu thập được hơn 600 bài về nhi khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nội khoa, ngũ quan và thần kinh. Những bài thuốc này đã được đưa vào các đầu sách tham khảo và áp dụng thực tiễn trong phòng chống dịch bệnh. Tiêu biểu như các đề tài: Chữa liệt dây thần kinh VII của lương y Lê Nho Ngoạn (Thuận Thành); Thừa kế kinh nghiệm chẩn mạch của lương y Ngô Quý Thạch (Yên Phong); Kinh nghiệm điều trị kinh đới thai sản của lương y Nguyễn Văn Hiện (Lương Tài). Những cái tên như Nguyễn Văn Tuy, Lê Nho Ngoạn, Nguyễn Văn Kiên, Ngô Quý Thạch, Nguyễn Văn Hiện, Trần Văn Quảng, Trịnh Ngọc Tố, Đại Đạo… được nhiều bệnh nhân đặc biệt là những bệnh nhân nghèo nhớ đến với nhiều niềm cảm kích và biết ơn.
   Ngay từ khi mới ra đời, mạng lưới của Hội đã phủ kín trong toàn tỉnh, xã nào cũng có hội viên đông y. Các huyện, thị hội ban đầu chỉ có 3-4 lương y, sau tập hợp và tăng dần cả về số lượng và chất lượng đến nay toàn tỉnh đã có 565 hội viên. Đây là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền tại các cơ sở. Tổ chức hội được thành lập ở tất cả 8 huyện, thị xã, thành phố; cấp liên xã, phường với 51 chi hội trực thuộc. Các hoạt động: Chẩn trị, khám chữa bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các bài thuốc nam; phổ biến kiến thức về những cây thuốc quý; xã hội hóa y học cổ truyền… được duy trì hiệu quả, tiêu biểu là các huyện hội: Thuận Thành, Yên Phong, Lương Tài; chi hội: Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; các hội đông y cấp xã: Đông Thọ (Yên Phong), Phú Hòa (Lương Tài). Hoạt động tích cực của các cấp hội đã góp phần vào việc giảm tải bệnh nhân cho y tế tuyến trên, đỡ tốn kém kinh phí cho người bệnh, tạo sự bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
   Về hoạt động từ thiện, trong hai nhiệm kỳ (1998-2008), hội đã khám và cấp thuốc miễn phí cho gần 30.000 lượt người; riêng trong 2 năm 2009-2010 toàn hội thực hiện khám và cấp thuốc miễn phí cho hơn 12.000 lượt người với giá trị gần 140 triệu đồng. Từ năm 2009-2013, toàn hội đã khám, chữa bệnh cho 1.142.570 lượt bệnh nhân, trong đó có 182.840 bệnh nhân điều trị không dùng thuốc. BS Hạ Bá Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y nhớ lại: Những năm 2009-2010, hội còn khó khăn mọi bề. Cơ sở vật chất hầu như không có, trụ sở làm việc ở nhờ vô cùng chật chội, nhân lực ít ỏi nên các hoạt động cũng rất khiêm tốn. Rồi anh em động viên nhau cố gắng khắc phục từng bước một. Cứ làm và làm rồi sẽ được ghi nhận…
   Đáng chú ý là từ tháng 11-2011 trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, nhưng Phòng chẩn trị Đông y tại Trạm Y tế phường Tiền An đã triển khai khám chữa bệnh trung bình mỗi tháng cơ sở thực hiện điều trị cho hàng trăm lượt bệnh nhân trong và ngoài tỉnh được người bệnh và nhân dân đánh giá cao. Trụ sở mới hiện nay của Hội Đông y được chuyển về số 215 đường Ngô Gia Tự (thành phố Bắc Ninh) đã khang trang hơn rất nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi để hội phát triển chuyên môn. Bệnh nhân Nguyễn Hoàng Vũ, 12 tuổi ở phường Suối Hoa bị liệt 7 ngoại biên, biểu hiện tình trạng bệnh là mắt nhắm không kín, méo miệng… Sau quá trình điều trị vật lý trị liệu, sức khỏe em đã khá hơn rất nhiều. Bệnh nhân Nguyễn Văn Quyền, 31 tuổi ở Võ Cường (thành phố Bắc Ninh) cho biết: Tôi bị viêm đại tràng mãn tính nhiều năm nay. Cũng đã điều trị, uống thuốc nhiều nơi nhưng bệnh chưa dứt hẳn. Được người quen giới thiệu tôi đến Phòng chẩn trị Đông y điều trị đều đặn gần 1 tháng nay. Tôi được các cán bộ bắt mạch, châm cứu và dùng thuốc Đông y. Đến nay, thấy sức khỏe được cải thiện, những cơn đau cũng giảm dần…
   Song song với hoạt động khám chữa bệnh, Hội Đông y còn rất tích cực tham gia vào công tác kế thừa, nghiên cứu khoa học, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn. Với mục đích nâng cao kiến thức học thuật, tay nghề, xây dựng đội ngũ hội viên giỏi về y thuật, sáng về y đức, Tỉnh hội duy trì đều đặn lớp bồi dưỡng đông y cơ bản 9 tháng với số học viên thường xuyên trên 20 người/lớp. Mỗi năm, hội đều tổ chức nhiều đợt tập huấn với các chuyên đề phong phú về đông y. Cuốn tập san “Đông y Bắc Ninh” xuất bản đều đặn là địa chỉ để các hội viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, giáo dục, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước trong hành nghề Y học cổ truyền.
   Thật khó có thể kể hết những đóng góp của hội, của những cán bộ đã gắn bó với công tác hội phục vụ cho sự nghiệp CSSK nhân dân tỉnh nhà và cũng thật khó có thể liệt kê đầy đủ những khó khăn mà hội đã từng trải qua nhưng rõ ràng hoạt động của Hội Đông y những năm qua thể hiện rõ quyết tâm trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo tồn tinh hoa y học cổ truyền. Từ những thành quả ấy, từng hội viên của Hội Đông y đều luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc trau dồi y đức, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, sát cánh với ngành Y tế tham gia cứu chữa, chăm sóc người bệnh ngay tại cơ sở.
Lê Hồng
 
Sở Y Tế
Source: BBN