bn-current-user-online-portlet

Online : 3730
Total visited : 151108687

17 tỉnh chi vượt nguồn kinh phí khám chữa bệnh

29/03/2018 08:19 View Count: 107
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đến hết tháng 02/2018, đã có 17 tỉnh chi vượt nguồn kinh phí khám chữa bệnh (KCB) dự toán trong kỳ trên 20%.

17 tỉnh chi vượt nguồn

BHXH Việt Nam cho biết tính đến 21/03/2018, theo số liệu trên Hệ thống giám định, đã tiếp nhận 33,48 triệu lượt khám chữa bệnh; chi phí đề nghị thanh toán là 16.462 tỷ đồng so với cùng kỳ 2017 số lượt KCB tăng 14,59%; chi KCB BHYT tăng 18,69%.

Theo ông Đàm Hiếu Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắcđến hết tháng 02/2018, có 17 tỉnh chi vượt nguồn kinh phí KCB dự toán trong kỳ trên 20%, như: Quảng Ninh 31,9%; Bình Dương: 31,8%; Cần Thơ 31,1%; Đồng Tháp 31,1%; Khánh Hòa 30,1%.

Phân tích về số lượt KCB, ông Trung chỉ rõ, so với năm 2017, số lượt KCB gia tăng cao nhất tại tuyến huyện với 12,8 triệu lượt tăng 17,9%; Tuyến tỉnh: 15,7%; Tuyến TW 5%. Tuy nhiên về chi phí KBCB gia tăng cao nhất là tại tuyến tỉnh với 1.209 tỷ đồng tăng 20,12%. Tại tuyến Huyện: 22,7%, 727 tỷ đồng và tuyến TW 3,6% với 79 tỷ đồng.

Về tỷ lệ vào điều trị nội trú, có 84 bệnh viện đa khoa tuyến huyện có tỷ lệ vào điều trị nội trú bất thường trên 40%, trong khi đó tỷ lệ toàn quốc tuyến huyện là 9,0%. Một số ví dụ cụ thể được đại diện BHXH nêu ra như bệnh viện đa khoa huyện Xín Mần (Hà Giang) có tỷ lệ vào điều trị nội trú là 54%; Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn (53%); Bệnh viện đa khoa Nà Chì (49%); Bệnh viện đa khoa KV huyện Hoàng Su Phì (48%)...

130 bệnh viện đa khoa có tỷ lệ gia tăng chi bình quân nội trú tăng cao (chỉ số chung toàn quốc: 0,1%). 107 bệnh viện đa khoa có tỷ lệ gia tăng chi bình quân ngoại trú tăng cao (chỉ số chung toàn quốc: 5,68%); 17 tung tâm y tế có tỷ lệ gia tăng chi bình quân ngoại trú tăng cao (chỉ số chung toàn quốc: 7,43%). Bên cạnh đó, có 1.357 trạm y tế xã có tỷ lệ gia tăng chi phí cao so với bình quân chung toàn quốc 17.74%.

Về tình hình liên thông dữ liệu trong 3 tháng đầu năm 2018, theo thống kê của Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, nhiều cơ sở KCB chưa thực hiện liên thông dữ liệu hàng ngày, nhiều bệnh viện tại các thành phố lớn Hà Nội, Hồ Chí Minh chỉ gửi dữ liệu đề nghị thanh toán vào cuối tháng. Trong tháng 2/2018, một số cơ sở KCB có chi phí KCB lớn tại Hà Nội, Hồ Chí Minh gửi dữ liệu thiếu so với thực tế phát sinh, có bệnh viện dữ liệu gửi chỉ đạt khoảng 40% so với thực tế phát sinh.

Cần giải pháp chặt chẽ để đảm bảo dự toán

Đánh giá về việc chi KCB BHYT trong quý 1/2018, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban, phụ trách Ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm Y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho rằng với con số chi KCB BHYT tăng như trong quý I/2018, nếu không có giải pháp chặt chẽ ngay từ đầu năm sẽ khó đảm bảo được dự toán Chính phủ giao.

Theo ông Lê Văn Phúc, quy định hiện hành về giá dịch vụ y tế thuộc diện thanh toán bảo hiểm y tế đang có một số bất cập. Ví dụ có một số dịch vụ y tế được định giá quá cao, điển hình là chi phí tiền giường bệnh. Hiện chi phí tiền giường bệnh được xây dựng trên cơ sở 1 giường có từ 1-1,3 nhân viên y tế, nhưng thực tế nhiều bệnh viện chỉ đạt 1 giường có từ 0,4-0,7 nhân viên y tế; một số loại trang bị tính vào chi phí tiền giường nhưng giờ không còn dùng nữa, hoặc không được trang bị như tiền màn, tiền nước, máy hút ẩm... Theo đó, cần điều chỉnh giá dịch vụ y tế về mức sát nhất, trên cơ sở khảo sát thực tế tại các bệnh viện. Dự kiến, thông tư về giá dịch vụ y tế mới sẽ có trong tháng 5 tới.

Ngoài ra, theo đại diện BHXH Việt Nam, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng thông tư đấu thầu thuốc và vật tư y tế tập trung cấp quốc gia. Ông Phúc kỳ vọng với đấu thầu tập trung sẽ ngăn chặn được tình trạng mỗi địa phương đấu thầu 1 giá như hiện nay, đặc biệt mức chênh lệch giữa các địa phương quá lớn với cùng 1 thiết bị, 1 loại thuốc.

Trước đó, tại phiên họp quý I/2018 của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Y tế tính toán kỹ việc điều chỉnh bước 3 giá dịch vụ y tế, tránh việc tăng đột biến giá dịch vụ y tế, bảo đảm cân đối Quỹ BHYT và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong tháng 4, Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 105/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật BHYT và trong tháng 5 sửa xong Thông tư 37 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Nghiên cứu ban hành các thông tư liên quan tới đấu thầu thuốc và quản lý vật tư y tế, xem xét đấu thầu thuốc có biệt dược gốc hoặc có generic thay thế, tiến tới đấu thầu vật tư y tế trong các bệnh viện, kể cả bệnh viện trong khối lực lượng vũ trang.

Một thông tin đáng chú ý được đại diện BHXH Việt Nam đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ BHXH, BHYT tháng 3/2018 là cơ quan này sẽ tăng cường kiểm tra thanh toán tại cơ sở KCB. Cụ thể danh sách hơn 200 cơ sở y tế, thuộc 40 tỉnh thành đã được BHXH Việt Nam cung cấp cho Kiểm toán Nhà nước để kiểm toán chi phí BHYT trong năm 2018.

“Với các chính sách đồng bộ nói trên, hy vọng sẽ kiểm soát tốt chi phí KCB BHYT”, ông Lê Văn Phúc nói.

Theo BHXH Việt Nam, ước hết tháng 3 số chi KCB BHYT chiếm 23% trên tổng dự toán chi KCB BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao. Cân đối thu chi 2 tháng đầu năm, quỹ BHYT đã chi trả cho 24,775 triệu lượt KCB trong đó số lượt ngoại trú chiếm 91%, nội trú chiếm 9%, với tổng số tiền là 12.577 tỷ đồng vượt khoảng 18% quỹ KCB BHYT được sử dụng, trong đó số chi ngoại trú chiếm khoảng 40,3%, số chi nội trú chiếm khoảng 59,7%.

Trọng Tiến
Source: Tổng hợp