bn-current-user-online-portlet

Online : 2838
Total visited : 150723106

Đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

05/09/2024 10:17 View Count: 14

Để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ trong nước và xâm nhập, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát diện rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Sở Y tế đã có văn bản gửi các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai các biện pháp ph òng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Sở Y tế đền nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan liên quan trong việc phòng, chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ lây nhiễm cao với bệnh Đậu mùa khỉ.

Đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh; Ban Quản lý các Khu công nghiệp phối hợp theo dõi tình trạng sức khỏe của khách du lịch, người nước ngoài, công nhân khi đến tỉnh du lịch, làm việc; thông báo cho cơ quan Y tế các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ.

Sở Y tế đề nghị Sở thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để người dân chủ động, tích cực thực hiện phòng, chống dịch bệnh; khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.


 

Với các Sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, đề nghị các đơn vị chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho thành viên, hội viên các cấp về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế; phối hợp với ngành Y tế và các sở, ngành tỉnh có liên quan chỉ đạo tổ chức, triển khai vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và cộng đồng dân cư áp dụng các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm tại hộ gia đình và cộng đồng.

Riêng với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Sở Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện phối hợp với ngành Y tế triển khai tốt các hoạt động về kiểm soát và phòng, chống bệnh truyền nhiễm Đậu mùa khỉ nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và tập trung xử lý triệt để ngay từ trường hợp mắc bệnh đầu tiên, khống chế không để dịch bùng phát, lan rộng.

Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, bệnh có thể xảy ra ở một số động vật bao gồm cả con người. Các triệu chứng bắt đầu bằng sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch và cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng theo sau là phát ban hình thành mụn nước và lớp vỏ ngoài. Bệnh đang được ghi nhận số ca mắc cao bất thường tại một số nước châu Phi. Trước diễn biến dịch đậu mùa khỉ phức tạp và có nguy cơ lây lan rộng sang các quốc gia trên toàn thế giới, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Tại Việt Nam, trong 2 năm (2023-2024) ghi nhận 199 ca đậu mùa khỉ, trong đó có 8 ca tử vong. Thành phố Hồ Chí Minh được ghi nhận có số ca mắc cao nhất tại khu vực phía Nam, với 156 ca, 06 ca tử vong. Riêng năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh có 49 ca, không có ca tử vong.

Vì vậy, khuyến cáo người dân cần chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ như giữ gìn vệ sinh nhà cửa, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ/mắc bệnh, động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ thì khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Lê Hồng