Để phim ảnh dẫn lối đưa du lịch Bắc Ninh vươn xa
Lợi thế về cảnh quan không gian, tài nguyên di sản văn hóa đặc sắc của Bắc Ninh chính là chất liệu quý cho các nhà làm phim lựa chọn xây dựng bối cảnh và sản xuất những bộ phim hấp dẫn. Song để khai thác hiệu quả du lịch thông qua phim ảnh, Bắc Ninh cần có cơ chế hợp tác liên kết chặt chẽ, nhịp nhàng giữa địa phương, doanh nghiệp du lịch với các đoàn làm phim...
Cây Cô đơn trên đê sông Cầu (phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) - một khung cảnh đậm chất thơ được chọn làm bối cảnh trong nhiều phim truyền hình phát sóng giờ vàng như: Mùa hoa tìm lại (2021), Những nẻo đường gần xa (2024)... Nhờ những góc máy chuyên nghiệp từ phim ảnh đã làm nổi bật vẻ đẹp mộc mạc, giản dị đậm chất nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ khiến địa điểm này thu hút đông du khách đến tham quan, check-in. Không chỉ có Cây cô đơn, Bắc Ninh còn nhiều địa điểm khác từng “lọt mắt xanh” của các đạo diễn, nhà quay phim khi lựa chọn bối cảnh như: Ngã ba sông với gốc gạo già ở Tam Giang (Yên Phong), làng Diềm (thành phố Bắc Ninh), núi Thiên Thai (Gia Bình); hoặc những di tích lịch sử văn hóa cổ kính, kiến trúc độc đáo như: Đình Đình Bảng, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích... Ngoài không gian bối cảnh phim, những câu chuyện gắn với đất và người Bắc Ninh-Kinh Bắc cũng là chất liệu mới mẻ, thú vị cho các nhà làm phim khai thác sản xuất những bộ phim ăn khách... Trong hoạt động xúc tiến quảng bá tiềm năng du lịch và tài nguyên di sản văn hóa thời gian qua, Bắc Ninh chủ trương mở rộng đa dạng kênh truyền thông, tăng cường hợp tác quảng bá du lịch trên các hãng hàng không quốc gia, quốc tế; khuyến khích, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn về phát triển du lịch. Cuối năm 2022, Bắc Ninh đón tiếp Đoàn đại biểu Liên hoan phim quốc tế tại Hà Nội (HANIFF VI) đến tham quan Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ. Tại đây, hơn 200 nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên điện ảnh được giao lưu với nghệ nhân và trải nghiệm nghề làm tranh dân gian Đông Hồ; thưởng thức các loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc như: múa rối nước Đồng Ngư, hát Trống quân; tìm hiểu các làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu như: gốm Phù Lãng (Quế Võ), đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai (Gia Bình), mây tre đan Xuân Hội (Tiên Du)...
Đoàn làm phim “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” quay tại di tích đình Đình Bảng (thành phố Từ Sơn).
Chia sẻ ấn tượng với những bức tranh dân gian Đông Hồ đặc sắc, chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị về đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, nữ đạo diễn người Hàn Quốc Ji Un Choi bày tỏ: Tôi đặc biệt bị kích thích và tò mò về bức tranh Đám cưới chuột. Câu chuyện trong bức tranh gợi cho tôi ý tưởng về một bộ phim mới và hy vọng sẽ được quay trở lại Bắc Ninh để khám phá những nét văn hóa bản địa, tìm kiếm thu thập chất liệu cho việc làm phim sau này. Song song với việc thu hút các nhà sản xuất, nhà làm phim, tỉnh Bắc Ninh dành nhiều nguồn lực, quan tâm đầu tư, chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị tổ chức sản xuất phim tư liệu, phim truyện truyền hình về truyền thống văn hiến cách mạng của quê hương, tiêu biểu là: Phim truyện truyền hình “Bình minh phía trước” về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ; phim hoạt hình giáo dục lịch sử “Danh nhân Kinh Bắc”; phim truyện truyền hình “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng”... Tỉnh còn chỉ đạo tăng cường liên doanh, liên kết sản xuất các chương trình phim tài liệu về văn hóa, lịch sử, con người Bắc Ninh với truyền thống đấu tranh cách mạng và quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại; phim tuyên truyền về ATGT, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội; phim về bạo lực gia đình, ma túy học đường; phim quảng bá du lịch Bắc Ninh và phát hành các phiên bản đĩa DVD ca nhạc, DVD Dân ca Quan họ Bắc Ninh… Qua đó, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Bắc Ninh-Kinh Bắc với công chúng trong và ngoài nước. Việc sử dụng điện ảnh làm tăng sức hấp dẫn, quảng bá du lịch là câu chuyện không mới đối với nhiều quốc gia, nhiều địa phương trong nước. Giới chuyên gia nghiên cứu về công nghiệp văn hóa nhận định, hợp tác giữa du lịch và điện ảnh là mối quan hệ “Win-Win” đôi bên cùng có lợi, vừa mở rộng thị trường ra thế giới, tạo điều kiện cho du lịch vươn xa, vừa cung cấp thông tin, bối cảnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn làm phim. Điện ảnh là nghệ thuật thứ 7, có sức hút rất lớn, chỉ cần một cảnh quay ấn tượng có thể để lại cảm xúc khó phai đối với người xem nên quảng bá du lịch qua phim ảnh là phương thức hiệu quả. Ở Bắc Ninh, tiềm năng du lịch hầu như chưa được các nhà làm phim “đánh thức” và khai thác. Việc quảng bá điểm đến thông qua phim ảnh vẫn manh nha dừng lại ở một vài ví dụ nhỏ lẻ, rất mờ nhạt. Hy vọng, giai đoạn tới, vẻ đẹp vùng đất văn hóa, con người Bắc Ninh-Kinh Bắc sẽ được nhiều nhà làm phim khai thác sáng tạo để có nhiều cảnh quay đẹp mắt, lưu lại những thước phim chạm đến cảm xúc khán giả, góp phần đưa du lịch Bắc Ninh vươn xa.