Quy định pháp luật Việt Nam về tảo hôn

05/01/2024 15:17 View Count: 135

Hiện nay tình trạng tảo hôn đã và đang diễn ra khá phổ biến ở các vùng miền khác nhau trên cả nước. Ở Việt Nam giai đoạn gần đây, nạn tảo hôn đang được biết đến là một thực trạng nhức nhối và hết sức phức tạp, phần lớn sẽ diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực trạng tảo hôn diễn ra đã để lại rất nhiều hệ lụy, kìm hãm sự phát triển của kinh tế cũng như của xã hội của đất nước.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 8 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng, khi một bên hoặc hai bên chưa đủ tuổi kết hôn, cụ thể là nam từ 20 tuổi, nữ từ 18 tuổi trở lên. Hành vi tảo hôn là hành vi bị cấm theo quy định pháp luật hôn nhân gia đình. Những hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn của các chủ thể trong giai đoạn hiện nay đều bị coi là các hành vi vi phạm quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý tùy vào từng trường hợp cụ thể mà sẽ áp dụng các mức phạt khác nhau.

Thứ nhất là xử phạt hành chính. Tại Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì mức phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn  như sau: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.”, “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”. Như vậy, đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn trong trường hợp trên có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Nhiều người vẫn nghĩ tảo hôn và tổ chức tảo hôn chỉ bị xử phạt hành chính như phân tích ở trên, nhưng ngoài xử phạt hành chính thì các hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn cũng sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

 Căn cứ tại Điều 183 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội tổ chức tảo hôn: “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.”. Đồng thời việc giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi bị phạt tù từ 01 đến 05 năm tùy từng tính chất của hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 145 BLHS 2015.

Thực tế có không ít vụ tảo hôn, tổ chức tảo hôn đã bị bắt và xử phạt hình sự. Một vụ tảo hôn điển hình và rất đau xót đã bị cơ quan chức năng điều tra và khởi tố tại Sóc Tăng với mức phạt lên tới 7 năm tù giam là một ví dụ. Ngày 31 tháng 7, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Danh Hoàng Sơn 17 tuổi ở huyện Mỹ Xuyên 7 năm tù về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, nạn nhân là em L.T.N.P 12 tuổi ở ấp Tâm Phước xã Đại Tâm huyện Mỹ Xuyên. Theo cáo trạng, dù mới 12 tuổi nhưng P đã có quan hệ tình cảm yêu đương với bị cáo Sơn trong thời gian dài, cả hai đã quan hệ tình dục với nhau, sau đó vài ngày thì P qua nhà Bị cáo Sơn và cả hai sống chung như vợ chồng với nhau. Ngày 15.1, ông ngoại của Sơn làm lễ để Sơn và P. ra mắt họ hàng hai họ. Hay tin chính quyền xã Đại Tâm đã đến lập biên bản vụ việc và chuyển Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng để điều tra, làm rõ. Qua điều tra, công an xác định Sơn có hành vi “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” nên khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam. Với vụ việc này được xem như một lời cảnh tỉnh cho tất cả các em nam, nữ chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật mà đã nảy sinh quan hệ tình cảm với nhau cũng như các bậc phụ huynh, đây cũng là hậu quả của việc không hiểu biết Luật hoặc hiểu biết đang còn kém, đặc biệt ở vùng núi, vùng xa. Với những trường hợp như trên khi bị xử lý theo quy định pháp luật bạn nam có thể bị đi tù còn bạn nữ trong thời gian có con sẽ phải một mình chăm sóc, nuôi dưỡng, từ đó kéo theo rất nhiều hệ lụy về sức khỏe, kinh tế, học hành,..

Thật ra trong thực tiễn vẫn còn rất nhiều vụ tảo hôn như vậy, nhưng nếu không ai tố giác, tố cáo hoặc chính quyền địa phương không phát hiện, can thiệp thì nhiều nơi vẫn sẽ nghĩ tảo hôn không vi phạm pháp luật và tiếp tục tái diễn ở mọi lúc, mọi nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của các trẻ em gái dưới 15 tuổi. Đồng thời khi trẻ em kết hôn sớm thì sẽ ít được tiếp xúc với việc học hành, cản trở và làm mất đi các cơ hội tiếp thu những nền giáo dục hiện đại và tiên tiến. Trách nhiệm trong vấn đề này không chỉ ở bản thân các trẻ em mà còn ở chính phụ huynh. Việc quản lý con em chưa được quan tâm, chú trọng sát sao, nhiều gia đình có sự buông lỏng con cái, nhiều gia đình thậm chí còn biết rõ việc tảo hôn là trái quy định pháp luật nhưng vì thương con, vì phong tục và vì chính sĩ diện của gia đình mà vẫn tổ chức. Bên cạnh đó, công tác quản lý học sinh tại các trường Trung học phổ thông, Phổ thông dân tộc nội trú giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ; sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử, thiếu kinh nghiệm giới tính…đã ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, nên xảy ra những trường hợp mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn diễn ra phổ biến.

Với tình trạng tảo hôn như đã phân tích ở trên thì đây là vấn đề xã hội khá phức tạp, là một trong những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước, do vậy cần có những giải pháp được đưa ra để giảm thiểu nạn tảo hôn ở nước ta như: Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về luật hôn nhân, gia đình, thực thi các chính sách xóa đói, giảm nghèo, giáo dục nâng cao dân trí, đặc biệt ở các vùng khó khăn, xa xôi, hẻo lánh, đồng thời các cấp chính quyền cũng cần vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở các địa phương. Các bậc phụ huynh, gia đình nên dành sự quan tâm và giáo dục con cái, tránh tình trạng cha mẹ bỏ bê, buông lỏng từ đó mà dẫn đến việc con cái sa vào những lối sống hư hỏng, ảnh hưởng đến nhận thức và tư duy của bản thân.

Nguyễn Văn Hải