Kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh

25/04/2024 10:01 View Count: 24

I. Tình hình phổ biến, quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện:

1. Công tác phổ biến, tuyên truyền

Thực hiện Nghị quyết số 52 NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch hành động số 313/KH-UBND ngày 08/6/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Tư pháp đã triển khai và giao cho các phòng, đơn vị trực thuộc Sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết để triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện; Đồng thời, hàng năm xây dựng kế hoạch, chương trình công tác liên quan đến các các nhiệm vụ phát triển công nghệ thông tin của Sở.

Chủ động quán triệt, tuyên truyền nội dung của Nghị quyết đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép phổ biến nội dung Nghị quyết trong các buổi họp của cơ quan, chi bộ; gửi văn bản trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; giới thiệu, tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết trên Cổng thông tin điện tử của Sở.

2. Xây dựng các văn bản triển khai thực hiện

Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát, đề nghị UBND tỉnh kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương như: Luật Hộ tịch, Luật Quốc tịch, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Công chứng…. và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng cắt giảm thành phần hồ sơ đối với các thủ tục có yêu cầu sổ hộ khẩu; đồng thời, căn cứ các Quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố danh mục TTHC mới ban hành; TTHC được sửa đổi, bổ sung; TTHC bị bãi bỏ trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Tư pháp, trong đó bỏ sổ hộ khẩu trong các thủ tục có thành phần hồ sơ yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu.

Nhằm khuyến khích người dân thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, thực  hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo tinh thần của Đề án 06, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết giảm phí, lệ phí cho người dân khi đăng ký TTHC trực tuyến; hỗ trợ cho công chức tư pháp trực tiếp tạo lập tài khoản cho công dân bằng số định danh cá nhân khi thực hiện chứng thực điện tử, gồm:

- Nghị quyết số 13/2022/NQ-HDND ngày 09/12/2022 quy định mức thu lệ phí hộ tịch, trong đó có quy định giảm 50% lệ phí đối với các trường hợp đăng ký hộ tịch trực tuyến;

- Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 12/4/2023 quy định chế độ bồi dưỡng đối với công chức thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, theo đó, hỗ trợ 20.000đ/lần cho công chức tư pháp trực tiếp tạo lập tài khoản cho công dân bằng số định danh cá nhân khi thực hiện chứng thực điện tử.

- Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 về quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí đăng ký biện pháp bảo đảm, phí cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh trong đó quy định giảm mức phí khi thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến.

II. Kết quả triển khai thực hiện:

1. Phát triển hạ tầng kỹ thuật

Hiện tại, Sở Tư pháp trang bị đầy đủ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo tốt nhu cầu giải quyết nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cụ thể là:  

- Trang bị 02 máy chủ (sever) và 09 bộ phát wifi không dây TP-Link;  29 máy tính để bàn và 04 máy tính xách tay hiện đang được sử dụng. đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính cá nhân để làm việc; Hệ thống họp trực tuyến nội tỉnh được trang bị tại Hội trường tầng 3 Sở. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trang bị máy tính cá nhân cho toàn thể cán bộ trong cơ quan đảm bảo phục vụ tốt công tác; 15 thiết bị ký số dành  cho cá nhân và 05 thiết bị ký số của tổ chức để ký số văn bản do Sở ban hành.

- Toàn bộ máy tính cá nhân đều được kết nối internet tốc độ cao đảm bảo cho việc nhận, chuyển và sử dụng hồ sơ công việc điện tử, đáp ứng tốt nhu cầu công tác.

- Mạng Lan/Wan nội bộ của cơ quan thường xuyên được kiểm tra, khắc phục sự cố đường truyền, đảm bảo đường truyền số liệu luôn ổn định để khai tác tài liệu, tài nguyên mạng của cán bộ công chức, viên chức.

- Sở đang sử dụng 01 máy chủ Hệ thống phần mềm tự động hóa công tác xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp đã được chuyển đổi sử dụng máy chủ ảo tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông hiện đang quản lý.

2. Phát triển các hệ thống chuyên ngành 

2.1.Việc triển khai thực hiện số hóa sổ hộ tịch.

Thực hiện Kế hoạch triển khai xây dựng, thực hiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh; nhằm từng bước xây dựng và tạo lập dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đảm bảo triển khai áp dụng thống nhất, có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trên phạm vi toàn quốc và đồng bộ các thông tin cơ bản của cá nhân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo yêu cầu của pháp luật về hộ tịch, Sở Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành chuyển đổi, số hóa các dữ liệu hộ tịch trong sổ giấy vào Hệ thống quản lý hộ tịch điện tử.

Việc số hóa hiện đã hoàn thành 2/3 số lượng dữ liệu hộ tịch (gồm: 5.736 quyển sổ và 766.700 dữ liệu), còn lại 1/3 dữ liệu (gồm 3.480 quyển sổ và 443.008 dữ liệu), Sở Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị liên quan trình cấp có thẩm quyền và sẽ triển khai thực hiện ngay sau khi được phê duyệt, đảm bảo đến năm 2025, 100% dữ liệu hộ tịch trên địa bàn được số hóa theo lộ trình được giao tại Đề án của Bộ Tư pháp và Kế hoạch của UBND tỉnh.

2.2. Việc kết nối, tích hợp các phần mềm.

Để thuận tiện cho việc giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp tiến hành kết nối, liên thông dữ liệu giữa Hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Bắc Ninh và Phần mềm đăng ký, quản lý Hộ tịch điện tử dùng chung, Phần mềm quản lý Lý lịch tư pháp của Bộ Tư Pháp, đảm bảo các việc đăng ký hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp được hoàn toàn xử lý trên hệ thống điện tử.

2.3. Việc triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến

Theo quy định của Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được triển khai kịp thời; Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp tiến hành kết nối, liên thông dữ liệu giữa Hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Bắc Ninh và Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, đảm bảo 100% các việc đăng ký hộ tịch được hoàn toàn xử lý trên hệ thống điện tử.

Các việc hộ tịch đăng ký trực tuyến ngày càng tăng, đến nay có 28.813 việc hộ tịch được đăng ký trực tuyến.

2.4. Việc thực hiện liên thông 2 nhóm TTHC.

Thực hiện Công văn số 4096/VPCP-KSTT ngày 05/6/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ triển khai 02 nhóm TTHC liên thông: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng và Công văn số 2721/BTP-HTQTCT ngày 30/6/2023 của Bộ Tư pháp về việc cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử phục vụ thực hiện liên thông TTHC; Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2216/KH-UBND ngày 07/7/2023 về việc tổ chức tập huấn và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện hai nhóm TTHC liên thông cho 270 cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch tham gia vào quy trình giải quyết hai nhóm TTHC liên thông; Tiến hành tạo tài khoản trên Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử cho người có thẩm quyền ký giấy tờ hộ tịch (Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã), cán bộ tư pháp- hộ tịch và cán bộ văn thư của 126 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tổng số tài khoản lập mới là 513 tài khoản.

Việc triển khai liên thông các TTHC trên cổng Dịch vụ công quốc gia đã giúp người dân chỉ phải nộp hồ sơ 1 lần nhưng giải quyết được cả 3 TTHC, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

2.5. Việc rà soát, dối chiếu dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để bảo đảm dữ liệu đầy đủ, chính xác, thống nhất giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo Đề án 06 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch cấp huyện, cấp xã phối hợp với cơ quan công an thực hiện rà soát, đối chiếu dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kiểm tra, xác minh, xử lý đối với những trường hợp dữ liệu hộ tịch có sai xót trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn tại Quy trình số 1050/HTQTCT-QLHC ngày 09/11/2022 giữa Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực- Bộ Tư pháp và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06)- Bộ Công an về việc thực hiện đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo dữ liệu sống, sạch, đủ.

2.6. Về việc triển khai mô hình thí điểm 6, 17.

- Mô hình 06 về triển khai sử dụng CCCD gắn chíp, VNeID tại các điểm công chứng, chứng thực:

Sở Tư pháp chỉ định triển khai thí điểm tại Phòng Công chứng số 1 và đã có báo cáo đánh giá kết quả triển khai tại công văn số 1091/STP-HCBTTP ngày 17/11/2023.

- Về Mô hình số 17 về thông tin Lý lịch tư pháp trên VneID: Sở Tư pháp đã phối hợp triển khai theo tiến độ của Tổ công tác.

III. Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới

- Tiếp tục xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hằng năm gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, tham mưu báo cáo UBND tỉnh;

- Tăng cường sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin hiện có để nâng cao hiệu quả công việc; tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, các cấp; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh việc dùng chung đối với cơ sở hạ tầng và các ứng dụng công nghệ thông tin;

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các Doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin triển khai phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp các dịch vụ đảm bảo chất lượng tốt nhất trong phạm vi quản lý nhà nước của Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh;

- Chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư hằng năm và theo từng giai đoạn dành cho dự án Số hóa Sổ hộ tịch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Tiến hành xây dựng phần mềm Quản lý hợp đồng Công chứng và dữ liệu ngăn chặn theo Quy định của Điều 62 Luật Công chứng năm 2014.