Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW và triển khai Kết luận số 96- KL/TW của Ban Bí thư

28/08/2014 02:41 View Count: 67
Ngày 2/7, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 05-6-2008, của Ban Bí thư (khóa X) về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”. Tại điểm cầu Bắc Ninh, các đồng chí: Nguyễn Thị Hà, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Lương Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự.
Đ/c Nguyễn Thị Hà, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại điểm cầu Bắc Ninh.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư (khoá X) về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trung bình mỗi năm cả nước đào tạo được khoảng 1,7 triệu lao động, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên. Qua đó góp phần nâng cao hiệu suất lao động, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Từ năm 2008 – 2012, tiền lương thực tế của công chức, viên chức bình quân tăng mỗi năm 12,5%, tiền lương của người lao động tăng bình quân hàng năm từ 15 – 17%. Công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra thực thi pháp luật được tăng cường, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Quan hệ lao động có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tranh chấp lao động và đình công có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế và khách quan vẫn còn không ít mặt hạn chế còn tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới, đó là: Tỷ lệ người lao động qua đào tạo còn thấp, trình độ lý luận chính trị, trình độ văn hoá, tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân còn nhiều hạn chế; đời sống của người lao động nhìn chung vẫn còn khó khăn, thu nhập, tiền lương còn thấp; vai trò của tổ chức đại diện người sử dụng lao động hoạt động chưa thật sự hiệu quả…

Trên cơ sở kết quả đạt được và cả những hạn chế cần khắc phục, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) đã thảo luận và đưa ra Kết luận số 96/-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư (khoá X) về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, trong đó có một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Đổi mới phương thức học tập, quán triệt, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về quan hệ lao động trong doanh nghiệp; kiện toàn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lao động; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách pháp luật về việc làm, bảo hiểm xã hội, dạy nghề, tiền lương tối thiểu; nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức đại diện người sử dụng lao động…
 
Các ý kiến tham luận tại hội nghị tập trung phân tích và chỉ rõ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, như: Nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong giải quyết mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động ở một số tỉnh, thành phố; quy định chặt chẽ về mặt pháp lý, có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với tổ chức đại diện người sử dụng lao động, cũng như công đoàn cơ sở…
 
Kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ về quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, tích cực xây dựng mối quan hệ này một cách hiệu quả. Các địa phương tăng cường củng cố, phát huy vai trò của tổ chức đảng, công đoàn trong doanh nghiệp; kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thực hiện pháp luật lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động trong doanh nghiệp; huy động nhiều nguồn lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; quan tâm phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố tích cực trong doanh nghiệp để kết nạp vào Đảng, nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn, đoàn thể trong các doanh nghiệp;  phát huy dân chủ trong doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và chủ dụng lao động; tuyên truyền để chủ doanh nghiệp quan tâm tốt hơn đến điều kiện sống, làm việc của người lao động góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng bền vững.
 
Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh ngoài những nhiệm vụ Ban Bí thư quán triệt, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường phối hợp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18 của Tỉnh ủy về “Phát triển công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân và Nghị quyết số 10/NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển đảng viên và thành lập tổ chức Đảng ở các loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh”; đẩy mạnh các hoạt động tham vấn, đối thoại, rà soát, bổ sung các chính sách đặc thù của tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ; củng cố và duy trì hoạt động các tổ hòa giải và trọng tài theo quy định của pháp luật về lao động; đổi mới nội dung phương thức hoạt động của các chi bộ đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp…
 

 

Nguyễn Thị Nga
Source: BBN