Chuyển đổi số một cách tổng thể, xuyên suốt, toàn diện, bao trùm, liên thông nhưng có trọng tâm trọng điểm

20/10/2023 17:55 View Count: 197

Sáng 10/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2023, với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị". Chương trình do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

 

Dự chương trình còn có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp và các trường đại học, học viện.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 

 

Tạo lập và khai thác dữ liệu số đã đạt được nhiều kết quả tích cực

Năm 2023 có chủ đề là Năm Dữ liệu số quốc gia, do vậy, trong thời gian qua, việc tạo lập và khai thác dữ liệu số đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng trân trọng như trong kết nối chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng dữ liệu số; số hóa dữ liệu.
Theo đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoạt động hiệu quả, năng lực phục vụ được tăng cường với 1,6 triệu giao dịch hàng ngày.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận gần 1,2 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin; Cơ sở dữ liệu quốc gia bảo hiểm đã xác thực thông tin trên 91 triệu nhân khẩu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cơ sở dữ liệu về hộ tịch điện tử đã có trên 45 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 9,2 triệu trẻ em được cấp Số định danh cá nhân.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương; đồng bộ trên 2,1 triệu dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (đạt tỉ lệ 95%).
Hệ thống thông tin của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối dữ liệu với 80 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đã chia sẻ dữ liệu thử nghiệm hàng ngày, hàng tháng từ các bộ, ngành cho 15 địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Tính tiên phong của các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel… trong triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, xây dựng nền tảng số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính, thanh toán và dịch vụ gia tăng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam thời gian qua.

 

 

Phát huy giá trị của dữ liệu số để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp của Ngày Chuyển đổi số quốc gia là "Chuyển đổi số một cách tổng thể, xuyên suốt, toàn diện, bao trùm, liên thông nhưng có trọng tâm trọng điểm; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc và cho chính người dân, doanh nghiệp là yếu tố quyết định bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số quốc gia".

Thủ tướng cho rằng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, đã trở thành phong trào, là xu thế đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên thế giới. Nhiều văn kiện và nghị quyết của Đảng đã đề cập sâu sắc về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược; xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia, với quan điểm dữ liệu số là tài nguyên quốc gia, là nền tảng của sự phát triển, chúng ta cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, phát huy giá trị của dữ liệu số trở thành nguồn lực quan trọng cho phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Chuyển đổi số quốc gia tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý, điều hành của Chính phủ; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; lối sống, làm việc và học tập của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, bao trùm, rộng khắp, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu để hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được phồn vinh, ấm no và hạnh phúc.
4 quan điểm chủ đạo trong chuyển đổi số
Thủ tướng nêu rõ 4 quan điểm chủ đạo trong chuyển đổi số nói chung và trong tạo lập, khai thác dữ liệu số.
Thứ nhất, có tầm nhìn chiến lược và đổi mới từ tư duy, nhận thức, hành động cho phù hợp điều kiện thực tiễn; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua; vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phấn đấu "đi sau về trước" trong chuyển đổi số.

Thứ hai, chuyển đổi số quốc gia phải triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng; tập trung vào 4 ưu tiên chính: (1) Ưu tiên phát triển dữ liệu số (dữ liệu số là tài nguyên quốc gia); (2) Ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với người dân, doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn; (3) Ưu tiên phát triển các nền tảng số (nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia); (4) Ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh con người.

Thứ ba, cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Thứ tư, phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tận dụng mọi nguồn lực nhằm phát triển mạnh hạ tầng số, nền tảng số nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nhiều dịch vụ số, tiện ích số. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; để người dân và doanh nghiệp hiểu, ủng hộ và tham gia tích cực.

An Như thực hiện

Source: BTP