bn-current-user-online-portlet

Online : 3543
Total visited : 151108199

Quy chế văn hóa công sở, văn hóa giao thông và chuẩn mực đạo đức, ứng xử của công chức, viên chức, người lao động Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh.

03/08/2023 15:06 View Count: 538

Nhằm nâng cao văn hóa công vụ, văn hóa giao thông góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc, chuẩn mực đạo đức của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động (cán bộ) của Sở. Đảm bảo tính trang nghiêm, phong cách giao tiếp ứng xử chuẩn mực của cán bộ khi thực hiện công vụ và hiệu quả hoạt động của Sở Tài chính. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ Sở Tài chính “Năng động, sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính” tinh thần phục vụ nhân dân làm nền tảng và làm căn cứ để đánh giá việc chấp hành các quy định của nhà nước trong việc thực hiện công vụ.

Ngày 01/8/2023, Sở Tài chính ban hành Quyết định số 113/QĐ-STC về Quy chế văn hóa công sở, văn hóa giao thông và chuẩn mực đạo đức, ứng xử của công chức, viên chức, người lao động Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh.

 Theo đó, tại Quyết định quy định cụ thể về mục đích; phạm vị đối tượng; nguyên tắc thực hiện; nội dung văn hóa công sở; bài trí công sở; chuẩn mực ứng xử, giao tiếp và chuẩn mực đạo đức lối sống của cán bộ và quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông. Cụ thể:

1. Về tinh thần thái độ làm việc tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Không gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan; có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc, chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không làm việc riêng trong giờ hành chính và giải quyết yêu cầu, công việc theo trình tự quy định.

Chấp hành nghiêm các quy định về việc phải làm và không được làm khi thi hành nhiệm vụ, công vụ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định của pháp luật có liên quan; chấp hành nghiêm nội quy, quy chế làm việc và các quy chế nội bộ của cơ quan.

2. Những việc cán bộ phải làm: Thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về nghĩa vụ của cán bộ theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định của pháp luật quy định.

Cán bộ phải chấp hành các quyết định của người quản lý trực tiếp khi thi hành nhiệm vụ, công vụ; khi thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền, cán bộ phát hiện quyết định đó trái pháp luật hoặc không phù hợp với thực tiễn thì phải báo ngay với người ra quyết định. Trong trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả gây ra do việc thực hiện quyết định đó. Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

3. Những việc cán bộ không được làm: Có thái độ hoặc hành vi quan liêu, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, hạch sách người dân; từ chối các yêu cầu đúng pháp luật của người cần được giải quyết phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; làm mất, hư hỏng hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu liên quan đến yêu cầu của tổ chức và công dân khi được giao nhiệm vụ giải quyết; làm lọt, lộ văn bản mật, bí mật Nhà nước, bí mật công tác và bí mật nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo của cơ quan và công dân theo quy định của pháp luật dưới mọi hình thức; phát tán tài liệu của cơ quan, nội dung công việc của cá nhân phụ trách lên các trang mạng xã hội hoặc bình luận lên trang cá nhân; không vu khống, xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo và đồng nghiệp không gây mất đoàn kết nội bộcác việc khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Quy định về việc chấp hành các quyết định khi thực thi nhiệm vụ, công vụ: Cán bộ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, thực thi nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền; chấp hành quyết định của cấp quản lý trực tiếp; phối hợp với cán bộ trong cùng phòng, đơn vị cùng cơ quan và cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có liên quan để thực hiện nhiệm vụ, công vụ có hiệu quả.

Trường hợp có quyết định của cấp trên, cấp quản lý trực tiếp thì phải thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền cao nhất, đồng thời có trách nhiệm báo cáo cấp quản lý trực tiếp của mình về việc thực hiện quyết định đó.

Nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ; tuyệt đối không xảy ra việc đùn đẩy, né trách, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không tham mưu, đề xuất, quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện. Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phải đầy đủ thủ tục, nội dung; không chuyển công việc thuộc nhiệm vụ của mình lên cấp trên. Trường hợp để xảy ra vi phạm thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Không được che giấu và làm sai lệch nội dung các phản ánh của cán bộ làm việc trong cơ quan, đơn vị mình hoặc cơ quan, đơn vị, tổ chức khác hoặc của công dân về những việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ do mình được giao thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

5. Quy định về giải quyết các yêu cầu của cơ quan và cá nhân khi cán bộ thực thi nhiệm vụ, công vụ phải thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ tiếp công dân; trân trọng lắng nghe ý kiến của tổ chức, công dân để cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác.

Phải có trách nhiệm hướng dẫn công khai quy trình thực hiện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các yêu cầu của cơ quan và công dân được giải quyết đúng luật, đúng thời gian quy định; đặc biệt cán bộ làm việc có liên quan đến giải quyết các thủ tục hành chính. Nghiêm cấm việc yêu cầu cá nhân và tổ chức cung cấp thêm giấy tờ ngoài thành phần hồ sơ đã công khai; đảm bảo chỉ nhận đúng, đủ thành phần hồ sơ.

Việc bổ sung hồ sơ (nếu có) phải thực hiện trong thời gian quy định và bằng văn bản, nghiêm cấm tình trạng gần đến thời hạn trả kết quả mới yêu cầu cá nhân, tổ chức bổ sung hồ sơ. Chủ động khắc phục hoặc đề xuất các giải pháp khắc phục các nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ.

Khi được giao nhiệm vụ, công vụ để giải quyết các yêu cầu của cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm về hành vi của mình theo đúng quy định của pháp luật. Hồ sơ giải quyết trễ hẹn, đơn vị thực hiện nghiêm túc Thư xin lỗi. Trường hợp giải quyết hồ sơ cho cá nhân và tổ chức trễ hẹn không có lý do chính đáng, đơn vị quản lý phải xử lý nghiêm theo quy định.

Không được từ chối giải quyết các yêu cầu của cá nhân và tổ chức phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao mà không có lý đo chính đáng.

6. Trang phục của cán bộ tại nơi công sở và khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ phải gọn gàng, kín đáo, lịch sự, không mặc quần áo, váy quá ngắn, quần Jean, dép lê…

7. Cán bộ đeo thẻ khi làm việc và khi thực thi nhiệm vụ bên ngoài cơ quan đảm bảo theo quy định.

8. Giữ gìn phòng làm việc và cảnh quan công sở.

- Đối với phòng làm việc phải sắp xếp, bài trí gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, hợp lý, thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ chung và của từng thành viên trong phòng; đảm bảo các yêu cầu về an toàn, phòng chống cháy, nổ.

- Đối với cảnh quan công sở phải luôn giữ không gian chung đảm bảo gọn gàng, sạch sẽ và vệ sinh môi trường.

 Cán bộ phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác, khạc nhổ bừa bãi, phải bỏ rác đúng nơi quy định và có ý thức phòng, chống, diệt các loài gây hại, truyền dịch bệnh như ruồi, muỗi, chuột. Nghiêm túc chấp hành nội quy phòng cháy, chữa cháy của cơ quan và quy định của pháp luật.

- Khu vực để phương tiện giao thông: Văn phòng Sở có trách nhiệm bố trí khu vực để xe bảo đảm an toàn cho cán bộ và khách đến liên hệ, làm việc (đã qua đăng ký). Cán bộ có trách nhiệm chấp hành việc để xe đúng nơi quy định, thực hiện tự quản trong việc sắp xếp xe tại nhà để xe đảm bảo trật tự, ngăn nắp theo nguyên tắc xe đến trước phải chọn vị trí thích hợp, tạo điều kiện cho việc sắp xếp xe đến sau.

Trường hợp vì lý do công tác phải để phương tiện cá nhân tại cơ quan qua đêm, phải khóa cổ, khóa càng xe và báo cho bảo vệ biết để quản lý, trường hợp không thông báo, nếu xảy ra mất mát phải tự chịu trách nhiệm.

9. Chuẩn mực ứng xử, giao tiếp

- Giao tiếp và ứng xử với tổ chức, công dân trong công tác:Trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân, phải có thái độ niềm nở, nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc; thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt công dân.

- Giao tiếp và ứng xử với cấp trên, cấp dưới và đồng nghiệp

* Giao tiếp và ứng xử với cấp trên: Cán bộ phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng. Không được lợi dụng việc phát biểu ý kiến, việc góp ý, phê bình làm tổn hại đến uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý và đồng nghiệp.

Chấp hành quyết định của người lãnh đạo, quản lý; thường xuyên chủ động sáng tạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

* Giao tiếp và ứng xử với cấp dưới: Cán bộ là lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu đi đầu trong lối sống, trong công tác, giữ gìn đoàn kết nội bộ, đạo đức tác phong, văn hóa công sở; không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ; gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử; tôn trọng và phát huy dân chủ trong cơ quan, đơn vị….

 * Giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp:Đối với đồng nghiệp phải ứng xử có văn hóa, tôn trọng và bảo vệ danh dự, uy tín, xây dựng đoàn kết nội bộ; có thái độ hợp tác, tôn trọng và tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ. Tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến góp ý đúng đắn của đồng nghiệp, của tập thể; thẳng thắn góp ý với đồng nghiệp trên tinh thần xây dựng, chân thành, khách quan.

* Bên cạnh đó, quy định rõ giao tiếp qua điện thoại; giao tiếp, ứng xử nơi công cộng; giao tiếp, ứng xử trong gia đình và nhân dân nơi cư trú….

10. Chuẩn mực đạo đức lối sống của cán bộ phải có lập trường tư tưởng vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sống có lý tưởng, vì nước, vì dân, vì con người, vì xã hội; không ngừng học tập nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ. Cán bộ tuyệt đối không được tham gia vào các tệ nạn xã hội, tệ “tham nhũng vặt”; không được sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian làm việc và giờ nghỉ trưa; hút thuốc đúng nơi quy định….

11. Cán bộ Quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông trên tinh thần thượng tôn pháp luật, giao tiếp, ứng xử tham gia giao thông theo đúng văn hóa của con người Bắc Ninh - Kinh Bắc:

- Đã uống rượu, bia thì không lái xe, không chạy xe quá tốc độ quy định.

- Nhường đường khi tham gia giao thông,

- Giúp đỡ người già, trẻ em, người yếu thế khi tham gia giao thông.

- Khi ùn tắc giao thông, tắc đường vẫn đi đúng làn, không chen lấn, đè vạch, vượt tín hiệu đèn đỏ.

- Nhiệt tình hỗ trợ cứu giúp người bị tai nạn giao thông. 

- Hỗ trợ lực lượng Cảnh sát giao thông, lực lượng chức năng bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Bố mẹ làm gương, an toàn giao thông cho con trẻ.

-  Bổ túc tay lái để an toàn cho mình và mọi người khi lái xe tham gia giao thông.

- Đã mắc lỗi thì sẵn sàng chịu trách nhiệm, cộng tác, phối hợp với lực lượng chức năng cùng giải quyết. Tuyệt đối không lăng mạ, chửi bậy và không can thiệp đến việc xử lý vi phạm giao thông của lực lượng chức năng.

- Tham gia giao thông có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng. Tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác. Vận động gia đình, mọi người xung quanh chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông. Chung tay xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành “Tỉnh an toàn giao thông”.

Tại Quyết định đã quy định rõ cán bộ vi phạm Quy định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc thực hiện Quy định này sẽ là căn cứ để đánh giá, phân loại theo hiệu quả công việc và bình xét thi đua khen thưởng cuối năm của cán bộ thuộc Sở. Đồng thời, yêu cầu các phòng, đơn vị có trách nhiệm phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này đến toàn thể cán bộ của phòng, đơn vị; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế; đưa vào tiêu chí để đánh giá, xếp loại và bình xét thi đua khen thưởng hàng năm./.

Văn phòng Sở