bn-current-user-online-portlet

Online : 4206
Total visited : 150807080

Công đoàn Sở Tài chính tổ chức hành trình “Về nguồn” nhân kỷ niệm 93 năm ngày phụ nữ Việt Nam ( 20/10/1930-20/10/2023).

18/10/2023 16:26 View Count: 454

Được sự đồng ý của Đảng ủy, Lãnh đạo Sở, ngày 08/10/2023, Ban Chấp hành Công đoàn Sở tổ chức nữ đoàn viên công đoàn thăm quan, dã ngoại tại Mẫu Âu Cơ và đền Hùng nhân kỷ niệm 93 năm ngày phụ nữ Việt Nam ( 20/10/1930-20/10/2023).

Đoàn do đồng chí Đỗ Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn và gần 30 nữ đoàn viên công đoàn và các đồng chí là ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn và ủy viên chi đoàn Thanh Niên.


Đoàn viên Công đoàn Sở Tài chính chụp ảnh lưu niệm tại Đền Hùng

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Đền Hùng, khu di tích nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc vùng đất Phong Châu cổ, nay là địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, một vùng đất bán sơn địa, chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, có cảnh quan đa dạng, vừa có rừng núi, đồi gò, vừa có đồng ruộng, sông ngòi, ao hồ phong phú. Ðiểm bắt đầu của Khu di tích Ðền Hùng là Ðại môn. Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc nữa là tới Ðền Trung ở lưng chừng núi có tên chữ là "Hùng Vương Tổ Miếu”. Truyền rằng nơi đây, các vua Hùng thường cùng Lạc hầu, Lạc tướng đến ngắm cảnh và bàn việc nước. Thời vua Hùng thứ sáu tổ chức cuộc thi tìm người tài đức kế vị. Người con út là Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh dày để thể hiện tấm lòng hiếu thảo, yêu lao động và được chọn là người kế vị, trở thành vua Hùng thứ bảy.

Theo sử sách và lưu truyền dân gian, đây là nơi Vua Hùng thường tiến hành các nghi lễ tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân hạnh phúc. Đền thờ 18 đời Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh của các vua Hùng. Tại đây, đoàn thành tâm làm lễ tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các vua Hùng và ôn lại ý nghĩa lịch sử về sự tích đền Hùng, trong lòng mỗi người đều dâng trào một niềm tự hào về vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên cùng sự biết ơn về các vị vua Hùng đã có công dựng nước.

Điểm đến thứ hai là đền Mẫu Âu cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ. Đây là một công trình lịch sử văn hóa đặc biệt, gắn liền với hình tượng Mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng trong một bọc trăm trứng, vốn đã ghi tạc trong tâm trí và tình cảm của các thế hệ người Việt. Ngôi đền nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ phủ tán xum xuê, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc. Đền gồm năm gian hình chữ nhất, mái lợp ngói vẩy. Bên trong là pho tượng Quốc Mẫu Âu Cơ cao 0.93m đặt trên ngai vị, hai tay đặt lên đầu gối, chân đi hài cong, đầu đội mũ lấp lánh kim cương, dáng hình hiền hậu và thanh tú. Đến đây đoàn đã thắp nén hương cầu mong sức khỏe bình an, hạnh phúc.

Hành trình “về nguồn” thể hiện bản sắc dân tộc và đạo lý "uống nước nhớ nguồn” các thành viên trong đoàn có được những giây phút thư giãn vui vẻ, thoải mái sau thời gian làm việc. Đồng thời cũng là dịp để nữ đoàn viên công đoàn cùng sinh hoạt tập thể, tạo cơ hội giao lưu học hỏi và chia sẻ tâm tư, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết.

 Kết thúc chuyến đi, các nữ đoàn viên công đoàn trở về với công việc, tiếp tục nhiệt huyết, sáng tạo và cống hiến phát huy tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, đoàn kết, đồng thuận, phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng của phụ nữ trong quá trình hội nhập và phát triển, góp phần hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, xứng danh với lời tôn vinh: Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng./.

Văn phòng Sở