Thực hiện Quy chế dân chủ tại tỉnh Bắc Ninh

09/10/2024 15:29 View Count: 113

Bắc Ninh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng với bề dày lịch sử văn hóa, được biết đến là quê hương của những lễ hội truyền thống. Nơi đây, mỗi năm có khoảng 500 lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức vào tất cả các mùa trong năm. Nét văn hóa đặc sắc nhất của Bắc Ninh không thể không nhắc đến, đó là Dân ca Quan họ Bắc Ninh và những văn hóa gắn liền với loại hình nghệ thuật - nguồn tài sản văn hóa phi vật thể vô giá của nước ta. 

Với những lợi thế, tiềm năng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh trong những năm qua, đặc biệt là tốc độ đô thị hóa cao của tỉnh, Bắc Ninh đang phấn đấu đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.


Ảnh sưu tầm

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ

Sau 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tại tỉnh Bắc Ninh, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, sáng tạo nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận và phát huy được sức mạnh toàn dân trong xây dựng và phát triển tỉnh Bắc Ninh, là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển, đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Việc thực hiện quy chế dân chủ làm mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân ngày càng gắn bó hơn, phát huy được tinh thần trách nhiệm của cán bộ đảng viên và nhân dân. Quyền làm chủ của Nhân dân thực sự được phát huy, hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương, giám sát việc cán bộ đảng viên có dấu hiệu sai phạm tiêu cực, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Cán bộ đảng viên thể hiện sự tôn trọng Nhân dân, tôn trọng lợi ích tập thể, kỷ cương, phép nước, quy chế cộng đồng khu dân cư. Tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội đã góp phần đáng kể vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng bền vững.

Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, phương thức lãnh đạo điều hành của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới theo hướng trọng dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên , người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị được nâng lên rõ rệt. Phong cách, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức có nhiều tiến bộ, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí… tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Những kết quả đó khẳng định tính đúng đắn, tác dụng, hiệu quả thiết thực của Chỉ thị số 30-CT/TW trong đời sống xã hội, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại  hoá quê hương, đất nước.

25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn tỉnh được triển khai chặt chẽ, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Xã, phường, thị trấn thực hiện tốt nhất và hiệu quả rõ nhất. Các cơ quan hành chính sự nghiệp có chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp đạt được kết quả bước đầu. Phần lớn các quy định trong quy chế được các địa phương, cơ quan đơn vị thực hiện nghiêm túc, tạo ra động lực to lớn động viên sức mạnh mỗi người dân và của cả cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Đặc biệt tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở, đoàn kết, thống nhất trong Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại mặt hạn chế

Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở qua 25 năm mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó trong quá trình thực hiện vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế.

Nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện các nội dung của quy chế dân chủ chưa cao, dẫn đến hạn chế trong việc tham gia, đề xuất các biện pháp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở các cơ quan, đơn vị, các xã, phường, thị trấn đôi lúc còn chưa kịp thời, chưa bám sát kế hoạch.

 Việc triển khai cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở vẫn còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao, chưa thành nề nếp.

Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy chế dân chủ chưa được quan tâm đúng mức, còn chậm đổi mới phương thức hoạt động, mang nặng về hành chính, việc tuyên truyền, vận động, tổ chức cho cán bộ viên chức tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ còn hạn chế.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số địa phương, đơn vị vẫn có biểu hiện chưa thực sự dân chủ; vai trò giám sát của các tổ chức như Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân ở một số nơi chưa thật sự hiệu quả.

Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở một số cơ sở còn hình thức; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, thiếu chiều sâu. Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở một số nơi thiếu kiểm tra đôn đốc, chưa làm tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo và chưa thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo.

Một số đơn vị xây dựng quy chế dân chủ, quy ước, hương ước chưa phù hợp với tình hình thực tế, còn chung chung nên người dân chưa thực sự quan tâm, do vậy kết quả thực hiện còn hạn chế.

 Nguyên nhân của những hạn chế

Công tác tuyên truyền các nội dung về việc thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan còn hạn chế.

Vai trò lãnh đạo của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa được thể hiện rõ trong một số hoạt động; việc kiện toàn, bổ sung thành viên trong Ban chỉ đạo ở một số đơn vị còn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến quá trình chỉ đạo, thực hiện quy chế dân chủ.

Một số cấp ủy còn thiếu quan tâm chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ, chưa thực sự chú trọng công tác kiểm tra thường xuyên nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Về cơ cấu Ban chỉ đạo quy chế dân chủ cấp xã còn rập khuôn, máy móc, nhiều nơi chưa được bổ sung, kiện toàn kịp thời khi có thay đổi nhân sự.

Việc tuyên truyền, học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng cũng như các văn bản hướng dẫn của các đơn vị có liên quan đến quy chế dân chủ ở một số đơn vị còn chưa được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.

Một số đoàn thể nhân dân ở một số địa phương, đơn vị chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, còn có xu hướng hành chính hóa; chưa thực sự là đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên; chưa tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện Quy chê dân chủ ở cơ sở, nhất là những vụ việc khó khăn, phức tạp như giải phóng mặt bằng, dồn điền đổi thửa.

Nhiệm vụ và giải pháp

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nghị định của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở một cách sâu rộng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản, quy định có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ viên chức, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho cán bộ, công chức biết để kiểm tra, giám sát.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật dân chủ ở cơ sở gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 217, 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị; Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998, Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07/7/2023, Nghị định số 71-1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ; Luật số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội về thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong các loại hình: Hợp tác xã, công tác giải phóng mặt bằng, công tác thuế, quy chế dân chủ ở chợ, trường ngoài công lập, quy chế dân chủ trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giai đoạn tiếp theo.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc ban, ngành, các địa phương trong  thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở. Hàng năm có kế hoạch và tổ chức thực hiện, kịp thời sơ tổng kết rút kinh nghiệm trong lãnh, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở địa phương.

Tăng cường vai trò giám sát và phản biện của các đoàn thể. Xây dựng quy chế cụ thể để phát huy vai trò giám sát của các đoàn thể tham gia trực tiếp vào các chương trình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Nguyễn Thị Hưởng

bn-current-user-online-portlet

Online : 3976
Total visited : 151065373