Phê duyệt danh mục tài liệu triển lãm “ Lịch sử Bắc Ninh qua di sản tư liệu thế giới”

23/09/2022 15:36 View Count: 404

Nhân dịp kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh. Nhằm giới thiệu về sự hình thành, quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng, phát triển và giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ trong tỉnh cũng như du khách gần xa đến với Bắc Ninh, hiểu hơn về Đất và Người Xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh từ thời kỳ lịch sử phong kiến đến nay.

Ngày 22/9/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ký Quyết định số 941/QĐ-UBND về phê duyệt Danh mục tài liệu triển lãm “Lịch sử Bắc Ninh qua di sản tư liệu thế giới”.

Theo đó tài liệu được phê duyệt phục vụ triển lãm gồm 116 danh mục với các chủ để:

Ngược dòng thời gian về miền Kinh Bắc:

Dưới thời Hùng Vương, vùng đất Kinh Bắc thuộc bộ Vũ Ninh. Sau ngàn năm Bắc thuộc, vùng đất này có nhiều lần thay đổi về địa giới, đơn vị hành chính và  tên gọi: “nhà Đinh đổi làm Bắc Giang đạo; nhà (Tiền) Lê đổi làm lộ; nhà Lý theo như nhà (Tiền) Lê; nhà Trần gọi là Bắc Giang lộ, lại gọi là Kinh Bắc lộ; năm Quang Thái thứ 10 (1397) đổi làm trấn”.... Đến triều Nguyễn, cùng với Hà Nội, Nam Định, Sơn Tây và Hải Dương thì Bắc Ninh được xem là 1 trong 5 tỉnh có diện tích rộng lớn ở phía Bắc và giữ vị thế chiến lược quan trọng đối với sự phồn thịnh của dân tộc. Đến năm Nhâm Ngọ (1822), vua Minh Mạng đã cho đổi trấn Kinh Bắc thành trấn Bắc Ninh, danh xưng Bắc Ninh bắt đầu xuất hiện từ đây. Gần 10 năm sau (năm Tân Mão - 1831), trong cuộc cải cách hành chính toàn diện đất nước, vua Minh Mạng đã cho đổi các Dinh, Trấn thành Tỉnh và trấn Bắc Ninh cũng được đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Đây được xem là 2 dấu mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường phát triển không ngừng của Bắc Ninh trong lịch sử.

Những dấu tích xưa cũ:

Bên cạnh sự nổi tiếng bởi các làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, tha thiết, trong đời sống tâm linh của người dân Kinh Bắc luôn mang đậm hồn cốt của dân tộc đã được truyền từ đời này qua đời khác. Điều đó đã được thể hiện trong nếp sống, nếp nghĩ và cách làm của mỗi người dân nơi đây đối với việc gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ. Đó là việc giữ gìn các chùa chiền, đình đền, miếu mạo cũng như giữ gìn nét đẹp độc đáo trong cảnh sắc thiên nhiên, các nền văn hóa lâu đời với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng. Có thể kể đến là Đền thờ Kinh Dương Vương - Đức thủy tổ của dân tộc Việt; Đền Đô - Nơi thờ phụng 8 vị vua triều Lý, đó là thành cổ hay các ngôi cổ tự rêu phong phủ dầy theo năm tháng, tuy trầm mặc nhưng vượng khí linh thiêng đến đỗi luôn quy tụ lòng người như chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dạm, chùa Tiêu... Tất cả đã tạo nên nét độc đáo, đặc sắc của vùng đất Bắc Ninh từ xưa đến nay mà ít nơi nào trên đất nước ta có thể sánh được.

Bắc Ninh – Quê hương của những nhà văn hóa lớn:

Tác giả Phan Huy Chú trong tác phẩm Lịch triều Hiến chương loại chí có ghi: “Kinh Bắc có mạch núi cao vót, nhiều sông quanh vòng, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, phủ Lạng Giang đẹp hơn. Văn học thì phủ Từ Sơn, phủ Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tốt tụ vào đấy, nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần”. Có lẽ vì thế mà nơi đây đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều bậc anh hùng hào kiệt, võ quan, văn thần cho nước nhà. Đầu tiên phải kể đến là các bậc đế vương triều Lý như vua Lý Thái Tổ, vua Lý Thái Tông, vua Lý Thánh Tông, vua Lý Nhân Tông, vua Lý Anh Tông,... cho đến Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh, Thái sư Lý Đạo Thành, Thượng thư Hàn Thuyên, Văn thần Vũ Trinh, Công thần Nguyễn Tử Giản,... Ngoài ra, trong lịch sử khoa bảng tỉnh Bắc Ninh còn có hàng trăm tiến sĩ, danh thần; mỗi người, mỗi tính cách, tài năng, đức độ, luôn góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Vùng đất này quả đúng với câu phương ngôn lưu truyền: “Một giỏ ông Ðồ, một bồ ông Cống, một đống Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn...”.

Theo tinh thần Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg ngày 02 tháng 03 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Việc triển lãm là một trong những hình thức tổ chức khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ độc đáo và hiệu quả, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ quý, hiếm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giới thiệu và tăng cường sự hiểu biết của xã hội đối với công tác lưu trữ, giúp cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân hiểu được tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ qua các giai đoạn lịch sử của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đàm Văn Tuyến

bn-current-user-online-portlet

Online : 3124
Total visited : 150726959