Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác sử dụng cán bộ, công chức cấp xã sau đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

21/12/2023 15:50 View Count: 3708

Xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính cấp cơ sở, nơi thực hiện trực tiếp và cụ thể các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã) có đủ phẩm chất, năng lực là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài.

(ảnh sưu tầm)

Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, công chức sau đào tạo, bồi dưỡng đã được các Cấp uỷ Đảng quan tâm đẩy mạnh quy hoạch và không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức cấp xã nói riêng. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được phát triển cả về số lượng và chất lượng. Việc chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được nâng lên về trình độ văn hoá, chuyên môn, lý luận chính trị và kinh nghiệm thực tiễn.

Trong công tác cán bộ, đánh giá đúng cán bộ là khâu tiền đề để quyết định bố trí, sử dụng cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí để phát huy được tiềm năng đội ngũ cán bộ, để bản thân cán bộ có phương hướng đúng trong phấn đấu, rèn luyện, tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân.

Việc thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua đã giúp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được giao, đồng thời hoàn thiện các tiêu chuẩn của ngạch và của từng vị trí chức danh đang đảm nhận. Kết quả đó càng khẳng định vai trò rất lớn của chính sách đào tạo, bồi dưỡng, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của từng vị trí công việc; qua đó làm cơ sở cho xác định những kỹ năng, kiến thức chuyên môn chưa đảm bảo trong quá trình thực thi công vụ và có chương trình đào tạo, bồi dưỡng hợp lý đáp ứng được mục tiêu đề ra.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính chuyên nghiệp. Quan trọng hơn còn tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và việc sử dụng cán bộ, công chức sau đào tạo một cách hợp lý, đúng người, đúng việc góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Vì vậy việc đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian vừa qua đã tập trung vào cung cấp những kiến thức lý luận cơ bản, trang bị kỹ năng, cách thức hoạt động thực thi công vụ. Giáo dục thái độ thực hiện công việc thể hiện sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, công chức đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển; nâng cao được trình độ năng lực; cập nhật đổi mới tư duy, phát huy tính sáng tạo sử dụng kiến thức về các lĩnh vực: pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, các lĩnh vực khác liên quan đến lĩnh vực tác nghiệp. Hơn nữa qua đào tạo và bồi dưỡng, giúp cán bộ, công chức nâng cao hiệu quả thực hiện công việc, khả năng tự giác, tự tiến hành công việc độc lập. Đào tạo và bồi dưỡng tốt sẽ duy trì và nâng cao được chất lượng cán bộ, công chức nhờ đội ngũ có trình độ chuyên môn; giúp tổ chức nâng cao tính ổn định, tính linh hoạt trong các hoạt động thực thi công vụ; hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giúp tổ chức chuẩn bị đội ngũ cán bộ, công chức kế cận trong các giai đoạn tiếp theo. Đối với Nhà nước, đào tạo và bồi dưỡng mang đến một nền hành chính chuyên nghiệp phục vụ các đối tượng như các tổ chức, doanh nghiệp, người dân được tốt hơn, đồng thời mang đến niềm tin của người dân chính là tiêu chí phục vụ của nền hành chính, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cấp cơ sở gần sát với người dân và doanh nghiệp.

1. Thực trạng số lượng, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã tỉnh Bắc Ninh

Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 08 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 02 thành phố (Bắc Ninh, Từ Sơn), 02 thị xã (Thuận Thành, Quế Võ) và 04 huyện (Gia Bình, Lương Tài, Yên Phong, Tiên Du) với 126 đơn vị hành chính cấp xã trong đó có 70 xã, 52 phường và 04 thị trấn. Số lượng cán bộ cấp xã tính đến ngày 01/8/2023 là 1263 người, công chức là 1115 người. Thực trạng về cơ cấu độ tuổi của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được phân bố: Cán bộ, công chức có tuổi đời dưới 30 tuổi là 68 người, chiếm 2,86%, Từ đủ 30 đến dưới 40 là 723 người, chiếm 30,4%, từ đủ 40 đến dưới 50 là 837 người, chiếm 35,2%, từ đủ 50 đến dưới 60 là 685 người, chiếm 28,8%, trên 60 là 65 người, chiếm 2,73%. Với số cán bộ, công chức có tuổi đời từ 40 trở xuống là 791 người, chiếm 33,26% có thể tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ.

Về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã: cán bộ, công chức cấp xã hàng năm được đánh giá, xếp loại đạt mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên chiếm tỷ lệ cao. Bên cạnh đó số cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực là 123 người (năm 2021: 56 người, năm 2022: 67 người) nhưng vẫn còn một bộ phận năng lực yếu, chưa tận tâm, tận lực trong công việc, thiếu tu dưỡng rèn luyện, chưa gương mẫu trong lối sống, đạo đức công vụ… Thực tiễn đó đòi hỏi phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ, công chức đạt chuẩn chức danh và vị trí việc làm trước khi được bổ nhiệm, bố trí.

2. Thực trạng sử dụng cán bộ, công chức cấp xã:

Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tỉnh Bắc Ninh được bố trí, sử dụng trên cơ sở phù hợp giữa chuyên môn, nghiệp vụ với vị trí việc làm, hằng năm đều được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và sự hiểu biết về lý luận chính trị.

Từ năm 2020 đến nay, đã có 1033 lượt cán bộ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị; bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã 3083 lượt người; bôi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước 545 lượt người; cử đi bồi dưỡng về nông thôn mới 665 lượt người; cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư lưu trữ 378 lượt người, văn hoá công vụ 378 lượt người…

- Việc tổng hợp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức căn cứ vào tiêu chuẩn, nhiệm vụ phù hợp với từng chức danh và vị trí việc làm để đảm bảo nâng cao chất lượng công tác sử dụng cán bộ, công chức sau đào tạo được quan tâm chú trọng tránh tình trạng đào tạo, bồi dưỡng tràn lan chạy theo thành tích, số lượng mà không chú trọng đến hiệu quả sau đào tạo. Qua đó chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao sau đào tạo, hiệu quả thực thi công vụ được cải thiện một cách rõ ràng.

- Về nội dung đào tạo đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, những nội dung liên quan trực tiếp đến nghiệp vụ, công việc chuyên môn, được sử dụng trực tiếp mà đối tượng cán bộ công chức sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng có thể vận dụng ngay trong thực tế giúp nâng cao chất lượng của hoạt động thực thi công vụ.

3. Thuận lợi trong công tác sử dụng cán bộ, công chức sau đào tạo

Trong những năm qua, công tác kiện toàn về số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã luôn được cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm; đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã đã được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của vị trí công tác; Công tác quy hoạch, bố trí cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cấp uỷ, các chức danh chủ chốt, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể từng bước được thực hiện đúng quy trình, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

Việc quản lý, sử dụng cán bộ công chức dần đi vào nề nếp, hầu hết công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động đều đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có trách nhiệm với công việc và vị trí công tác được giao với tinh thần trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã.

Để tăng cường nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tế nhằm giải quyết bài toán về thiếu lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương. Từ năm 2020 đến nay, các Thành ủy, Thị ủy và Huyện ủy đã điều động, biệt phái hơn 50 công chức từ cấp huyện về công tác tại cấp xã. Việc rèn luyện, thử thách cán bộ đã từng kinh qua nhiều vị trí công tác, có kinh nghiệm trong thực tiễn quản lý điều hành, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo bài bản về công tác tại các địa phương đã làm cho đội ngũ cán bộ cấp xã thêm vững mạnh góp phần ổn định các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội tại các địa phương.

4. Khó khăn trong công tác sử dụng cán bộ, công chức sau đào tạo.

Bên cạnh những thuận lợi thì việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức cấp xã sau đào tạo cũng gặp không ít những khó khăn như:

Về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chưa thực sự đồng đều, số lượng cán bộ, công chức cấp xã đã qua đào tạo, bồi dưỡng chương trình quản lý nhà nước, tin học, kỹ năng lãnh đạo quản lý còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế trong quá trình thực thi công vụ.

Các đơn vị cơ bản đã bố trí cán bộ, công chức ở các chức vụ, chức danh theo trình độ chuyên môn được đào tạo, đúng quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ công chức cấp xã được bố trí công tác chưa phù hợp với chuyên ngành đào tạo do lịch sử để lại nên hiệu quả tham mưu thực hiện nhiệm vụ chưa cao.

Việc đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ đôi khi còn chưa đúng người, đúng việc nên chưa khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã phát huy được năng lực trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Một số bộ phận cán bộ, công chức cấp xã được cử đi đào tạo có tư tưởng đủ bằng cấp, chứng chỉ để được xếp lương, đề bạt, bổ nhiêm, giới thiệu ứng cử, chưa thực sự chú trọng đến việc nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ tốt nhiệm vụ, công vụ được giao.

Thực tế tại một số nơi việc cán bộ sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về địa phương vẫn chưa được bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc làm cho bản thân không có động lực phấn đấu.

5. Giải pháp trong công tác sử dụng cán bộ, công chức sau đào tạo.

Từ những tồn tại, khó khăn nêu trên việc đưa ra những giải pháp để khắc phục những khó khăn trong việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức cấp xã sau đào tạo, bồi dưỡng là yêu cầu cấp thiết như:

 Cần xác định rõ mục đích, tiêu chuẩn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức là gì từ đó có các chương trình thực hiện cụ thể để không bị chệch so với mục tiêu đã định trước.

Xác định rõ nội dung đào tạo đối với từng chức danh cụ thể để kịp thời bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên sâu cho từng đối tượng tương ứng với thời gian hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập theo nhu cầu của vị trí việc làm. Lựa chọn kiến thức, kỹ năng cần thiết cho từng đối tượng, nâng cao năng lực hoạt động và giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ, công chức.

Phân loại đối tượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo từng giai đoạn để có nội dung đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng số cán bộ, công chức này cho phù hợp như: theo độ tuổi công tác từ 5 năm công tác; từ trên 5 năm công tác đến 10 năm công tác, từ trên 10 năm công tác đến 15 năm công tác; theo giới tính, theo cơ cấu để bồi dưỡng cho phù hợp với từng chương trình ứng theo hướng từ cơ bản đến chuyên sâu và cập nhật kiến thức.

Lựa chọn những cán bộ, công chức thuộc diện quy hoạch nguồn để cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, xem xét làm căn cứ bổ nhiệm cho phù hợp với vị trí việc làm. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các biện pháp chế tài nghiêm khắc và mạnh dạn tinh giản biên chế hoặc loại khỏi bộ máy nhà nước đối với những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức khi phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và công việc được giao.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng với thời đại công nghệ số và từng bước đạt chuẩn theo yêu cầu chức danh lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm. Đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác đánh giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức. Cần có chính sách khuyến khích tinh thần học tập suốt đời, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức. Đồng thời, phải có cơ chế động viên, khen thưởng và công nhận trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức đã tự có ý thức nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ.

Phải hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ. Có như vậy mới bố trí và sử dụng đúng, mới tránh được những thiếu sót, sai lầm; mới phát huy được mặt mạnh, hạn chế được mặt yếu trong từng con người cán bộ. Phải đặt đúng người, đúng việc vì việc mà đặt người, kết hợp các thế hệ, các loại cán bộ một cách đúng đắn. Khi dùng cán bộ phải hết sức khách quan, công tâm, chống tư tưởng địa phương chủ nghĩa, bè phái, hẹp hòi, mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vào các cương vị cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đặt ra.

 Xây dựng quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, có tính đến nhu cầu và khả năng phát triển. Đây vừa là giải pháp, vừa là nhiệm vụ xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ; kết hợp nhiều hình thức và phương pháp đào tạo tại trường, đào tạo tại chức, thông qua thực tiễn công tác, học tập, chiến đấu, ... của đội ngũ cán bộ, công chức với xây dựng, rèn luyện đội ngũ đảng viên; kết hợp đào tạo bồi dưỡng với chăm lo chính sách cán bộ, công chức. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng đúng cán bộ, công chức là khâu hết sức quan trọng trong công tác cán bộ. Phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo cán bộ, công chức. Theo đó, đánh giá cán bộ, công chức phải trên quan điểm toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ, công tác đặt ra. Kết hợp chặt chẽ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng với bố trí, sử dụng những cán bộ đủ tiêu chuẩn với việc kiên quyết đưa ra khỏi cương vị lãnh đạo, quản lý những cán bộ thiếu về phẩm chất và năng lực ở những nơi trì trệ, yếu kém, mất đoàn kết kéo dài.

Thực hiện việc phân công cán bộ trong quy hoạch các chức danh cấp chiến lược đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các địa bàn, lĩnh vực quan trọng, vùng có nhiều khó khăn để tự đào tạo, thử thách, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý cho bản thân.

Trên đây là “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác sử dụng cán bộ, công chức cấp xã sau đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh”./.

Nguyễn Thị Nhàn

bn-current-user-online-portlet

Online : 3672
Total visited : 151080861