Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế
Trong Phiên chất vấn và trả lời chất tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo một số nội dung.
Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế
Báo cáo một số vấn đề liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ đã ban hành 22/22 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; theo đó, cơ cấu tổ chức bên trong của Bộ, cơ quan ngang Bộ tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm cấp trung gian, giảm đầu mối bên trong, giảm tối đa số lượng phòng trong cục, vụ; cơ bản không chuyển vụ thành cục; giảm số lượng lãnh đạo cấp phó gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giải thể hoặc sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức hoạt động không hiệu quả, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý và tính chất hoạt động; khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ theo hướng một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
Theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: một số quy định, hướng dẫn của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện một số nội dung mới về tổ chức bộ máy, biên chế chậm ban hành để thực hiện, trong đó có các quy định về khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; tiêu chí thành lập tổ chức; số lượng biên chế tối thiểu; số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập để tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành, địa phương quyết định sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động trong việc sắp xếp tổ chức, đẩy mạnh tự chủ và đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nhưng kết quả thực hiện vẫn chậm và chưa hiệu quả do một số nguyên nhân sau: Các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, giám sát việc sắp xếp tổ chức, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; Việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đổi mới cơ chế hoạt động chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời; Chưa có các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công và chưa thực hiện đầy đủ công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các hoạt động dịch vụ công do đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ.
Đại biểu Triệu Thanh Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, chất vấn
Làm rõ hiệu quả của việc chia tách, sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính
Chất vấn tại Phiên họp, đại biểu Triệu Thanh Dung- Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, nêu rõ: theo báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện nay, tiến độ thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính không đồng nhất ở các địa phương. Vẫn còn 09 tỉnh, thành phố gửi hồ sơ về Bộ để thẩm định. Tỷ lệ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện mới đạt 60% so với số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng trên có trách nhiệm của Bộ Nội vụ hay không? Nguyên nhân là gì? Và giải pháp thực hiện trong thời gian tới như thế nào?
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay Bộ đã nhận được tổng số 38 tỉnh gửi Đề án sắp xếp đơn vị chính của cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ Nội vụ đến giờ này thẩm định được 32 tỉnh; Bộ đã trình Chính phủ 11 tỉnh, trình Quốc hội 7 tỉnh. Quốc hội đã thông qua được 2 tỉnh. Với tiến độ này tới tháng 11/2019 thì 07 tỉnh còn lại đều phải kết thúc việc gửi hồ sơ lên. Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương làm nhanh, sau khi điều chỉnh bổ sung xong thì Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ để lấy ý kiến thành viên Chính phủ và thay mặt cho Chính phủ, Bộ trưởng sẽ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cố gắng cho đến cuối năm 2019 cơ bản sẽ sắp xếp xong 45 tỉnh này, với tổng số hơn 10 huyện, 631 xã. Đồng thời Bộ cũng đề nghị lãnh đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cố gắng hoàn chỉnh sau khi thẩm định.
Bộ trưởng cho biết, để giải quyết vấn đề biên chế dôi dư trong việc sắp xếp này cũng như thực hiện Nghị định 34 trong việc sắp xếp lại đối với công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đây là một chính sách rất lớn. Đối với công chức, cố gắng duy trì trong vòng 5 năm để thực hiện tinh giản. Sau 5 năm, số lượng biên chế được sáp nhập lại y như ban đầu đối với từng loại đơn vị hành chính. Đối với cán bộ, cố gắng tổ chức những người đứng đầu thì sau khi tổ chức đại hội Hội đồng nhân dân là phải sắp xếp người đứng đầu, cấp phó thì chúng ta giảm dần và đến năm 2025 chúng ta sẽ giảm hết về số lượng cấp phó trở lại theo quy định.
Đại biểu Phùng Văn Hùng đưa ra quan điểm
Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Phùng Văn Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, nêu rõ: vừa qua khi triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, địa phương đã được quyết định thí điểm triển khai việc sáp nhập 3 Văn phòng: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành một văn phòng chung. Không ít đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và cử tri cho rằng việc sáp nhập này là không phù hợp cả về lý luận và thực tiễn, có thể làm giảm vai trò chức năng hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương. Với vai trò là tư lệnh của ngành chuyên tham mưu cho Đảng và Nhà nước về tổ chức bộ máy, Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này thế nào? Theo Bộ trưởng, việc sáp nhập này có thực sự góp phần làm tăng hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước hay không?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng cho biết, để thực hiện chủ trương này cuối năm 2017 Bộ Nội vụ đã trình cho Thủ tướng Chính phủ dự thảo sửa đổi thay hai Nghị định 24/2014/NĐ-CP và Nghị định 37/2014/NĐ-CP, Nghị định 24 là tổ chức cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Nghị định số 37 là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong quá trình tổ chức đó, Trung ương có kết luận về vấn đề hướng dẫn tổ chức thực hiện, sắp xếp các cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh và cấp huyện. Do đó, Bộ dừng lại và thực hiện lại theo Kết luận của Bộ Chính trị và đã trình Chính phủ.
Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ rất cân nhắc về vấn đề này, đồng thời chỉ đạo cho Bộ Nội vụ thông báo ngay tạm dừng việc sáp nhập đối với các cơ quan hành chính để chờ sắp xếp và có Nghị định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, Ban Cán sự Đảng, Chính phủ đã thống nhất không thay thế hai Nghị định này, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều. Trong sửa đổi, bổ sung chỉ rõ một số vấn đề: xin phép Bộ Chính trị chưa thực hiện khung cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, cấp huyện, tạm thời sử dụng khung chuyên môn trong Nghị định 34 và Nghị định 27, bởi vì chúng ta còn đang làm thí điểm, nên chưa quy định khung lúc này; quy định khung bình quân số lượng của cấp phó; xây dựng tiêu chí thành lập đối với cấp sở, cấp phòng đặc thù và xây dựng tiêu chí thành lập đối với cơ quan bên trong của cấp sở.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ, riêng về vấn đề thí điểm, Chính phủ sẽ có Nghị quyết về vấn đề thí điểm để thực hiện trên tinh thần Nghị quyết 580/2018/UBTVQH của Quốc hội hợp nhất ba văn phòng và tinh thần Kết luận số 34 của Bộ Chính trị về thí điểm hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng và cơ quan tham mưu của Nhà nước. Bộ Nội vụ cũng đã gửi văn bản cho 63 tỉnh, thành đăng ký làm thí điểm này, chọn không quá 20% đơn vị hành chính cấp tỉnh đã làm thí điểm. Thời gian thí điểm từ nay cho đến năm 2021 sẽ có tổng kết, sau đó khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ có hiệu lực thì đồng thời với việc xây dựng Nghị định quy định về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu cấp tỉnh và cấp huyện sẽ tiến hành sửa đổi một cách hoàn chỉnh về vấn đề này./.