Sự tích về một ngôi chùa

21/09/2023 15:59 View Count: 478

Chùa Đậu, tên chữ là Thành Đạo tự, nơi thờ Pháp Vũ, Bà Mưa trong hệ thờ Tứ Pháp vùng Dâu. Muốn hiểu biết về ngôi chùa này ra sao thì có lẽ trước tiên cần phải đọc sách “Cổ Châu phật bản hành” mà dân ta quen gọi là Kinh Tứ Pháp.

Theo Kinh Tứ Pháp thì vào khoảng đầu Công nguyên, ở làng Mèn (nay là làng Mãn Xá, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có hai vợ chồng là ông bà Tu Định-Ưu Di sinh hạ được một người con gái tốt lành, đặt tên là Man Nương. Ít lâu sau, có một vị cao tăng người Tây Trúc (Ấn Độ) tên là Khâu Đà La theo đường biển sang đất ta truyền đạo. Ông bà Tu Định-Ưu Di rất sùng đạo nên đã cho Man Nương đi tu theo thầy Khâu Đà La. Sư thầy có nhiều pháp thuật lạ, có thể hô phong hoán vũ, đứng một chân suốt ngày… Một hôm sư thầy phải ra ngoài hành đạo, Man Nương đợi mãi không thấy thấy về nên ngủ thiếp đi ngay tại chỗ ngồi ở bậu cửa. Khi thầy trở về vô ý bước qua người đệ tử, thế là Man Nương thụ thai, chửa 13 tháng, đẻ ra một người con gái. Biết chuyện, ông bà Tu Định-Ưu Di đến chùa chất vấn sư thầy: “Con tôi đi tu sao lại có con?”. Sư thầy điềm nhiên trả lời: “Sau này con nhà người sẽ thành Phật”. Và quả đúng như vậy.

Đạo truyền đã thấm, sư thầy Khâu Đà La trở về Tây Trúc. Trước khi lên đường, sư thầy làm phép làm cho cây dung thụ ở ven sông nứt toác ra rồi đặt đứa bé vào trong, thân cây từ từ khép lại. Đoạn trao cho Man Nương cây gậy thần Tầm Xích, dặn khi nào hạn hán cứ việc cắm gậy xuống đất, nước sẽ phun lên cứu vớt vạn vật sinh linh.

Ba năm sau trời đất đổi thay làm cho hạn hán ba năm liên tiếp, cỏ cây chết khô, mất mùa, dân tình đói kém khổ cực. Bà Man Nương chợt nhớ có cây gậy thần liền đem ra cắm xuống đất, quả nhiên nới ấy nước phun lên chan hòa, cứu được mùa màng cây cỏ và trâu bò, gia súc. Dân lại được no đủ và nhớ ơn bà. Bỗng có trận bão lớn nổ ra, mưa to như trút, cây dung thụ bật gốc đổ xuống sông, bị nước đưa về tận cửa thành Luy Lâu, thủ phủ Giao Chỉ hồi đó.

Bấy giờ Thái thú Sĩ Nhiếp cũng đã được báo mộng có cây dung thụ trôi về thành. Ngài đi ra bến Vọng Giang Lâu quả nhiên thấy có cây đang quẩn ở bến không trôi đi. Ngài cho quân lính kéo cây lên, tính đủ làm điện Kính Thiên, nhưng quân lính không sao kéo được cây lên bờ. Lúc ấy bà Man Nương ra sông giặt quần áo nhận ra cây dung thụ có chứa đứa con gái của mình bèn lên tiếng gọi: “Con ơi vào đây với mẹ”. Bà chỉ cần vung giải yếm lên là cây từ từ trôi lên bờ trước sự kinh ngạc của mọi người. Thái thú Sĩ Nhiếp thấy vậy liền bỏ ý định làm điện Kính Thiên mà cho thợ tạc thành 4 pho tượng để phô bày sức mạnh của thần linh, cho dân thờ cúng lâu dài. Mười thợ mộc họ Đào khéo tay được kén tạc tượng. Cả bốn bà đều trong tư thế đang ngồi thiền với dáng vẻ từ tâm, uy nghi. Ngài đặt tên cho từng pho tượng là: Pháp Vân (bà Mây), Pháp Vũ (bà Mưa), Pháp Lôi (bà Sấm), Pháp Điện (bà Chớp). Ngài lại cho dựng 4 ngôi chùa thờ Phật. Bà Mây đặt ở chùa Dâu (Diên Ứng tự). Bà Mưa đặt ở chùa Đậu (Thành Đạo tự). Bà Sấm đặt ở chùa Tướng (Phi Tướng tự). Bà Chợp đặt cở chùa Dàn (Trí Quả tự).

Trong quá trình tạc tượng, các thợ mộc phạt vào hòn đá làm mẻ rìu. Người thợ bực mình liền ném hòn đá xuống sông. Ban đêm cả khúc sông sáng rực lên. Đó là sự lạ. Bà Man Nương đi thuyền ra sông, nhìn vầng sáng dưới nước lên tiếng gọi: “Con ơi, lên đây với mẹ”. Kì lạ thay, hòn đá từ dưới lòng sông tự nhiên nhảy lên thuyền. Bà Man Nương ôm ghì hòn đá vào lòng mà ru nựng âu yếm. Quan Thái thú thấy vậy liền đưa hòn đá vào chùa thờ, đặt trước ban Pháp Vân, gọi là Đức Thạch Quang.

Và thế đấy. Sự tích bà Man Nương và hệ thờ Tứ Pháp đã hình thành và ra đời do công của Thái thú Sĩ Nhiếp. Ngài đã tạo dựng nền móng tín ngưỡng tôn giáo của nước ta, lại đặt lệ hội vào ngày mồng Tám tháng Tư âm lịch, gọi là ngày Phật đản. Hội Tứ Pháp đông vui ngút ngàn. Xưa vua Lý Thánh Tông đã về chùa cầu mưa, cầu tự, gặp cô gái hái dâu đưa về cung phong là Nguyên phi Ỷ Lan. Nhiều nơi khác cũng mô phỏng hệ thờ Tứ Pháp cầu mưa, cầu phúc, nơi thờ Pháp Vân, nơi thờ Pháp Vũ, nhưng không nơi đâu quy củ, hệ thống đầy đủ như hệ thờ Tứ Pháp nguyên bản vùng Dâu.

Ngày nay, chùa Dâu, trung tâm hệ thờ Tứ Pháp đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt và mới được đầu tư lớn để trùng tu tôn tạo. Chùa Dàn cũng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Tên chùa Dàn còn được đặt cho xã mới sau Cách mạng tháng Tám 1945 là xã Trí Quả, nay là phường Trí Quả của thị xã Thuận Thành. Hai chùa Tướng và chùa Đậu bị quân Pháp tàn phá trong chiến tranh để lập đồn bốt. Ngày nay, hai chùa cũng đã được xây dựng lại ngày càng quy mô, bề thế để bảo tồn mãi nét đẹp văn hóa hệ thờ Tứ Pháp vùng Dâu, để câu ca ngàn xưa mãi lung linh trong tấm thức người Việt:

Dù ai đi đâu về đâu

Nhớ ngày mồng Tám hội Dâu thì về.

Nguyễn Hữu - Đại Tự-Thanh Khương-Thuận Thành-Bắc Ninh