Chung sức, đồng lòng khắc phục thiệt hại của cơn bão số 3

09/09/2024 14:33 View Count: 53


 

Ngay khi đổ bộ vào đất liền, cơn bão số 3 (bão YAGI) đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho các tỉnh, thành phố phía Bắc. Tại địa bàn tỉnh và thị xã Thuận Thành, bão YAGI bắt đầu đổ bộ từ trưa ngày 7- 9, tâm bão ảnh hưởng trực tiếp bắt đầu từ 14h đến 20h30 cùng ngày, sức gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, gây mưa vừa, mưa to. Nhờ chủ động nắm bắt, nhận định tình hình, sớm có phương án xử lý từ sớm, từ xa, nên ngay khi bão đổ bộ lên địa bàn thị xã, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN thị xã đã huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; kịp thời ứng phó khẩn cấp với các tình huống xấu xảy ra, kiên quyết không để thiệt hại về người, không để gián đoạn hoạt động sản xuất cũng như ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.


 

Từ ngàn đời nay, cha ông ta đã đúc kết “Nhất thủy, nhì hỏa”, để nói lên sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai. Mỗi khi bão lũ hoành hành thường mang theo những hậu quả khó lường, vượt ngoài sức kiểm soát của con người. Với Thuận Thành, dù nằm cách xa bờ biển hàng trăm km, nhưng ngay khi bão YAGI, cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua đổ bộ vào đất liền, thị xã cũng ngay lập tức phải ngánh chịu những thiệt hại nặng nề do bão gây ra. Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN thị xã, sau khi bão số 3 đổ bộ qua địa bàn thị xã, tính đến 5h30 phút ngày 8-9, trên địa bàn thị xã dù không có thiệt hại về người, nhưng bão số 3 đã trực tiếp ảnh hưởng đến 941,5ha diện tích sản xuất nông nghiệp (lúa 812ha bị đổ, gô là 19 ha, đậu tương 11 ha, rau mầu khác 48ha…). Ngoài ra, có 27.000 m2 nhà lưới bị tốc mái, 18.380 m2 mái của 165 công trình các loại bị tốc (trong đó có 17 trường học); hơn 1.900 cây xanh bị gãy, đổ; phải sơ tán 5 hộ dân.


 

Theo ông Tạ Huy Hoàng, quản lý Trang trại trồng xơ mướp (xã Nguyệt Đức) chia sẻ: Trước thời điểm bão về, chúng tôi đã hướng dẫn bà con một số biện pháp chằng, néo, gia cố các dàn mướp. Tuy nhiên, gió giật mạnh, kèm mưa lớn đã khiến hầu hết các dàn mướp bị đổ; những mẻ mướp đang phơi khô cũng bị gió thổi bay. Thiệt hại đối với trang trại là rất lớn.

Để kịp thời khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, ngay khi bão giảm, lãnh đạo UBND thị xã đã yêu cầu các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT & TKCN thị xã, các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát thiệt hại, có phương án khắc phục kịp thời các sự cố, thiệt hại do bão gây ra; Tăng cường thông tin, hướng dẫn người dân khắc phục thiệt hại, nhanh chóng ổn định đời sống, tình hình sản xuất. Đồng thời đề nghị các đơn vị chức năng theo dõi sát diễn biến của thời tiết để kịp thời có phương án xử lý; ngành điện lực thị xã nhanh chóng xử lý các sự cố chập cháy, đổ, gãy cột điện, đứt dây để kịp thời đóng điện trở lại phục vụ sinh hoạt của người dân, sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt sớm ưu tiên đóng điện cho các trạm bơm vận hành thông suốt trở lại.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thị xã, của ngành Giáo dục, ngay khi bão tan, Ban Giám hiệu Trường THPT Thuận Thành số 2 đã chủ động rà soát, nắm bắt tình hình thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, khuôn viên trong và ngoài nhà trường. Hiện toàn trường bị đổ 25 cây xanh, trong đó có 18 cây to. Bà Cao Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành số 2 cho biết: Ngay từ đầu giờ sáng ngày 9- 9, nhà trường đã huy động lực lượng khẩn trương tiến hành cắt tỉa cành, cây bị đổ trong khuôn viên sân trường; vệ sinh trường lớp; sửa chữa cơ sở hạ tầng; kiểm tra lại hệ thống điện và các thiết bị trước khi sử dụng; có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; xử lý cây xanh, biển hiệu, mái tôn, cột cổng, tường bao đã bị gió bão làm nghiêng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên khi trở lại trường học ngày 10-9-2024.


 

Tại phường Trí Quả, công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra cũng đang được lực lượng chức năng khẩn trương vào cuộc. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Trí Quả cho hay: Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, thị xã, trước khi bão số 3 về, chúng tôi đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và người dân cùng chung tay vào công tác phòng, chống bão. Tuy nhiên, khi bão số 3 về, kéo theo mưa to, gió giậy mạnh đã khiến 360 cây xanh trên địa bàn phường bị đổ, 5,7ha diện tích lúa và 3ha hoa mầu khác bị ảnh hưởng, 8 nhà mái ngói bị hỏng, 44 mái tôn bị tốc mái. Để kịp thời khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, chúng tôi đã huy động đông đảo đội ngũ cán bộ, nhân viên, thành lập đội xung kích 1, xung kích 2, lực lượng an ninh khu phố túc trực ngày đêm, kịp thời khắc phục thiệt hại, xử lý sự cố với tinh thần cao nhất, nhanh nhất.

Ngoài việc trực tiếp cùng nhân dân và các lực lượng chức năng căng mình chống bão, các đồng chí lãnh đạo thị xã và các địa phương vẫn quan tâm đi đến từng bệnh viện thăm hỏi bệnh nhân, kiểm tra cơ sở khám, chữa, cấp cứu người bệnh; đến từng khu nhà không bảo đảm động viên nhân dân di dời về nơi an toàn được chính quyền sắp xếp…

Bắt đầu từ sáng ngày 8- 9 đến nay, các lực lượng công an, quân đội, vệ sinh môi trường, công nhân ngành Điện, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Cựu Chiến binh và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn thị xã lại cùng chung tay xử lý những hậu quả bão số 3 gây ra. Những vườn hoa, cây xanh bị đổ được nhanh chóng cưa, thu dọn tạo giao thông thông thoáng, thuận lợi đi lại cho nhân dân; các chợ dân sinh trở lại hoạt động bình thường, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân; hạ tầng điện cơ bản cấp trở lại, đặc biệt là các cơ quan, công sở, các cơ sở sản xuất trọng yếu; các trạm bơm tiêu úng được vận hành hết công suất, rút nước cho ruộng đồng xanh trở lại.

Để bảo đảm tốt việc khắc phục các hậu quả do bão gây ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tiếp tục cập nhật thường xuyên tình hình thời tiết để kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão, duy trì công tác ứng trực. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tiếp tục khắc phục sau bão gây ra tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học… để đưa nhịp sống trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, nắm chắc tình hình và kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả các tình huống phát sinh.

 

Đức Quý