Bắc Ninh thiết thực chăm lo người có công với cách mạng
Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng và thân nhân, phần nào xoa dịu nỗi đau, vơi đi nỗi nhớ để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được nâng lên, đầy đủ và tốt đẹp hơn.
Toàn tỉnh đang quản lý 125.523 người có công (NCC) và thân nhân NCC, trong đó 16.935 người hưởng trợ cấp hàng tháng. Xác định công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là truyền thống quý báu của dân tộc, các cấp ngành, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các chính sách, chế độ ưu đãi đối với NCC. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh thực hiện chi trả chế độ ưu đãi cho các đối tượng với tổng kinh phí hơn 38 tỷ đồng/tháng; trợ cấp một lần đối với 45.501 trường hợp với tổng kinh phí 93 tỷ đồng; thực hiện chế độ điều dưỡng đối với hơn 36 nghìn lượt người tổng kinh phí 73 tỷ đồng (trong đó nguồn Trung ương ủy quyền là hơn 35,5 tỷ, nguồn kinh phí của tỉnh là 37,5 tỷ đồng); cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, thiết bị phục hồi chức năng đối với 1.188 người, tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng…
Cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi theo quy định của Đảng và Nhà nước, tỉnh quan tâm ban hành nhiều chế độ chính sách ưu đãi chăm sóc NCC đặc thù như: Hỗ trợ cải thiện nhà ở; chính sách ưu đãi NCC trong tuyển sinh, tuyển dụng, miễn giảm thuế, ưu đãi về nhà ở, vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe trong năm không thực hiện chế độ điều dưỡng của Trung ương; thăm tặng quà người có công, gia đình liệt sĩ nhân dịp Ngày Thương binh Liệt sĩ, Tết Nguyên đán; chế độ phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng quà cho con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8)...
Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng, ban hành bộ quy trình thủ tục hành chính về xác lập hồ sơ NCC đối với từng nhóm đối tượng, giúp việc thẩm định hồ sơ bảo đảm thủ tục và thời gian nhanh nhất. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương tập trung rà soát, hướng dẫn xác lập hồ sơ, tổ chức xét duyệt đề nghị công nhận NCC với cách mạng. Kết quả từ năm 2022 đến nay đã xác nhận 936 người có NCC với cách mạng (trong đó có 1 liệt sĩ, 54 thương binh, 252 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 4 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, 3 người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày, 3 người có công giúp đỡ cách mạng, 614 trường hợp hưởng thêm chế độ đối với thương binh đồng thời là bệnh binh, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động)…
Các cấp chính quyền và nhân dân dâng hoa và thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Bắc Ninh.
Toàn tỉnh có 117 công trình ghi công liệt sĩ, nơi an táng của hơn 16 nghìn liệt sĩ. Cùng với nguồn kinh phí do Trung ương đầu tư, hàng năm, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp huy động thêm các nguồn lực đầu tư kinh phí vào công tác tu bổ, nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ. Năm 2023, các địa phương nâng cấp, cải tạo 10 nghĩa trang liệt sĩ với tổng kinh phí 9,5 tỷ đồng (kinh phí Trung ương 9 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” 500 triệu đồng)… Những công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, xây dựng khang trang, chăm lo thường xuyên khẳng định công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, NCC với cách mạng, đồng thời là minh chứng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Chung tay cùng các cấp ngành, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng”, xây dựng các quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng, trở thành nét đẹp văn hóa của các địa phương. Từ năm 2022 đến nay, các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 19 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã trao tặng 294 sổ tiết kiệm tình nghĩa (tổng số tiền 361 triệu đồng); hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 21 NCC và thân nhân NCC khó khăn về nhà ở (tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng); 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng khi còn sống đều được các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận trực tiếp phụng dưỡng suốt đời…
Với sự quan tâm, chăm lo thiết thực ấy, đời sống của NCC và gia đình NCC với cách mạng không ngừng được nâng lên. NCC, thương binh, bệnh binh và gia đình có điều kiện phát huy vị trí, vai trò trong phát triển sản xuất, kinh doanh, kinh tế hộ gia đình, đóng góp ngày càng nhiều cho cộng đồng và xã hội, đất nước. Đến nay, 99,97% hộ gia đình NCC của tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn giữ vững danh hiệu làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, NCC với cách mạng.
Có thể nói, những chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và sự quan tâm của xã hội mang đậm nghĩa tình đã và đang phần nào xoa dịu những đau thương, mất mát mà chiến tranh để lại. Trong tháng 7 - tháng tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ, NCC với cách mạng, những hoạt động “uống nước, nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” lại tiếp tục lan tỏa. Từ các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ, các trung tâm điều dưỡng thương binh đến mỗi gia đình, đâu đâu cũng đón những cuộc trở về, những hành động tri ân đầy ý nghĩa. Những tình cảm ấy đang làm ấm lòng các thương, bệnh binh, thân nhân, gia đình chính sách và cũng là lời khẳng định thế hệ hôm nay mãi khắc ghi công ơn to lớn của những người đã anh dũng nằm xuống, hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc bình yên, nhân dân hạnh phúc.