Tôn vinh nét đẹp của nữ cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Áo dài từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa chứa đựng tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Tuần lễ áo dài được tổ chức hàng năm là cách để tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống cũng như vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Từ bao đời nay, chiếc áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, đó là trang phục không thể thiếu trong trong các sự kiện quan trọng của đất nước, của dân tộc. Chiếc áo dài làm tô thêm nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, nét duyên dáng của người phụ nữ Á đông. Áo dài là hiện thân của dân tộc Việt, một vẻ đẹp mỹ miều nhưng đằm thắm, là một phần tất yếu trong mỗi phụ nữ Việt, là đặc trưng cho một quốc gia có người phụ nữ chịu thương chịu khó, luôn có đức hy sinh. Trải qua từng thời kì, từng giai đoạn cùng với những diễn biến của quà trình lịch sử Việt Nam, tà áo Việt Nam luôn tồn tại theo dòng thời gian, vẫn mãi sẽ là tâm hồn Việt, văn hóa Việt, là tinh thần Việt và là trang phục truyền thống mang đậm tính lịch sử lâu đời của nước Việt ngàn năm văn hiến.
Hưởng ứng Tuần lễ áo dài năm 2024, từ ngày 01 đến ngày 08/3, Công đoàn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát động đến toàn thể nữ cán bộ, đoàn viên và người lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng trên cơ sở kết hợp, lồng ghép trong các hoạt động kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3... Sau khi phát động, tất cả nữ công chức, viên chức và người lao động Sở đều tích cực hưởng ứng, bởi đối với phụ nữ, chiếc áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch, chị em khi mặc áo dài đều rất tự tin, phần nào cũng điều chỉnh văn hóa giao tiếp, nhẹ nhàng, thanh lịch hơn. Áo dài xuất hiện cùng chị em như một hình ảnh với tất cả niềm tự hào, hãnh diện về trang phục truyền thống của dân tộc. Qua đó, nhằm tôn vinh giá trị áo dài Việt, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam.
Áo dài là trang phục dành cho mọi lứa tuổi và đã trở thành trang phục chuẩn mực cho những dịp đặc biệt hoặc trang trọng những ngày lễ quốc gia, lễ cưới, ngày tết, lễ tốt nghiệp hoặc trong những cuộc thi quan trọng. Khi tham dự một sự kiện đặc biệt nào đó hoặc xuất hiện trên truyền hình, Áo dài luôn là trang phục được phụ nữ Việt Nam ưu tiên lựa chọn vì nó góp phần tôn lên vẻ đẹp của họ. Có thể nói rằng Áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới. Chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam vừa truyền thống lại vừa hiện đại, có thể mặc ở mọi lúc mọi nơi: dùng làm trang phục công sở, đồng phục đi học, mặc để tiếp khách trang trọng trong nhà… Việc mặc loại trang phục này không hề rườm rà hay cầu kì, những thứ mặc kèm đơn giản: mặc với một quần lụa hay vải mềm, dưới chân đi hài guốc hay giày; nếu cần trang trọng như trang phục cho cô dâu thì thêm chiếc khăn đóng truyền thống đội đầu, hay một chiếc miện Tây tùy thích. Đây chính là điểm đặc biệt của thứ trang phục truyền thống này.
Cuộc sống ngày càng phát triển và luôn đổi thay từng ngày. Dù nhu cầu và phong cách thời trang thay đổi theo con người của thời đại, nhưng áo dài vẫn sẽ là trang phục tượng trưng cho người phụ nữ Việt Nam mà không có một trang phục nào trong tương lai có thể thay thế được. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nói chung, nữ cán bộ CCVC&NLĐ của ngành Lao động – TB và XH nói riêng duyên dáng với tà áo dài sẽ mãi mãi là sự ấn tượng sâu sắc cho các cá nhân, tổ chức khi đến liên hệ công tác cũng như những du khách trong và ngoài nước và nó luôn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Chính vì vậy, việc gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền áo dài cho các thế hệ sau là nhiệm vụ quan trọng không của riêng ai. Để góp phần gìn giữ, phát huy di sản văn hóa “Áo dài” của Việt Nam, nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người phụ nữ, khơi dậy niềm tự hào, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và sự tự hào duyên dáng của nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành nói riêng.