Hội thảo về việc làm bền vững và bình đẳng giới theo các Công ước của ILO tại Việt Nam

24/10/2013 01:05 View Count: 38
Ngày 21/10/2013, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia về việc làm bền vững và bình đẳng giới trong các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế - Thực tiễn áp dụng tại Việt Nam do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID) tổ chức. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa đến dự và chủ trì hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết: Khái niệm việc làm bền vững được nêu trong Chương trình nghị sự về Việc làm bền vững của Tổ chức Lao động Quốc tế từ năm 1999 và tiếp tục được hoàn thiện, cho đến nay bao gồm 4 trụ cột chiến lược với mục tiêu bình đẳng giới được lồng ghép xuyên suốt, đó là: Việc làm đầy đủ và năng suất; Bảo đảm các quyền làm việc; Mở rộng an sinh xã hội; và Thúc đẩy đối thoại xã hội. Với cơ cấu “ba bên” rất đặc trưng là tập hợp đại diện của Chính phủ, các tổ chức người lao động và người sử dụng lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã xây dựng một hệ thống các Công ước, Khuyến nghị về lao động đồ sộ nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới chính sách lao động và xã hội, đảm bảo phát triển kinh tế song hành với công bằng xã hội, thịnh vượng và hòa bình cho tất cả mọi người. Hy vọng rằng kết quả và khuyến nghị của hội thảo hôm nay sẽ tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ Dự án Lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và Chính sách hướng tới việc làm bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2012-2015 do Tây Ban Nha hỗ trợ, trong đó nhấn mạnh tới việc nâng cao nhận thức hiểu biết về các Công ước của ILO liên quan đến việc làm bền vững và bình đẳng giới.

Là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế từ năm 1992, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên, trong đó có nghĩa vụ phê chuẩn và thực hiện các Công ước và các Khuyến nghị của ILO, đặc biệt là các công ước cơ bản và các công ước ưu tiên. Việt Nam đã từng bước nội luật hóa những nội dung của các công ước và các khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế bằng cách áp dụng trực tiếp hoặc từng bước sửa đổi , bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp. Nội dung việc làm bền vững và bình đẳng giới trong các công ước của ILO đã được tham chiếu, lồng ghép trong qúa trình Việt Nam xây dựng và ban hành các đạo luật như: Bộ luật Lao động năm 1994 và được sửa đỏi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007; Bộ luật Lao động năm 2012; Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Dạy nghề năm 2006; Luật BHXH năm 2006, Luật Hợp tác xã năm 2012; Luật đưa người Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài năm 2006; Luật Công đoàn năm 2012…

Có thể nói, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh để điều chỉnh những vấn đề liên quan đến việc làm bền vững và bình đẳng giới, góp phần kịp thời thể chế hóa quan điểm, đường lối xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tạo điều kiện, cơ hội và nền tảng để thực thi việc làm bền vững và bình đẳng giới phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ và từng bước hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Tuy nhiên một thách thức đặt ra là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế thị trường đã khiến một số quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề lao động còn chưa theo kịp và chưa đáp ứng được các yêu cầu của hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, chưa thể hiện rõ sự bình đẳng của các bên trong quan hệ lao động, hya chưa bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, để đạt được kết qủa trong triển khai thực hiện những quy định của hệ thống pháp luật về việc làm bền vững và bình đẳng giới ở Việt Nam, cần thực hiện những vấn đề như: Trong qúa trình phổ biến pháp luật lao động cần nhấn mạnh nhiều hơn nữa nội dung việc làm bền vững và bình đẳng giới cũng như các công ước quốc tế có liên quan; Tiếp tục lồng ghép nội dung bình đẳng giới và việc làm bền vững vào trong qúa trình hoàn thiện pháp luật lao động; Tăng cường sự tham gia của các bên trong qúa trình phối hợp thực hiện pháp luật và các công ước có liên quan thông qua việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về lao động và các hoạt động của các cơ quan, tổ chức công đoàn, đại diện của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện nội dung việc làm bền vững và bình đẳng giới; Tăng cường sự tham gia và hỗ trợ của Dự án Lồng ghép bình đẳng giới và việc làm bền vững trong chính sách và pháp luật. Trong qúa trình thực hiện dự án, thực hiện đúng những nội dung của các công ước và khuyến nghị của ILO và những cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan.

Nhìn chung, tại hội thảo, đại diện từ các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động cấp trung ương và địa phương được tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề việc làm bền vững và bình đẳng giới trong lao động qua các phần trình bày của các chuyên gia, qua đó thấy được tầm quan trọng của các Công ước, góp phần vào việc thúc đảy việc tham gia và thực hiện các Công ước tại Việt Nam; đánh giá những thách thức hiện nay và chia sẻ các điển hình tốt trong việc thực hiện các Công ước của ILO về việc làm bền vững và bình đẳng giới; đưa ra được những hoạt động cụ thể hơn để đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam – ILO về việc làm bền vững giai đoạn 2012-2016 đã được ký kết.

Nguyen Kinh Duc
Source: BBN