Hãy nói không với lao động trẻ em làm thuê giúp việc gia đình

08/05/2015 09:49 View Count: 81
Tối 11/6 tại Nhà hát tuổi trẻ (Hà Nội), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em năm 2013. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Lao động-TB và XH Doãn Mậu Diệp, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Ông Gyorgy Sziraczki, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam, Ông Alfonso Tena cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành hữu quan.
 
Hình ảnh trong Lễ mít tinh Ngày thế giới phòng chống lao động trẻ em
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em học văn hóa, học nghề. Nhiều trẻ em được giải cứu khỏi những công việc nặng nhọc, những nơi làm việc nguy hiểm có hại cho sự phát triển thể chất và tinh thần. Tuy chưa có con số thống kê chính thức về số lao động trẻ em giúp việc gia đình, nhưng qua các quan sát thực tế cho thấy, số lượng trẻ em làm thuê giúp việc gia đình ở nước ta ngày càng có xu hướng gia tăng. Đây là công việc gắn với thời gian làm việc kéo dài, không gian làm việc khép kín, ít có sự giám sát của cộng đồng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đối với các em.
 
Tổng điều tra dân số và nhà ở gần đây cho thấy, hơn 7 % lao động làm thuê giúp việc gia đình ở Việt Nam dưới 18 tuổi. Một nghiên cứu về giúp việc gia đình do Bộ LĐ-TBXH phối hợp với ILO tiến hành tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra rằng, 17,3% lao động làm thuê giúp việc gia đình bắt đầu làm việc khi họ chưa đủ 18 tuổi. Hiện, số lượng trẻ em làm thuê giúp việc gia đình có xu hướng gia tăng là do nhận thức của gia đình và xã hội, tình trạng nghèo đói, sự không tiếp tục con đường học tập hoặc học nghề của trẻ em các gia đình nghèo dẫn đến có rất ít lựa chọn cho công việc của các em. Nhu cầu giúp việc để chăm sóc người già và chăm nom con trẻ ở đô thị đang có xu hướng tăng. Nguy cơ lạm dụng trẻ em lao động sớm này đã tác động đến sự phát triển về thể lực, tình cảm và đạo đức của các em, ảnh hưởng đến tương lai của toàn xã hội.
 
Để giúp cải thiện tình hình nêu trên, Việt Nam đã tham gia phê chuẩn Công ước số 138 về tuổi lao động tối thiểu, Công ước số 182 về loại trừ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất của ILO, đồng thời hệ thống pháp luật về lao động, việc làm nước ta cũng đã từng bước được hoàn thiện. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục và dạy nghề, từng bước giảm tình trạng nghèo đói, hỗ trợ các gia đình cải thiện thu nhập, đưa trẻ em trở lại môi trường học văn hóa, học nghề. Xây dựng chương trình quốc gia xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất từ phòng ngừa, can thiệp sớm, giải cứu các em khỏi các công việc và môi trường độc hại, nguy hiểm, hỗ trợ các em tái hòa nhập cộng đồng”.
 
Những nỗ lực nêu trên mặc dù đã đem lại kết quả tích cực, tuy vậy, giải quyết tình trạng trẻ em lao động sớm vẫn là một thách thức trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhận thức của một bộ phận cha mẹ và người sử dụng lao động còn hạn chế, ý thức tuân thủ pháp luật lao động chưa cao….Với tinh thần trên, nhân Ngày Thế giới Phòng chống Lao động trẻ em năm nay, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị và kêu gọi sự vào cuộc của các gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội cùng chung tay tiến tới xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em.
Source: website: Bộ LĐTBXH