Chống dịch tại Bắc Ninh - Những quyết định chưa có tiền lệ

03/07/2021 10:00 View Count: 72

Những mũi tấn công liên tiếp của Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 khiến tỉnh Bắc Ninh hơn 1 tháng qua phải "gồng mình” chống dịch. Đã có những quyết định táo bạo, chưa từng có tiền lệ được tỉnh áp dụng để "phản công” trước sự lây lan của dịch bệnh - đặc biệt trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Hơn 1 tháng qua, cả tỉnh Bắc Ninh đã trải qua những giờ phút cam go trong trận chiến chống Covid-19. Mọi nguồn lực, mọi sự hỗ trợ đã được kêu gọi, huy động để có thể tạo nên sức mạnh đánh bại dịch bệnh. Nhưng có lẽ, trong cuộc chiến này, sự chủ động và nội lực của địa phương chính là một trong những yếu tố quan trọng để cuộc chiến đạt được những thành công bước đầu.

Trong câu chuyện với phóng viên VOV2, ông Vương Quốc Tuấn - Uỷ viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Đến thời điểm này, cơ bản dịch đã được khống chế ở tất cả các địa bàn trong toàn tỉnh”.

Có lẽ, cảm giác “phấp phỏng” lo âu trong hơn 50 ngày qua khiến cá nhân ông Vương Quốc Tuấn và các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh như cảm thấy nhẹ lòng khi nhận được thông báo “không có ca mắc mới trong cộng đồng” từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh. Quan trọng hơn, điều đó có nghĩa là nhịp sống, nhịp lao động sản xuất đang có những tín hiệu vui, lạc quan. Ở một địa phương mà trong dịch bệnh, yêu cầu đặt ra là “tuyệt đối không thể để đứt gãy chuỗi sản xuất, không thể “đóng băng” các khu công nghiệp, bởi dừng sản xuất 1 ngày, con số thiệt hại có thể lên đến 3.600 tỷ đồng” - con số này cho thấy, giá trị của mỗi ngày “an toàn” trong khu công nghiệp tại Bắc Ninh lớn đến nhường nào. “Cá nhân tôi cũng như các đồng chí trong lãnh đạo tỉnh từ thời điểm bùng phát dịch đợt thứ 4 này, chúng tôi phải huy động cao nhất các lực lượng của hệ thống chính trị trong đó có từng cá nhân, thậm chí người dân cũng phải gồng mình lên chống dịch. Mọi tâm trí, ý thức trong công việc bây giờ, lúc nào cũng phải đặt tâm thế chống dịch lên hàng đầu, cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, đặc biệt phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trở lại bình thường và cố gắng lấy lại đà tăng trưởng và chu kỳ đầu tiên của giai đoạn 2021-2025”- ông Vương Quốc Tuấn cho biết.

Thời kỳ Bắc Giang - địa phương giáp ranh Bắc Ninh bùng phát các ca đầu tiên trong khu công nghiệp thì Bắc Ninh cũng đã bùng phát dịch trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt, ổ dịch lớn nhất của tỉnh thời điểm sau kỳ nghỉ lễ 30/4- 1/5 đó là ở huyện Thuận Thành và một số địa phương khác đều có yếu tố khu công nghiệp.

Những ca mắc trong cộng đồng liên tiếp tăng, cùng với mối nguy Covid-19 có thể tấn công lan sang khu công nghiệp, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Bắc Ninh đã ngay lập tức phân tích tình huống và lên kịch bản ứng phó. “Bắc Giang và Bắc Ninh có mối liên hệ chặt chẽ về mặt thông thương cũng như giao thông, thêm vào đó, số công nhân lao động của cả hai bên đi lại thường xuyên. Hơn 30.000 người Bắc Giang lao động tại tỉnh Bắc Ninh đi về hằng ngày. Còn lao động của Bắc Ninh làm việc tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, nhất là ở “điểm nóng” KCN Quang Châu cũng khoảng hơn 3000 người, những người này đi lại giữa hai địa phương hằng ngày” - ông Vương Quốc Tuấn nhận định.

Đây chính là yếu tố khiến cho nguy cơ lây lan dịch bệnh tại Bắc Ninh thực sự hiện hữu. Vì vậy, một kịch bản khẩn cấp đã được xác định: vừa chống dịch trong cộng đồng vừa đảm bảo ngăn cản dịch bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp.

Có thể nói, đợt dịch lần thứ 4 này khác hẳn những đợt dịch trước do biến chủng Delta Ấn Độ lây lan nhanh và mạnh trong cộng đồng và khu công nghiệp. Chính vì thế, tốc độ khoanh vùng, dập dịch vất vả hơn, đòi hỏi tốc độ xét nghiệm nhanh và rộng hơn, lực lượng chống dịch phải đông và mạnh hơn, thậm chí, nhiều khu vực phải phong tỏa.

“Vì số lượng dịch bùng phát nhiều nên đối tượng từ F0, F1, F2 cũng rất lớn. Ban đầu chúng tôi xây dựng phương án từ 50 đến 500 ca mắc nhưng đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này buộc chúng tôi phải thay đổi kịch bản từ 3.000 ca mắc lên thành 30.000 ca. Giường bệnh dự kiến ban đầu từ 600-1.500 giường, kịch bản cuối cùng đã nâng lên 3.000 giường, công suất của khu cách ly tập trung từ 6.000 chỗ lên 20.000 chỗ. Ban đầu chuẩn bị 2 bệnh viện dã chiến sau đó nâng lên 5 bệnh viện dã chiến”- ông Tuấn nói.

Chính vì xác định được những khó khăn nên tỉnh Bắc Ninh đã phải nỗ lực, quyết tâm và vận dụng linh hoạt, chuyển đổi trạng thái chống dịch từ bình thường sang trạng thái cao nhất. Hành động đầu tiên tỉnh Bắc Ninh đối phó với những cơn “rung chấn Covid-19” từ các khu công nghiệp ở Bắc Giang là “Khẩn trương tập trung khoanh vùng, yêu cầu tất cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp thống kê toàn bộ lao động của Bắc Giang, đặc biệt là những lao động ở trong vùng dịch. Đồng thời, tạm dừng tiếp nhận lao động từ vùng dịch và vùng phong tỏa của Bắc Giang. Đối với lao động không ở trong vùng dịch, chúng tôi vẫn đồng ý cho lao động từ Bắc Giang sang Bắc Ninh làm việc nhưng trên cơ sở phải kiểm soát nghiêm ngặt về công tác phòng chống dịch”- ông Vương Quốc Tuấn cho biết.

Lao động từ Bắc Giang trước khi di chuyển sang Bắc Ninh phải xét nghiệm PCR âm tính, và sang Bắc Ninh thì phải ăn ở tập trung trong ký túc xá. Người lao động Bắc Ninh sang làm việc tại Bắc Giang được thống kê và cho xét nghiệm tập trung toàn bộ.

Ông Vương Quốc Tuấn khẳng định, Bắc Ninh hiện có giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 1.300 nghìn tỷ đồng, giá trị đứng đầu toàn quốc. “Chính vì vậy, nếu trong công tác phòng chống dịch mà chúng tôi chọn phương án đơn giản nhất, an toàn nhất và thuận lợi nhất là đóng cửa khu công nghiệp thì quá dễ dàng cho lãnh đạo tỉnh nhưng hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế. Bởi vì 1 ngày đóng cửa sẽ mất khoảng 3.600 tỷ đồng, 1 tuần là 50 nghìn tỷ đồng”.

Thế nhưng, trọng trách đối với cả nước đã khiến Bắc Ninh phải bằng mọi giá giữ cho “thành trì sản xuất công nghiệp” không bị sụp đổ. Ông Vương Quốc Tuấn không thể quên cảm giác trong hơn 1 tháng qua đối với đội ngũ lãnh đạo tỉnh. Áp lực đến nghẹt thở - “Chúng tôi xác định phải làm tốt sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như Chính phủ, đó là vừa chống dịch vừa thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy, chúng tôi buộc phải làm sao chống dịch một cách quyết liệt nhất, sáng tạo nhất nhưng vẫn phải duy trì thành trì sản xuất công nghiệp”.

Trong chống dịch, chỉ đơn cử việc đưa ra quyết định giãn cách hay không giãn cách, tạm dừng hay không dừng hoạt động các khu công nghiệp, nếu giãn cách thì thực hiện theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16, đó cũng là một quyết định không hề dễ dàng. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức họp ngay trong đêm để phân tích và đi đến các quyết định chống dịch táo bạo và chưa có tiền lệ, đó là: đưa công nhân vào lưu trú trong nhà máy vừa làm việc, vừa ăn ở tập trung tại nhà máy.

Ông Vương Quốc Tuấn phát biểu trong cuộc họp triển khai việc bố trí công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy.

Ông Vương Quốc Tuấn phát biểu trong cuộc họp triển khai việc bố trí công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy “Thời điểm đó có nhiều phương án mà chúng tôi phải cân nhắc, áp lực từ phía cộng đồng xã hội, nhiều người dân, thậm chí là công nhân mong muốn. Nếu phong tỏa toàn tỉnh trong thời gian từ nửa tháng đến 21 ngày, chúng ta sẽ dập được dịch một cách nhanh hơn. Còn công nhân cũng lo lắng bị lây nhiễm nên họ cũng muốn nghỉ việc ở nhà cho an toàn. Nhưng, nếu sau những ngày phong tỏa, dịch vẫn chưa dập được thì sao? Điều đó sẽ để lại nhiều hệ lụy”- ông Vương Quốc Tuấn chia sẻ.

Cuối cùng, tỉnh Bắc Ninh đã quyết định, các doanh nghiệp trên địa bàn phải giảm tối thiểu 50% nguồn nhân lực lao động ở trong các nhà máy để giảm mật độ người làm việc. 50% số công nhân còn lại sẽ ở lại nơi lưu trú của mình và được quản lý một cách chặt chẽ để phòng chống dịch. Cùng với đó, hàng loạt kế hoạch đã được thực hiện để tạo điều kiện ăn ở, làm việc sinh hoạt một cách tốt nhất cho công nhân tại các khu tập trung.

Khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý với quyết định này, ông Tuấn vẫn “đau đáu” với câu hỏi: sẽ triển khai ra sao, liệu có xảy ra vấn đề gì trong quá trình thực hiện? Để đạt được sự đồng thuận, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh đã phải thuyết phục và hướng dẫn các doanh nghiệp cũng như kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Mục tiêu giữ an toàn trong “thành trì sản xuất công nghiệp” cũng đã tạo lực đẩy để công tác chống dịch ngoài cộng đồng đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Nhiều khu vực được gỡ phong tỏa, mức độ giãn cách được nới lỏng. Ông Vương Quốc Tuấn đã thông báo tin vui: từ ngày 20/6 vừa qua, tất cả doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được phép sử dụng 100% lao động và hoạt động trở lại bình thường, trên cơ sở thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.

Đây cũng là một quyết định “cân não” đối với ban lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. “Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khi công nhân ở trong doanh nghiệp vốn đã rất an toàn rồi, bây giờ lại cho về cộng đồng mà cộng đồng vẫn chưa hẳn là an toàn. Như vậy, rất có thể điều này lại khiến dịch quay trở lại nhà máy”- ông Tuấn chia sẻ.

Xét nghiệm cho người lao động trước khi quay trở lại làm việc.

Xét nghiệm cho người lao động trước khi quay trở lại làm việc Chính vì thế, để gia tăng độ an toàn, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện biện pháp xét nghiệm sàng lọc Covid-19 đối với người lao động. “Với người lao động đang ở tập trung trong nhà máy sẽ phải xét nghiệm 2 lần trước khi trở về cộng đồng dân cư. Còn đối với các công nhân đang lưu trú ở nhà trọ tại cộng đồng dân cư, muốn trở lại nhà máy cũng phải xét nghiệm 2 lần. Hằng tuần, thực hiện các quy định bắt buộc tối thiểu xét nghiệm sàng lọc cho 20% số lao động trong tống số người lao động trong doanh nghiệp”- ông Tuấn nói.

Và cũng chỉ có Bắc Ninh, trong cuộc chiến chống Covid-19 trong KCN mới có thể liên tiếp đưa ra những quyết định chưa có “tiền lệ”. Đó là các nhà máy, các doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp cho người lao động đủ 3 bữa ăn/ngày với quy trình khép kín vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm cho người lao động và tránh lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng khi phải đi chợ lo ăn. Một chu trình khép kín để kiểm soát dịch bệnh đã tăng cường giữ nhà máy và nơi lưu trú của công nhân.

Đến thời điểm này, công tác phòng chống dịch của tỉnh có những thành công bước đầu rất quan trọng, củng cố niềm tin và có thành quả tiếp theo trong công tác phòng chống dịch cũng như phát triển kinh tế.

Ông Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, sự bền bỉ và kiên cường mà Bắc Ninh có được trong cuộc chiến chống giặc Covid-19 cũng nhờ nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng Nhà nước, của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, nhận được sự hỗ trợ kịp thời, tận tâm cả vật chất, tinh thần của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Y tế cũng như nhân dân cả nước.

Từ sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, trong đó có Bộ Y tế và nhân dân cả nước, công tác chống dịch tại tỉnh Bắc Ninh đã được được những thành công bước đầu. Chưa bao giờ, sự đoàn kết, đồng tâm lại mạnh mẽ đến vậy. Thần tốc và nêu cao tinh thần trách nhiệm cũng như linh hoạt trong các phương án chống dịch cũng là những bài học đáng quý. Sự vào cuộc của hệ thống đã tạo ra sức mạnh vô bờ bến trong công tác phòng chống dịch- ông Vương Quốc Tuấn tâm đắc. Vẫn biết rằng, cuộc chiến với Covid-19 tại Bắc Ninh vẫn còn tiếp diễn, nhưng những gì Bắc Ninh đã trải qua, đã thu được trong từng “trận đánh” sẽ là bài học quý giá để vững tin về một ngày mai rất đỗi bình thường sẽ sớm trở lại.

Source: vov2.vov.vn